Mâm cúng và bài khấn cúng Thần Tài theo phong tục cổ truyền
Nhiều gia đình đã tất bật chuẩn bị mâm cúng Thần Tài vào hôm nay, 19-2, nhằm mùng 10 tháng Giêng. Dưới đây là bài khấn cúng Thần Tài theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
Chuẩn bị gì cho mâm cúng thần tài?
Mâm cúng ngày vía thần Tài không giống với mâm cúng gia tiên ngày Tết mà được chuẩn bị đơn giản hơn, không đòi hỏi các món ăn chế biến cầu kỳ, tốn nhiều thời gian. Tùy theo phong tục mỗi vùng miền và sự coi trọng của mỗi người mà mâm cúng được chuẩn bị khác nhau.
Theo truyền thống, mâm cúng vía Thần Tài gồm có các lễ vật: nến, hương, nước (3 chén), rượu (3 chén), gạo tẻ (1 đĩa), muối (1 đĩa), tiền vàng mã, hoa tươi, mâm ngũ quả, trầu cau, mâm cỗ mặn (tùy từng gia đình).
Đặc biệt, trong mâm cúng ngày vía Thần Tài thường có bộ tam sên. Bộ tam sên (tam sinh, tam sanh) là một nét văn hóa đặc biệt của người dân Nam Bộ trong phong tục cúng thần Tài; biểu trưng cho Thổ - Thủy - Thiên, được hiểu là 3 loài vật sinh sống ở 3 môi trường hoàn toàn khác nhau, mang ý nghĩa linh thiêng trong nghi lễ cúng bái.
Bộ tam sên gồm có :
1 miếng thịt lợn - đại diện cho loài sống trên cạn. Thịt lợn có thể luộc hoặc quay nhưng phải có cả mỡ, nạc, da.
1 con cua hoặc 3 con tôm - đại diện cho những sinh vật sống dưới nước
1 hoặc 3 quả trứng vịt - đại diện cho loài vật bay trên bầu trời.
Bộ tam sên không chỉ dùng trong ngày cúng vía thần Tài mà còn được bày trong các lễ cúng khai trương, động thổ, cúng thổ thần, thủy thần...
Với truyền thống của người miền Nam, mâm cúng Thần Tài đầy đủ ngoài những lễ vật trên thì không thể thiếu món cá lóc nướng. Cá lóc là loài vật mạnh mẽ nhưng lại hiền, không gây hại cho con người, được coi là có thể mang đến may mắn, tài lộc. Ngoài ra, cá lóc còn là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe.
Ở miền Trung, đặc biệt là ở Huế, mâm cúng ngày vía Thần Tài thường có lưỡi heo hay mép bò.
Vài năm trở lại đây, trong mâm cúng ngày vía thần Tài thường có thêm các loại bánh tạo hình túi tài lộc, tiền vàng, thỏi vàng, hình quả đào... với nhiều màu sắc rực rỡ, bắt mắt.
Ngoài ra còn có chè trôi nước, xôi gấc đỏ, xôi đậu xanh, xôi ngũ sắc tạo hình chữ phúc, lộc, thọ. Nhiều người cũng mua vàng đặt lên bàn thờ lúc cúng để xin lộc Thần Tài, cúng xong có thể cất đi hoặc đeo trên người để được may mắn quanh năm.
Văn khấn cúng Thần Tài
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương.
- Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngày Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
- Con kính lạy Thần Tài vị tiền.
- Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.
Tín chủ con là………………………………………
Ngụ tại………………………………………………
Hôm nay là ngày…….tháng…….năm…………….
Tín chủ thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài vị tiền.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
(Theo văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin)