Mâm cúng giao thừa tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đầy đủ nhất
Cúng giao thừa là nghi lễ truyền thống có từ lâu đời. Vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, gia chủ chuẩn bị mâm cúng giao thừa ở ngoài trời và trong nhà.
Mâm cúng giao thừa ngoài trời
Theo nghệ nhân Ánh Tuyết, người Việt thường dâng mâm cỗ chay ngoài sân để lễ trời, Phật nhằm tống tiễn năm cũ, đón chào năm mới.
Tùy quan niệm và vùng miền, mâm cúng giao thừa ngoài trời có thể bày bánh, mứt, xôi gấc, hoa, quả, nhang đèn, trầu cau, rượu, vàng mã… Một số nơi cúng thêm gà luộc ngậm hoa hồng (chọn gà giò hoặc gà thiến cho thanh tịnh), thủ lợn, bánh chưng…
Mâm cúng giao thừa trong nhà
Sau khi cúng ngoài trời, gia chủ bày mâm cỗ mặn, đặt lên bàn thờ gia tiên và thắp hương.
Mâm cỗ cúng trong nhà được chuẩn bị đầy đủ hơn và tùy từng gia đình sẽ chuẩn bị các món khác nhau. Thông thường, cỗ mặn đêm giao thừa sẽ có bánh chưng, gà luộc, giò, thịt đông, đĩa xôi gấc…
Ở miền Bắc, mâm cỗ cúng giao thừa truyền thống thường có “4 bát 4 đĩa” hoặc “8 bát 8 đĩa” đối với gia đình có điều kiện. Các món ăn rất phong phú như canh bóng, canh măng, miến xào, nem, nộm…
Ở miền Trung, mâm cúng có bánh tét, dưa món, chả lụa Huế, gà bóp rau răm, chả Huế, thịt heo luộc, miến Huế, cá chiên hay chả ram...
Ở miền Nam, mâm cúng đơn giản hơn, chỉ có hương thắp, hoa, đèn, bánh, mứt, trái cây, trà… Nếu gia chủ chuẩn bị thêm mâm cúng mặn thì sẽ có các món như thịt heo luộc, gà luộc, xôi, bánh tét, thịt kho trứng, canh khổ qua…
Khi cúng giao thừa trong nhà, các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước ban thờ, khấn tổ tiên xin năm mới bình an, sung túc.