Mạn cao hơn hư không

Thông thường, Đức Phật thuyết pháp cho con người nhưng có một vài trường hợp Ngài thuyết pháp cho chư thiên. Kinh điển ghi thường thì chư thiên đến vấn đạo vào canh cuối, lúc gần sáng.

Chư thiên nói chung có phước báo hơn loài người, nhưng về mặt trí tuệ thoát tục các vị vẫn còn lúng túng. Cho nên các vị thiên cũng tìm cơ hội thỉnh vấn đạo lý nơi Thế Tôn.

Sống trong môi trường thuận lợi, có nhiều phước báo, lại biết quan tâm đến đạo lý quả là có căn lành. Vì cảnh giới tốt đẹp của chư thiên là kết quả của những căn lành đã làm trước đó. Nếu không vun bồi thêm, tiêu xài hết phước thì chư thiên cũng bị đọa lạc. Cũng như người thành đạt, giàu sang trong nhân gian, ai biết tu dưỡng đạo đức, vun trồng cội phước thì thịnh vượng lâu dài. Còn sa đà vào thụ hưởng, phung phí, tạo nhiều điều ác thì cơ nghiệp của họ cũng nhanh chóng tàn lụi.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một thiên tử dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Vật gì nặng hơn đất?

Vật gì cao hơn không?

Vật gì nhanh hơn gió?

Vật gì nhiều hơn cỏ?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Giới đức nặng hơn đất

Mạn cao hơn hư không

Hồi tưởng nhanh hơn gió

Tư tưởng nhiều hơn cỏ.

Bấy giờ, thiên tử kia lại nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn

Đã đạt Bát-niết-bàn

Qua rồi mọi sợ hãi

Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất”.

(Kinh Tạp A-hàm, quyển 49, kinh 1298. Vật gì)

Chư thiên nêu vấn đề vật gì ở đời mà nặng hơn đất, cao hơn hư không, nhanh hơn gió và nhiều hơn cỏ. Thế Tôn đã chỉ ra rằng “Giới đức nặng hơn đất. Mạn cao hơn hư không. Hồi tưởng nhanh hơn gió. Tư tưởng nhiều hơn cỏ”.

Mặt đất là nặng nhất, mọi thứ đều bị đất hút vào, đều mọc lên từ đất. Giới đức nhà Phật hay đạo đức nói chung là nền tảng của cuộc sống tốt đẹp. Ai quan tâm đến đạo đức là bắt đầu hướng thiện. Ai thực hành giới đức thì hưởng phước thiện lành.

Ngửa mặt lên thì thấy trời xanh nhưng cao hơn nữa chính là ngã mạn của con người. Thấy mình hơn người là khinh mạn, ngạo mạn. Tự cao, kiêu hãnh về bản thân là ngã mạn. Sâu kín và tinh vi nhất của ngã mạn là chấp thủ về “tôi, của tôi và tự ngã của tôi”. Giáo lý nhà Phật xem sự chấp thủ này là vô minh, điểm mù vĩnh cửu. Chỉ khi nào quán chiếu sâu vào Duyên khởi, thấy rõ năm uẩn đều không, mọi sự đều do duyên sinh, vô ngã thì bấy giờ mới có thể thoát ra khỏi vòng chấp thủ, ngã mạn.

Hồi tưởng, nhớ lại một việc gì thì tự khắc việc đó hiện ra, nhanh hơn cả gió. Hồi tưởng là những ý niệm về quá khứ, nhớ lại việc đã qua. Còn tư tưởng là những ý niệm trong tâm bao hàm cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Chen chúc, chằng chịt, chập chùng ý niệm trong tâm như cỏ, như rừng bao la mờ mịt. Thiện ác, khổ vui đều bắt đầu từ những ý niệm này. “Ý dẫn đầu các pháp” nên cần phải thanh lọc, nuôi dưỡng và thăng hoa những ý niệm thiện lành mới mong cuộc đời tươi sáng, cho dù đang ở cõi trời.

Đây là bài học của chư thiên mà con người có thể ứng dụng làm tươi đẹp cuộc đời. Chư thiên Dục giới thì vẫn bị dục vọng, tham ái, vô minh chi phối. Cần lấy giới đức làm nền tảng (không làm các việc ác/ siêng làm các việc lành) và giữ tâm ý trong sạch để chuyển nghiệp. Cao hơn, quán chiếu duyên sinh để phá tan chấp thủ tự ngã để thành tựu giải thoát.

Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/man-cao-hon-hu-khong-post75530.html