Máy bay Liên Xô đang được nhắc tới như cứu cánh cho Nga khi mất phi đội Boeing và Airbus bởi lệnh cấm vận của phương Tây, tuy nhiên theo đánh giá thì đây chỉ là giải pháp tình thế.
Do hậu quả các lệnh trừng phạt sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, hai tập đoàn sản xuất máy bay khổng lồ là Boeing và Airbus cho biết họ sẽ sớm rút khỏi nước Nga toàn bộ những phi cơ do mình chế tạo.
Đội bay của Nga có khoảng 800 phi cơ sản xuất bởi Mỹ và Châu Âu. Tất cả chúng đều được sử dụng theo hình thức cho thuê, bởi vậy bên cung cấp có quyền yêu cầu đối tác phải trả lại khi hứng chịu cấm vận.
Nếu điều này xảy ra, một vùng "cấm bay" sẽ được thiết lập trên lãnh thổ Nga mà không xảy ra bất kỳ cuộc chiến tranh nào, bởi vì hàng không dân dụng Nga hầu như sẽ không còn gì để bay.
Hai kịch bản đã được nhắc tới, đầu tiên, nếu các hãng hàng không Nga ngoan ngoãn trả lại máy bay thuê và đóng cửa hoạt động kinh doanh, người dân Nga sẽ phải di chuyển khắp đất nước rộng lớn chủ yếu bằng đường sắt và đường bộ.
Trong kịch bản thứ hai, Nga có thể từ chối trả lại các máy bay đi thuê như một câu trả lời cho việc phong tỏa tài sản của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga tại nước ngoài. Nhưng điều này cũng vẫn để lại hậu quả.
Các tập đoàn sản xuất máy bay nói trên sẽ từ chối cung cấp phụ tùng thay thế cho những máy bay mà Nga từ chối hoàn trả, kết quả là chỉ sau một thời gian ngắn chúng sẽ phải nằm đất do không còn đảm bảo hệ số an toàn kỹ thuật.
Để thoát khỏi tình trạng nói trên, giới chức Nga đang nhắc đến các dự án chế tạo máy bay nội địa, điển hình như chiếc Sukhoi Super Jet 100 (SSJ-100), tuy nhiên bản thân sản phẩm này vẫn đầy rẫy linh kiện nhập khẩu từ phương Tây.
Vấn đề chính của SSJ-100 là động cơ PowerJet SaM146, được sản xuất chung với công ty Snecma của Pháp. Khả năng cao EU sẽ cấm cung cấp các bộ phận cần thiết cho việc sản xuất thiết bị này và máy bay sẽ đơn giản là không có gì để bay.
Mặc dù Nga đã nói nhiều về động cơ PD-8 đầy hứa hẹn, đang được coi là sự thay thế cho PowerJet SaM146 trên SSJ-100, nhưng nó chỉ được chứng nhận vào năm 2023 và nếu vượt qua mọi bài thử nghiệm thì quá trình sản xuất chỉ diễn ra từ năm 2024.
Mọi việc có vẻ đỡ bi quan hơn với chiếc MS-21, khi dưới hậu quả những lệnh cấm vận từ năm 2014 thì Nga đã thực hiện nhiều bước đi nhằm giảm tỷ trọng hàng nhập khẩu trong chiếc phi cơ này.
Tuy vậy động cơ vẫn là điểm yếu, cho dù "trái tim" PD-14 đã sắp hoàn thành nhưng thời gian theo xác định vẫn là cuối năm nay, ngoài ra trong PD-14 cũng chẳng phải mọi thành phần đều do Nga chế tạo.
Lựa chọn khác là lắp động cơ PS-90A dùng cho máy bay vận tải lên những chiếc SSJ-100 hay MS-21, phương án này cũng khó mà thành hiện thực bởi sẽ yêu cầu phải thiết kế lại gần như cả chiếc phi cơ.
Vấn đề nữa đó là động cơ máy bay phản lực của Nga vẫn nổi tiếng thua kém hàng do châu Âu và Mỹ sản xuất ở khả năng tiết kiệm nhiên liệu, độ ồn cũng như tính ổn định trong khai thác, dẫn tới không mang lại hiệu quả kinh tế.
Trước tình hình trên, trước mắt Nga sẽ phải cố gắng trông cậy hoàn toàn vào phi đội máy bay Liên Xô như Tu-134, Tu-154, hay Il-62... trong lúc chờ tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.
Bạch Dương