Masan hoàn thành hơn 50% kế hoạch lợi nhuận năm 2025
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN, 'Masan' hoặc 'Công ty') hôm nay công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán của quý 2/2025 và 6 tháng đầu năm 2025.
Masan tăng trưởng lợi nhuận nhờ nền tảng tiêu dùng - bán lẻ - công nghệ
Mặc dù GDP Việt Nam tăng trưởng mạnh 8,0% trong quý II/2025, ngành hàng tiêu dùng vẫn đối mặt với nhiều thách thức do đà phục hồi yếu hơn kỳ vọng và các quy định thuế mới tác động đến kênh bán lẻ truyền thống (General Trade - "GT"). Khoảng 30.000 hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng giảm hàng tồn kho diện rộng và doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chậm lại.

Masan tăng trưởng lợi nhuận nhờ nền tảng tiêu dùng - bán lẻ - công nghệ.
Trong 5 tháng đầu năm 2025, sản lượng FMCG tiêu thụ qua kênh GT giảm gần 3% so với cùng kỳ. Doanh thu của Masan Consumer (MCH) trong quý 2/2025 sụt giảm do gián đoạn tại kênh GT khiến sản lượng tiêu thụ tạm thời suy yếu. Hoạt động kinh doanh dự kiến sẽ phục hồi khi mô hình phân phối mới của MCH - tập trung vào độ phủ trực tiếp, được triển khai mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2025. Quá trình tái định hình ngành bán lẻ thúc đẩy xu hướng chuyển dịch nhanh hơn sang kênh bán lẻ hiện đại (Modern Trade - "MT"). Sản lượng tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) qua kênh MT đã tăng 4,2% so với cùng kỳ. WinCommerce hưởng lợi từ xu hướng này.
"Sự gián đoạn trong các kênh bán lẻ truyền thống là minh chứng rõ ràng rằng chiến lược tích hợp toàn diện nền tảng Tiêu dùng - Bán lẻ - Công nghệ của chúng tôi đang đi đúng hướng. Khi WinCommerce tiếp tục mở rộng nhanh chóng, hiệu quả cộng hưởng trong hệ sinh thái Masan ngày càng thể hiện rõ, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, tầm nhìn dài hạn của Masan không chỉ dừng lại ở đó, chúng tôi hướng đến việc hiện đại hóa hạ tầng tiêu dùng tại Việt Nam, thông qua hợp tác với các nhà bán lẻ truyền thống, nhằm phục vụ tốt hơn cho 100 triệu người tiêu dùng trên toàn quốc. Chúng tôi tin tưởng rằng, sự kết hợp giữa cơ sở hạ tầng vận hành và công nghệ chính là động lực cốt lõi để kết nối chặt chẽ giữa thương hiệu, nhà bán lẻ và người tiêu dùng", Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan chia sẻ.
Trong quý 2/2025, Tập đoàn Masan đạt 18.315 tỷ đồng. EBITDA đạt 3.748 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế Pre-MI trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2025 của Tập đoàn Masan lần lượt đạt 1.619 tỷ đồng và 2.602 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ, vượt mốc 50% kế hoạch cả năm.
Tăng trưởng chủ yếu đến từ hiệu quả lợi nhuận mạnh mẽ tại WCM và MML, được hỗ trợ bởi đóng góp lợi nhuận từ việc thoái hợp nhất H.C. Starck (HCS). Mảng kinh doanh tiêu dùng - bán lẻ[1] đóng góp khoảng 472 tỷ đồng vào mức tăng EBIT trong 6 tháng đầu năm 2025, dẫn đầu là mức cải thiện 319 tỷ đồng tại WCM và 156 tỷ đồng tại MML so với cùng kỳ.
Điều này giúp bù đắp lại mức giảm 40 tỷ đồng tại MCH do ảnh hưởng từ kênh GT. Phần lớn mức tăng EBIT 14,9% so với cùng kỳ đến từ năng suất bán hàng và vận hành được cải thiện tại WCM, cũng như hoạt động chăn nuôi hiệu quả hơn và giá trị heo thịt cao hơn tại MML.
WinCommerce đạt 80% mục tiêu mở mới, tăng tốc hiện đại hóa bán lẻ
WinCommerce ("WCM") trong quý 2/2025 đạt doanh thu đạt 9.130 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ. NPAT Pre-MI đạt 10 tỷ đồng, tăng 159 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đây là quý thứ tư liên tiếp WCM có lợi nhuận, nhờ vào vận hành vượt trội và chiến lược mở rộng mạng lưới hiệu quả. Trong nửa đầu năm 2025, doanh thu đạt 17.915 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ. NPAT Pre-MI đạt 68 tỷ đồng, tăng 292 tỷ đồng so với cùng kỳ. Kết quả tích cực này được thúc đẩy bởi tăng trưởng doanh thu LFL và mở rộng mạng lưới tại khu vực nông thôn.

WinCommerce trong quý 2/2025 đạt doanh thu đạt 9.130 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý II, với 318 cửa hàng mới được mở ròng, WCM đã hoàn thành 80% mục tiêu cơ sở về mở mới trong năm và đang trên đà vượt mục tiêu kịch bản cao vào cuối năm, giúp củng cố vững chắc vị thế là nhà bán lẻ hiện đại số một tại Việt Nam theo quy mô điểm bán, với 4.146 cửa hàng trên toàn quốc.
Masan Consumer Corporation (UpCOM: "MCH") ghi nhận doanh thu đạt 6.276 tỷ đồng, giảm 15,1% so với cùng kỳ, và EBITDA (Lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao và phân bổ) đạt 1.605 tỷ đồng, giảm 12,9% so với cùng kỳ. Tuy vậy, doanh thu 6 tháng đầu năm 2025 chỉ giảm 1,5% so với cùng kỳ, nhờ kết quả tích cực trong quý 1. Sự suy giảm doanh thu do mức tồn kho tại các kênh giảm và hoạt động bán hàng thận trọng.
Trong khi đó, Masan MEATLife ("MML") ghi nhận Doanh thu đạt 2.340 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi tăng trưởng hai chữ số mạnh mẽ ở cả hai mảng: chăn nuôi (tăng 66,4% so với cùng kỳ) và thịt[1] (tăng 20,5% so với cùng kỳ). NPAT Pre-MI đạt 249 tỷ đồng trong quý 2/2025, cải thiện 281 tỷ đồng so với cùng kỳ, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận. Biên EBIT đạt 4,5%, tăng 420 điểm cơ bản (bps) so với cùng kỳ nhờ quy mô hoạt động ngày càng hiệu quả.
Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất năm 2025 sẽ nằm trong khoảng từ 80.000 tỷ đồng đến 85.500 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng LFL từ 7% đến 14% so với cùng kỳ (sau điều chỉnh cho việc tách hợp nhất HCS). Trong năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất, không bao gồm MHT, dự kiến sẽ nằm trong khoảng từ 74.013 tỷ đồng đến 78.013 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng từ 8% đến 13% so với cùng kỳ. NPAT Pre-MI dự kiến đạt từ 4.875 tỷ đồng đến 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh mẽ từ 14% đến 52% so với mức 4.272 tỷ đồng trong năm 2024.
Quý 2/2025, Phuc Long Heritage ("PLH") đạt doanh thu đạt 434 tỷ đồng, LNST đạt 43 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2025, doanh thu đạt 858 tỷ đồng, LNST đạt 86 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh cải thiện nhờ kênh giao hàng tăng mạnh và doanh thu từ mảng thực phẩm gia tăng.
Trong khi đó, Masan High-Tech Materials ("MHT") doanh thu đạt 1.614 tỷ đồng, LNST đạt 6 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2025, doanh thu đạt 3.007 tỷ đồng, LNST ghi nhận -212 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh cải thiện nhờ giá hàng hóa tăng, chi phí sản xuất đơn vị giảm và việc thoái hợp nhất công ty H.C. Starck ("HCS").
Techcombank (TCB) ghi nhận phần lợi nhuận của MSN từ TCB trong quý 2/2025 đạt 1.216 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ, chủ yếu do tác động pha loãng từ chương trình ESOP của TCB.