'Ma trận' trại hè

Mỗi dịp hè đến, hàng loạt trại hè với đủ mọi tên gọi và lời quảng cáo 'có cánh' lại nở rộ trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khiến phụ huynh không khỏi hoang mang trước 'ma trận' sản phẩm giáo dục mùa hè. Trại hè - nơi được kỳ vọng giúp trẻ phát triển toàn diện - liệu có thực sự mang lại giá trị như cam kết, hay chỉ là chiêu thức 'thổi phồng' để móc hầu bao phụ huynh?

Trăm hoa đua nở, trăm giá khác nhau

Mùa hè vốn là thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và khám phá của học sinh sau một năm học căng thẳng. Thay vì cho con ở nhà hoặc về quê với ông bà, nhiều phụ huynh lựa chọn cho con tham gia trại hè như một giải pháp vừa giữ con an toàn, vừa giúp con học thêm kỹ năng sống, giao tiếp và phát triển toàn diện.

Bé trai gặp sự cố khi tham dự trại hè “Làng Háo Hức”.

Bé trai gặp sự cố khi tham dự trại hè “Làng Háo Hức”.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của các loại hình trại hè hiện nay đang khiến nhiều bậc cha mẹ rơi vào cảnh “rối như tơ vò”. Nếu gõ từ “trại hè” trên công cụ tìm kiếm của Google sẽ cho ra hơn chục nghìn kết quả, còn trên mạng xã hội Facebook cũng sẽ đưa ra rất nhiều lựa chọn. Các trại hè đa dạng về nội dung như “Trại hè lãnh đạo nhí”, “Trại hè chiến binh tinh nhuệ”, “Hành trình đánh thức tiềm năng”, “Du học hè quốc tế”, với đủ mức giá, từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng. Để thu hút học viên tham gia, nhiều đơn vị còn tung các chương trình ưu đãi: Giảm giá 30% học phí nếu đăng ký sớm, đăng ký từ 3 người trở lên, trả góp học phí với lãi suất 0%.

Không thể phủ nhận, nhiều trại hè uy tín đã thực sự giúp trẻ em rèn luyện tính tự lập, tăng khả năng giao tiếp, cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất, đặc biệt với các trại hè trải nghiệm thiên nhiên, học kỹ năng sinh tồn hay làm việc nhóm. Một số trại hè quốc tế còn mở ra cơ hội giao lưu văn hóa, trau dồi ngoại ngữ và định hướng nghề nghiệp từ sớm.

Chị Nguyễn Minh Nguyệt (chung cư FLC Cầu Giấy) cho biết, chị đã từng cho cậu con trai năm nay vào lớp 4 tham dự một trại hè quân đội. Sau một tuần tham dự, chị thấy con mình thay đổi hẳn. Về nhà con đã biết tự gấp chăn, dọn dẹp phòng, cư xử lễ phép hơn. Những điều mà ở nhà cậu con trai quý tử chưa bao giờ biết làm.

Tuy nhiên, bên cạnh những chương trình nghiêm túc và có tổ chức bài bản, không ít trại hè hiện nay đang vận hành theo kiểu làm ăn chộp giật, thiếu minh bạch, thiếu chuyên môn sư phạm. Học sinh bị “nhồi nhét” các buổi học lý thuyết khô khan, hoạt động thì rập khuôn, thiếu sáng tạo. Đội ngũ huấn luyện viên đôi khi chỉ là sinh viên làm thêm không được đào tạo kỹ về tâm lý trẻ em.

Nhiều nơi còn quảng cáo quá mức, sử dụng từ ngữ “tô hồng” như: “bẻ khóa tư duy triệu phú”, “đào tạo CEO nhí”, “rèn luyện đỉnh cao EQ và IQ” - gây kỳ vọng sai lệch cho phụ huynh và trẻ. Thậm chí, có những trại hè thu phí cao nhưng ăn uống sơ sài, điều kiện sinh hoạt tạm bợ, hoặc đưa trẻ đi xa nhưng không đảm bảo an toàn, y tế.

Thực tế, những năm gần đây, các trại hè có chủ đề kỹ năng sinh tồn, tìm về thiên nhiên đang trở thành xu hướng. Các chương trình như “Chiến binh sinh tồn” cho con trẻ học kỹ năng sống và kỹ năng sinh tồn (qua trải nghiệm đi rừng). Phương pháp thực hiện huấn luyện bằng các trò chơi, tình huống kèm các công cụ hiện đại như máy tính bảng thông minh và học liệu tự nhiên… Thời gian của trại hè kéo dài khoảng 1 tuần và tổ chức liên tiếp các đợt, chi phí từ 3 đến gần 10 triệu đồng tùy vào nhu cầu của phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đặt dấu hỏi và lo lắng về tính an toàn của con, chất lượng một chương trình trại hè có giá bằng chi phí đến vài tháng trong năm học…

Mới đây, một phụ huynh ở Hà Nội bức xúc phản ánh trên trang cá nhân về trường hợp cậu con trai 10 tuổi tham dự trại hè Làng Háo Hức (Thái Nguyên) gặp phải những điều không may mắn. Với mức phí gần 10 triệu đồng, trại hè được kỳ vọng sẽ mang lại những kỷ niệm đẹp, nhưng thực tế lại khác xa. Trở về sau khóa trại hè 8 ngày 7 đêm con chị bị nổi mẩn khắp người, ngứa ngáy khó chịu. Bé liên tục bị bạn bè dùng lời lẽ không phù hợp, có hành vi không đúng mực và thậm chí bị tác động vật lý. Điều đáng buồn là bé đã quá sợ hãi đến mức không dám chia sẻ với người lớn và trở nên hoảng loạn khi về nhà.

Vấn đề vệ sinh cá nhân cũng là một điểm nhức nhối. Bé trai gần như không thể đi vệ sinh nhiều ngày vì nhà vệ sinh bị mô tả là quá bẩn, bốc mùi, thiếu nước và không có nước nóng để tắm. Những điều kiện sinh hoạt cơ bản bị thiếu hụt đã khiến bé phát sinh các vấn đề sức khỏe buộc phụ huynh phải đưa đi khám ngay sau khi đón về.

Nhiều gia đình khác cũng chia sẻ những câu chuyện tương tự, cho thấy đây không phải là trường hợp cá biệt. Các phụ huynh đều chung nhận định rằng số lượng học viên tại trại hè quá đông so với đội ngũ nhân sự quản lý và chăm sóc. Điều này dẫn đến việc các hoạt động thể chất, như leo núi giữa trưa nắng, đôi khi khiến các em kiệt sức mà không được cung cấp đủ nước uống.

Đáng chú ý, các phụ huynh cho biết khi phản ánh tình trạng lên nhóm chat hoặc mạng xã hội, họ bị gỡ bình luận, chặn tài khoản và không nhận được phản hồi rõ ràng từ phía ban tổ chức.

Trước làn sóng tranh luận từ cộng đồng mạng và một số phụ huynh khác, ngày 4/7, đại diện Làng Háo Hức đã đăng tải phản hồi chính thức trên fanpage. Theo đơn vị này, Làng chưa bao giờ dám cam kết với phụ huynh con tham gia trại hè sẽ đảm bảo không bị muỗi đốt. Ngược lại, trong quá trình tư vấn, đơn vị này đã nhấn mạnh không thể tránh khỏi việc các em bị muỗi và côn trùng “đồng hành” và đây là một phần của trải nghiệm thiên nhiên.

Tuy nhiên, đơn vị này cũng thừa nhận những tiện ích vệ sinh, tắm rửa chưa thực sự thoải mái đã khiến các con và phụ huynh bận lòng. Về vấn đề bữa ăn và thực phẩm, Làng Háo Hức cho biết các món ăn được chế biến ngay tại căn bếp của Làng. Cam kết 100% bữa ăn tại Làng đều được chế biến theo đúng thực đơn đã lên và đã gửi cho phụ huynh.

Về tình huống bị tố “thiếu trách nhiệm khi trẻ bị bắt nạt”, Làng Háo Hức khẳng định đã có quy trình xử lý, luôn xác minh hai chiều, tránh kết luận vội vàng. Đồng thời, họ cho biết có tập huấn bảo vệ trẻ, luôn có giáo viên, huấn luyện viên và y tế túc trực.

Làng cũng thừa nhận có thể chưa theo sát 100% các tình huống diễn ra trong khu riêng tư như phòng ngủ, nhà vệ sinh. “Làng luôn sẵn sàng và cởi mở tiếp nhận những phản hồi cả tích cực và tiêu cực của phụ huynh trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng hướng tới con trẻ. Với những phụ huynh không cùng định hướng giáo dục và những giá trị về văn hóa, lễ nghĩa, dù rất tiếc nhưng Làng khó có thể tiếp tục đồng hành”, trên fanpage viết.

Ngày 5/7, MC Minh Trang - người sáng lập Làng Háo Hức đã chính thức lên tiếng trên trang cá nhân. Chị cho biết đã nhận được những phản hồi của phụ huynh có con tham gia trại hè và tiếp nhận với tinh thần tích cực nhất. Đặc biệt về bài đăng phản ảnh của một phụ huynh Hà Nội về việc con bị bắt nạt, MC Minh Trang chia sẻ đã trực tiếp liên hệ để hỏi thăm tình hình sức khỏe và gửi lời xin lỗi đến gia đình, trại sinh về sự việc.

Ngoài ra, founder Làng Háo Hức cũng kết nối hai bên gia đình có trại sinh xích mích để trao đổi và tạo cơ hội để các bạn nhỏ gạt bỏ những kỉ niệm không vui. Bên cạnh đó, MC Minh Trang cho biết, Làng Háo Hức luôn trân trọng những góp ý để có thể hoàn thiện những trải nghiệm, trưởng thành về cả chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng, và các công tác hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, tiếp nhận phản hồi, góp ý của phụ huynh.

Cuối cùng cũng gửi lời cảm ơn và xin lỗi chân thành đến toàn bộ phụ huynh về những trải nghiệm chưa trọn vẹn mà các bạn nhỏ, các phụ huynh và và gia đình từng có ở Làng. Tuy nhiên phản hồi của Làng Háo Hức và MC Minh Trang vẫn không khiến vụ việc lắng xuống. Fanpage vẫn nhận về chỉ trích, tẩy chay và bão đánh giá 1sao.

Lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh

Mỗi năm, báo chí vẫn ghi nhận các vụ việc như học sinh bị tai nạn khi tham gia trại hè, khóa tu, trẻ lạc đoàn, phụ huynh không nắm được thông tin lịch trình cụ thể…

Phụ huynh nên tìm đến những trại hè uy tín như Quân đội, Công an để gửi gắm con em mình.

Phụ huynh nên tìm đến những trại hè uy tín như Quân đội, Công an để gửi gắm con em mình.

Chất lượng trại hè được thẩm định thế nào, làm sao để lựa chọn một trại hè phù hợp, an toàn cho con là băn khoăn của không ít phụ huynh giữa “ma trận” trại hè.

Hiện nay, hoạt động trại hè phần lớn do các công ty tư nhân tổ chức, chưa có hệ thống quản lý chặt chẽ về chất lượng và tiêu chuẩn. Nhiều đơn vị tự phong là “viện đào tạo” hay “trung tâm phát triển tư duy” mà không có giấy phép rõ ràng, gây khó khăn cho việc truy trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

Cơ quan quản lý giáo dục cần sớm có những tiêu chuẩn hóa, giám sát và công khai đánh giá chất lượng các đơn vị tổ chức trại hè. Đồng thời cơ quan chức năng cũng cần phải có sự thanh tra, giám sát toàn diện các trại hè, khóa tu thời gian vừa qua, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn về cháy nổ, an ninh trật tự, đảm bảo cơ sở vật chất cho trẻ em khi tham gia. Song song đó, phụ huynh cũng nên tìm hiểu kỹ càng về nội dung, đội ngũ tổ chức, phản hồi thực tế của các chương trình trước khi lựa chọn.

Còn nhớ cách đây 2 năm, khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà (Hà Nội) cũng bị đình chỉ vì để xảy ra bạo lực khiến một học sinh bị đánh gãy tay. Nhiều khóa tu ở các nơi các con phải chen chúc nhau trong môi trường sống bẩn thỉu, chật chội.

Chị Quỳnh Chi (Hà Nội) cho hay, khi tìm trại hè cho con, chị có một nguyên tắc đầu tiên và bắt buộc: Không cần tô vẽ, chỉ cần minh bạch trách nhiệm, có hợp đồng rõ ràng, và dám cam kết an toàn cho con. Con đi trại hè là để lớn lên nhưng không phải bằng cách đánh cược vào sự may rủi. Trước đó, chị có ý định cho con theo một trại hè nước ngoài, nhưng sợ con xa nhà chưa quen, nên chị tìm hiểu trại hè trong nước trước. Lúc đầu chị khá tin tưởng vào trại hè này có founder là một người từng học tại một trường quân sự nước ngoài danh tiếng. Thế nhưng khi chị đặt câu hỏi “nếu con tôi bị lạc, tai nạn, hay gặp sự cố thì trại chịu trách nhiệm đến đâu? Có hợp đồng cam kết cụ thể không” thì nhận được câu trả lời là không, nhưng cam kết sẽ không bao giờ có chuyện gì xảy ra. Nếu xảy ra thì trại hè chỉ hỗ trợ bảo hiểm còn trách nhiệm thuộc về gia đình. Vậy là chị không đắn đo từ bỏ luôn ý định cho con đi trại hè.

Tiến sĩ Bùi Thị Phương Thảo, chuyên gia tâm lý học, giảng viên Trường đại học Thủy lợi cho biết: “Những khóa học kỹ năng sống ở những trung tâm chuẩn, hay những khóa tu, trại hè…không phủ nhận có tác dụng thay đổi rất lớn thói quen, tâm lý với đứa trẻ. Nhưng đôi khi bố mẹ kì vọng quá nhiều vào những khóa học đó. Rằng con mình khi tham dự khóa học sẽ thay đổi được như con người ta.

Thực tế không ai quan tâm, rằng con mình có muốn học không, có phù hợp với khóa học, có thay đổi được bản thân hay không, trong khi bình thường ở nhà, con chưa bao giờ được trải qua những điều kiện sống, hoàn cảnh như thế, nhưng khi tham gia khóa học kĩ năng sống, con lại hoàn toàn sống một môi trường khác? Để hoàn thiện tâm lý một đứa trẻ, khi đến một nơi lạ, hoặc tham gia một khóa học, rất cần một khoảng thời gian lặp lại. Nếu đứa trẻ đã phát triển hoàn thiện, đầy đủ về mặt nhận thức, tâm lý, những khóa học này giúp đứa trẻ có điều kiện phát triển nhảy vọt. Nhưng với những đứa trẻ còn một khoảng cách rất xa mới đạt đến hoàn thiện thì những khóa học, khóa tu này sẽ trở thành phản tác dụng.

Ví dụ ở nhà chưa từng phải làm việc gì, hoặc đang ở môi trường nhàn hạ, sung sướng, con bị đặt vào môi trường vất vả, cực nhọc, phải tự thân làm mọi việc, thậm chí bố mẹ còn chưa từng trải qua môi trường như thế, nhưng yêu cầu con phải làm được thì đương nhiên đứa trẻ sẽ trở nên hụt hẫng, thậm chí là sợ hãi.

Vì thế điều đầu tiên phải xem đến yếu tố gia đình và môi trường thường ngày. Có những đứa trẻ khi đến môi trường mới thay đổi nhiều lắm, nhưng khi về nhà vẫn thế vì môi trường gia đình, bố mẹ không thay đổi thói quen, cách suy nghĩ cũ… thì đứa trẻ không thể thay đổi”.

Ngọc Mai

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/ma-tran-trai-he-i774174/