Lý do tên lửa Simorgh của Iran thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế
Tên lửa Simorgh của Iran, được chính thức công bố là Phương tiện phóng không gian (SLV), đang là tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế.
Mặc dù được giới thiệu cho mục đích hòa bình, nhiều người lo ngại rằng mục đích thực sự của nó có thể mang tính quân sự hơn nhiều.
Simorgh - Phương tiện phóng không gian hay tên lửa xuyên lục địa?
Simorgh, tên gọi theo một loài chim thần thoại trong văn hóa Ba Tư, là một tên lửa hai tầng, sử dụng nhiên liệu lỏng. Mục đích chính thức của nó là đưa vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO).
Tuy nhiên, sự phát triển của tên lửa Simorgh đã làm dấy lên những lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế. Nhiều người cho rằng chương trình hạt nhân dân sự của Iran chỉ là vỏ bọc cho chương trình tên lửa đạn đạo, vốn được xem là nền tảng cho việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Năm 2010, cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã phê duyệt dự án Simorgh, còn được gọi là Safir-2.
Tên lửa này được thiết kế để đưa vệ tinh của Iran vào quỹ đạo. Với chiều dài khoảng 27 m, tên lửa Simorgh có khả năng đưa một vệ tinh nặng khoảng 250kg vào quỹ đạo cách Trái Đất 500 km.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2010, Simorgh đã trải qua 7 lần phóng, trong đó có 4 lần thành công và 3 lần thất bại.
Các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đã nhắm trực tiếp vào chương trình tên lửa Simorgh và các thành phần của nó, gây khó khăn cho Iran trong việc phát triển tên lửa này một cách tối đa. Tuy nhiên, Iran vẫn có đủ năng lực công nghiệp để chế tạo những cỗ máy như vậy.
Mục đích kép và tiềm năng quân sự
Tên lửa Simorgh không chỉ là phương tiện cho các hoạt động thám hiểm hòa bình hay phóng vệ tinh dân sự. Nó là một hệ thống có mục đích kép, có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Ngay cả trong lĩnh vực vệ tinh, việc có vệ tinh trên không và vũ khí hạt nhân dưới mặt đất cũng có thể hỗ trợ chương trình hạt nhân của Iran. Vệ tinh sẽ giúp quân đội Iran tăng cường khả năng tấn công tầm xa và nhắm mục tiêu hiệu quả hơn.
Đáng chú ý, các bài học rút ra từ việc sử dụng tên lửa Simorgh có thể dễ dàng được áp dụng để phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thực thụ.
Theo một báo cáo của Iran Primer, việc chuyển đổi Simorgh thành một ICBM sẽ mất vài năm và khó có thể đi vào hoạt động trước năm 2023 hoặc 2024. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về mục đích thực sự của Simorgh.
Dù có nhiều tranh cãi về mức độ phát triển của chương trình hạt nhân Iran, ngay cả khi Iran có một số đầu đạn thô sơ, họ vẫn thiếu công nghệ thu nhỏ cần thiết để gắn chúng lên ICBM như Simorgh.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của chính quyền ông Assad ở Syria và việc Nga rút quân khỏi Syria đã đặt Iran vào thế bất lợi trong cuộc chiến ngầm với Israel và Mỹ. Do đó, Iran có thể sẽ đẩy nhanh việc phát triển kho vũ khí hạt nhân và các hệ thống mang vũ khí, bao gồm cả công nghệ thu nhỏ.
Nhiều chuyên gia cho rằng Simorgh giống tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) hơn là ICBM.
Tầm bắn xa nhất của Simorgh được cho là chỉ đến châu Âu, không đủ sức đe dọa đến Mỹ. Tuy nhiên, tình hình bất ổn ở Trung Đông đã làm thay đổi cục diện. Với việc liên minh Mỹ-Israel chiếm ưu thế sau khi lật đổ ông Assad, Iran sẽ tìm cách mở rộng năng lực hạt nhân của mình, điều này có thể gây ra sự phẫn nộ từ phần lớn thế giới.
Tóm lại, tên lửa Simorgh của Iran không chỉ là một phương tiện phóng không gian đơn thuần.
Nó mang trong mình tiềm năng quân sự lớn, đặc biệt là khả năng phát triển thành ICBM. Sự phát triển của Simorgh, cùng với chương trình hạt nhân của Iran, đang tạo ra những lo ngại lớn cho nhiều nước. Mỹ có thể chưa nhận thấy mối đe dọa này, nhưng rõ ràng rằng nó đang hiện hữu.