Mảng thủy sản tăng tốc, lãi ròng nửa đầu năm của Tập đoàn PAN tăng 22%

Với việc các đơn vị thành viên phụ trách mảng thủy sản đều ghi nhận lựng đơn hàng tích cực, doanh thu và lãi ròng của Tập đoàn PAN (mã cổ phiếu PAN) trong nửa đầu năm nay cùng tăng trưởng trên 20%.

Với lượng đơn hàng tích cực, mảng thủy sản là động lực tăng trưởng chính của Tập đoàn PAN trong nửa đầu năm nay.

Với lượng đơn hàng tích cực, mảng thủy sản là động lực tăng trưởng chính của Tập đoàn PAN trong nửa đầu năm nay.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2025, Tập đoàn PAN (mã cổ phiếu PAN - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.064 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Đà tăng trưởng này chủ yếu đến từ lĩnh vực chế biến kinh doanh thủy sản.

Trong đó, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) - công ty con phụ trách chính về hoạt động chế biến xuất khẩu tôm của Tập đoàn PAN đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hơn 50% trong quý 2/2025. Tương tự, đơn vị đầu tàu về mảng cá tra là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (mã cổ phiếu ABT) cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 12% so với cùng kỳ năm 2024.

Kết quả kinh doanh quý 2/2025 và nửa đầu năm 2025 của Tập đoàn PAN.

Kết quả kinh doanh quý 2/2025 và nửa đầu năm 2025 của Tập đoàn PAN.

Đại diện Tập đoàn PAN cũng cho biết, lĩnh vực thực phẩm đóng gói tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng ổn định với doanh thu đạt 516 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ bánh kẹo tăng 7%, hạt điều tăng 18% và nước mắm tăng 13%.

Ở chiều ngược lại, lĩnh vực nông nghiệp ghi nhận doanh thu giảm nhẹ 0,3% so với quý 2/2024 trong bối cảnh nhu cầu yếu, sự thay đổi hành vi mua hàng từ hệ thống đại lý, đồng thời giá nhiều loại nông sản chủ lực (sầu riêng, lúa…) giảm mạnh. Tuy nhiên, hai mảng giống cây trồng và gạo vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 7%, phần nào bù đắp sự sụt giảm từ thuốc bảo vệ thực vật đã giảm 6% về doanh số trong kỳ.

Bên cạnh đó, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính trong quý 2/2025 tăng vọt 74% lên 211 tỷ đồng; chủ yếu tăng nhờ lãi tiền gửi, trái phiếu, lãi cho vay.

Kết quả, tập đoàn này thu về 264 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2025, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, lợi nhuận từ mảng cá tra tăng 80%, bánh kẹo tăng 23%, tôm tăng 20% và hạt điều tăng 19%.

Cơ cấu doanh thu theo lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn PAN.

Cơ cấu doanh thu theo lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn PAN.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Tập đoàn PAN ghi nhận 8.184 tỷ đồng doanh thu thuần và 459 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 20% và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2024. Như vậy, tập đoàn này đã hoàn thành hơn 47% mục tiêu doanh thu và 38% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Đây được xem là kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường toàn cầu đối mặt nhiều bất định và nửa đầu năm vốn là giai đoạn thấp điểm của chu kỳ kinh doanh, trong khi mùa vụ chính thường rơi vào nửa cuối năm.

Đại diện Tập đoàn PAN cho biết, kỳ vọng từ quý 3/2025, lĩnh vực nông nghiệp sẽ tăng trưởng trở lại khi bước vào mùa vụ kinh doanh và nhu cầu thị trường phục hồi. Cùng với đó, thủy sản và thực phẩm đóng gói được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng khi bước vào giai đoạn cao điểm cuối năm, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành các chỉ tiêu tài chính đã đề ra. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp lợi nhuận của Tập đoàn PAN vượt mốc 1.000 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục lập đỉnh mới.

Tính đến cuối quý 2/2025, tổng tài sản của Tập đoàn PAN đạt hơn 20.700 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do công ty giảm mạnh hơn 4.200 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng. Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn đang có hơn 8.304 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng, tương đương hơn 40% tổng tài sản.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Tập đoàn PAN ở mức hơn 11.700 tỷ đồng, giảm hơn 3.200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay nợ ngắn hạn chiếm hơn 9.000 tỷ đồng, giảm gần 2.500 tỷ đồng.

Lan Anh

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/mang-thuy-san-tang-toc--lai-rong-nua-dau-nam-cua-tap-doan-pan-tang-22-157158.htm