Lý tưởng xanh trở nên 'tai tiếng' trong tay các nước giàu

Các quy định nhập khẩu với mục tiêu bảo vệ môi trường của Liên minh châu Âu (EU) đang vấp phải sự hoài nghi từ nhiều quốc gia trên thế giới.

 Nông dân chất chùm cọ lên xe chuyển đến các nhà máy ở Pekanbaru, tỉnh Riau, Indonesia, ngày 27/4/2022. Ảnh: Reuters.

Nông dân chất chùm cọ lên xe chuyển đến các nhà máy ở Pekanbaru, tỉnh Riau, Indonesia, ngày 27/4/2022. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 3, Vương quốc Anh đã lên kế hoạch loại bỏ thuế quan đối với dầu cọ Malaysia nhằm đổi lấy cơ hội gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Dầu cọ - loại nhiên liệu sinh học và là nguyên liệu sản xuất khoảng một nửa số sản phẩm đóng gói tại siêu thị của các nước giàu - đã trở thành phép thử với nỗ lực tái thiết lập cơ chế thương mại thế giới, với mục tiêu bảo vệ môi trường.

Song cho đến nay, kết quả không mấy khả quan. Chính phủ các nước giàu, đặc biệt là EU, đang gặp khó khăn trong việc đặt ra các quy định liên quan đến thương mại xanh thực sự hiệu quả và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Cuộc chiến dầu cọ

Dầu cọ trở nên nổi tiếng, hay chính xác hơn là “tai tiếng”, sau khi xuất hiện trong chiến dịch chỉ trích các đồn điền dầu cọ phá hoại môi trường sống của động vật do tổ chức Greenpeace thực hiện. Video tuyên truyền của tổ chức này đã gây ra một cơn bão trên mạng xã hội, theo Marketingweek.

Dầu cọ và các sản phẩm phái sinh hiện bị nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp tại các nước giàu tẩy chay.

Trên thực tế, EU đã ngăn chặn việc nhập khẩu dầu cọ làm nhiên liệu sinh học theo chỉ thị năng lượng tái tạo, đồng thời ban hành luật chống phá rừng mới cứng rắn hơn nhắm vào dầu cọ, gia súc, đậu nành, cà phê, ca cao, gỗ và cao su.

 Hình ảnh chiếc giày trong video của Bộ Ngoại giao Indonesia. Ảnh: Youtube/KompasTV.

Hình ảnh chiếc giày trong video của Bộ Ngoại giao Indonesia. Ảnh: Youtube/KompasTV.

Đối với Indonesia và Malaysia - hai nhà sản xuất dầu cọ chính của thế giới và từng là thuộc địa của các đế quốc châu Âu, các biện pháp này cho thấy chủ nghĩa thực dân kiểu mới của các nước giàu, nhằm phá hủy kế sinh nhai của những hộ sản xuất nhỏ.

Trong một video trên YouTube, Bộ Ngoại giao Indonesia đã chỉ trích khối này, khi sử dụng hình ảnh một giày in chữ “EU” giẫm lên một đồn điền dầu cọ.

Jakarta và Kuala Lumpur cũng đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các quy định của Brussels. Sự bất đồng ảnh hưởng tiêu cực tới các thỏa thuận thương mại mà EU đang cố gắng ký kết ở Đông Nam Á.

Bảo vệ môi trường hay chủ nghĩa bảo hộ?

Theo Financial Times, các nhà sản xuất ở Indonesia và Malaysia đã đưa ra một số lập luận hợp lý.

Họ cho rằng lệnh cấm nhập khẩu dầu cọ không có ý nghĩa. Nghiên cứu của WWF chỉ ra rằng các đồn điền cọ có năng suất cao ấn tượng. Do đó, nếu thay thế bằng đậu nành, dừa hay hướng dương sẽ cần diện tích đất gấp 4-10 lần, tác động tiêu cực đến môi trường.

Tương tự, những lời chỉ trích kế hoạch cắt giảm thuế của Vương quốc Anh cũng không xác đáng.

Về nguyên tắc, họ có thể áp dụng các điều kiện xanh trong thương mại nhằm bảo vệ hàng hóa công cộng (chẳng hạn rừng và môi trường sống của động vật hoang dã), và các điều kiện này phải tương đương với quy định về môi trường trong nước.

Song áp đặt thuế quan là một lựa chọn tồi. Biện pháp này không phân biệt giữa các nhà sản xuất bền vững hay hủy hoại môi trường trong mỗi quốc gia.

 Nhiều quốc gia hoài nghi về mục đích áp thuế với dầu cọ nhập khẩu của châu Âu. Ảnh: Reuters.

Nhiều quốc gia hoài nghi về mục đích áp thuế với dầu cọ nhập khẩu của châu Âu. Ảnh: Reuters.

EU cho biết họ đang cố gắng giải quyết vấn đề thông qua các quy tắc mới về phá rừng, áp dụng cho nhiều loại dẫn xuất dầu cọ hơn, không chỉ nhiên liệu sinh học.

Họ đặt ra các tiêu chí chính xác cho sản phẩm nhập khẩu vào thị trường chung, bao gồm lệnh cấm sản phẩm được trồng trên đất phá rừng sau ngày 31/12/2020. Theo đó, các nhà xuất khẩu cần cung cấp bằng chứng liên quan đến vị trí địa lý và hồ sơ lưu trữ, khó hơn nhiều so với quy định chống phá rừng của Anh chỉ yêu cầu tuân thủ luật pháp địa phương.

Từ góc nhìn của Kuala Lumpur và Jakarta, hành động của EU được thúc đẩy bởi chiến dịch vận động hành lang từ các nhà sản xuất hạt có dầu ở châu Âu.

Ngoài quy định về năng lượng tái tạo, Brussels cũng áp thuế chống bán phá giá với dầu diesel sinh học của Indonesia, song WTO tuyên bố biện pháp này là bất hợp pháp.

Trong khi đó, với lĩnh vực khai thác gỗ, Indonesia đã dành 5 năm (2011-2016) để thống nhất “thỏa thuận hợp tác tự nguyện” với EU, nhằm chứng nhận gỗ xuất khẩu của nước này được khai thác tại các khu rừng bền vững.

Song với sáng kiến chống phá rừng mới của EU, yêu cầu kiểm tra hải quan phức tạp hơn, Jakarta có thể sẽ phải bắt đầu một quy trình hoàn toàn mới.

Dù mục đích đằng sau có phải là chủ nghĩa bảo hộ hay không, các quy định phức tạp và thay đổi liên tục đã tạo ra rào cản thương mại không công bằng.

Hiện nay, Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị cho một loạt vụ kiện về các quy tắc chống phá rừng tại WTO. Ít nhất, các phán quyết sắp tới của WTO có thể xác định quy định này có phù hợp và đúng mục tiêu hay không.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết tranh chấp của WTO thường kéo dài nhiều năm. Trong thời gian đó, sinh kế của hàng triệu người vẫn bị ảnh hưởng.

EU và các nền kinh tế phát triển khác chưa thể chấm dứt sự hoài nghi rằng họ đang hành động độc đoán và thiếu thiện chí. Và điều này khiến lý tưởng phát triển thương mại bền vững thêm tiếng xấu.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-tuong-xanh-tro-nen-tai-tieng-trong-tay-cac-nuoc-giau-post1412831.html