Mãnh tướng 'vượt mặt' Lã Bố và Triệu Vân, tài năng đứng đầu Tam Quốc, nhưng có kết cục khiến ai cũng nuối tiếc
Mãnh tướng này có tài năng vượt trội hơn cả Lã Bố, Triệu Vân, nhưng kết cục cả đời gây tiếc nuối. Người có bản lĩnh này là ai?
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Lã Bố được xưng tụng là võ tướng mạnh nhất Tam Quốc, với võ nghệ xứng đáng là hàng đầu trong các chiến tướng. Lã Bố nổi tiếng có võ nghệ dũng mãnh, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung và vô cùng thiện chiến. Người đương thời có câu "Nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố" (tạm dịch là "Người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố"). Câu nói này nhằm ca ngợi hai tuyệt phẩm hiếm có trên đời là Lã Bố và ngựa Xích Thố.
Lã Bố mạnh đến nỗi ngay cả Quan Vũ và Trương Phi hợp sức lại cũng không thể đánh bại được. Tào Tháo, vị quân chủ của Tào Ngụy, cả đời vốn quen nhìn tướng lĩnh đỉnh cao cũng phải thở dài "Lã Bố anh dũng vô địch".
Ngoài Lã Bố, Quan Vũ và Triệu Vân cũng được coi là những võ tướng mạnh nhất Tam Quốc. Quan Vũ có thể dễ dàng giết chết Nhan Lương, Văn Xú, lập chiến tích vang danh Tam Quốc. Trong khi đó, Triệu Vân cũng lập chiến tích độc nhất vô nhị khi đơn thương độc mã đột kích phá vòng vây của đại quân Tào để cứu A Đẩu (con trai Lưu Bị).
Lã Bố, Quan Vũ và Triệu Vân đều vô cùng thiện chiến. Không ai dám tự tin nói rằng có thể đánh bại các danh tướng này trong trận chiến một chọi một. Tuy nhiên, trong thời Tam Quốc, có một võ tướng hung hãn được đánh giá là không kém gì so với ba danh tướng trên, thậm chí có tài năng bắn tên vượt trội hơn cả. Người này là Thái Sử Từ (166 – 206). Ông là một vị tướng vào cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam Quốc.
Mãnh tướng Giang Đông được mệnh danh là "đệ nhất cung thủ"
Thái Sử Từ, tên tự là Tử Nghĩa, người huyện Hoằng, quận Đông Lai. Ngay từ khi còn trẻ, Thái Sử Từ đã thông minh, hiếu học và có chí lớn. Sau vụ việc dâng tấu chương giữa viên Thái Thú trong quận và Châu mục, Thái Sử Từ trở nên nổi tiếng. Lúc bấy giờ, ông giữ chức Tấu tào sử trong quận.
Do sợ bị Châu mục trả thù, nên ông đã bỏ trốn tới Liêu Đông. Sau đó, Thái Sử Từ kết giao với danh sĩ Khổng Dung. Ông cũng giúp đưa thư cứu viện của Khổng Dung tới cho Lưu Bị. Nhờ vậy, Khổng Dung mới thoát được nạn bị quân Khăn Vàng bao vây. Từ đó, ông lại càng quý trọng Thái Sử Từ.
Trước khi đầu quân cho Tôn Sách, Thái Sử Từ từng có dịp giao chiến với viên tướng nổi tiếng này. Tôn Sách chính là người đặt nền móng quan trọng trong việc hình thành Đông Ngô và sau đó được người em trai là Tôn Quyền kế thừa và hoàn thiện sau khi ông qua đời.
Theo ghi chép trong lịch sử, Thái Sử Từ vốn quên biết với Lưu Do, Thứ sử Dương Châu. Khi Thái Sử Từ đến Khúc A đúng lúc Tôn Sách mang quân đánh Lưu Do. Trong lúc bấy giờ, có người khuyên Lư Do phong cho Thái Sử Từ làm đại tướng để đối phó với Tôn Sách. Tuy nhiên, Lưu Do cho rằng ông chưa có uy tín nên chỉ cho làm do thám.
Thái Sử Từ đi do thám cùng với một kỵ binh. Khi đến Thần Đình thì hai người gặp Tôn Sách dẫn theo 13 kỵ binh hộ vệ. Thái Sử Từ đã liều chết chiến đấu với Tôn Sách. Hai bên đánh nhau dữ dội. Đến khi quân sĩ của cả hai bên cũng kéo đến, hai người mới chịu buông nhau ra.
Tôn Sách đánh Lưu Do ngày càng chiếm được ưu thế và chỉ còn vùng phía tây của huyện Kinh chưa hàng phục. Thái Sử Từ đã mang quân đóng ở huyện Kinh. Tuy nhiên, sau khi Tôn Sách đích thân mang quân đến đánh, vị tướng này bại trận và bị bắt.
Tôn Sách tỏ ý dụ hàng. Thái Sử Từ quyết định đầu hàng Tôn Sách và được phong là Chiết xung trung lang tướng.
Kể từ đó, Thái Sử Từ phò tá họ Tôn. Tôn Sách đánh Lưu Do và chiếm được Khúc A. Lưu Do đã bỏ chạy tới quận Dự Chương để nương nhờ Thái thú Hoa Hâm và sau đó lâm bệnh qua đời năm 198. Trong khi đó, hơn một vạn quân của Lưu Do chạy tản mát. Tôn Sách đã cử Thái Sử Từ đi chiêu mộ những người lính này và làm thêm hai việc là thăm dò thái độ của của Hoa Hâm, đồng thời quan tâm tới gia quyết của Lưu Do.
Thái Sử Từ hẹn với Tôn Sách sau 60 ngày sẽ trở về. Kết quả, Thái Sử Từ không phụ Tôn Sách. Ông trở lại đúng hẹn, tập hợp được nhiều binh sĩ trở về, đồng thời thăm dò được Hoa Hâm là người yên phận và Tôn Sách có thể chiêu dụ. Sau việc này, Tôn Sách càng thêm tín nhiệm Thái Sử Từ.
Thái Sử Từ cùng với Tôn Sách đi đánh Ma Đãi Bảo Đôn. Khi đó, có một quân lính bên địch trèo lên đài cao ôm cột chửi bới. Thấy vậy, Thái sử Từ liền lắp tên bắn một phát. Không ngờ, tên xuyên qua tay của tên lính và cắm chặt vào cột nhà. Những người chứng kiến khi đó đều khen ông bắn giỏi.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, người chửi mắng Tôn Sách bị Thái Sử Từ bắn tên trúng tay là Nghiêm Bạch Hổ, người tranh chấp Giang Đông với Tôn Sách. Người này cầm thanh ván và bị Thái Sử Từ bắn tên trúng tay dính vào ván. Tài bắn tên thiện xạ của Thái Sử Từ có thể được coi là "đệ nhất cung thủ Tam Quốc", vượt trội hơn cả chiến thần Lã Bố và Triệu Vân.
Nuối tiếc trước khi qua đời
Thái Sử Từ được người đương thời đánh giá là cơ trí, uy dũng xuất chúng, coi trọng chữ tín. Tuy nhiên, ông lại là vị tướng không mấy danh tiếng thời Tam Quốc.
Theo đó, sau khi Tôn Sách qua đời năm 200, Tôn Quyền lên thay và tiếp tục trọng dụng Thái Sử Từ trong việc cai quản khu vực phía nam để chống Lưu Bàn.
Đáng tiếc, đến năm 206, Thái Sử Từ lâm bệnh và qua đời khi chỉ mới 41 tuổi. Trước khi qua đời, ông bày tỏ niềm nuối tiếc vì ông chưa lập được công trạng lớn.
Việc Thái Sử Từ, mãnh tướng Giang Đông chưa lập được công trạng lớn cũng một phần là do ông chưa gặp được cao thủ hoặc có những trận đơn đấu kinh điển. Mặt khác, Thái Sử Từ qua đời khi tuổi còn khá trẻ, trong khi tương lai còn nhiều hứa hẹn. Chính vì điều này khiến một mãnh tướng được coi là "đệ nhất cung thủ" lại khá mờ nhạt trong dòng chảy của thời kỳ lịch sử nhiều biến động như Tam Quốc.