Mật cá trắm - thuốc bổ hay độc dược?

Mật cá chứa độc tố có tên 5α Cyprinol. Độc tố này bền vững với nhiệt, giữ độc tính khi nấu chín nên kể cả khi nấu chín ăn vào vẫn sẽ gây ngộ độc. Mức độ gây ảnh hưởng của mật cá trắm tới sức khỏe phụ thuộc vào liều lượng đưa vào cơ thể. Trường hợp nặng có thể dẫn đến suy thận cấp, suy gan cấp, suy đa tạng, hôn mê và có thể tử vong nếu không được kịp thời đưa tới các cơ sở y tế.

Mật cá gây ngộ độc, dễ tử vong

Hiện nay, người dân vẫn tin theo lời truyền miệng trong dân gian là nuốt mật cá có thể chữa bách bệnh. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ, bệnh nhân buồn nôn, ngộ độc nặng phải nhập viện cấp cứu. Như ngày hôm qua(28/11), Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận hai bệnh nhân ngộ độc mật cá trắm trong tình trạng rất nặng, phải điều trị trị tích cực.

Trường hợp thứ nhất là nữ bệnh nhân 77 tuổi, trú tại Thái Bình. Theo người thân, do tin mật cá trắm có công dụng tốt cho sức khỏe nên cụ bà nuốt mật đã được nấu chín tới. Sau vài giờ đồng hồ bệnh nhân thấy buồn nôn và nôn nhưng giấu không cho con cháu biết. Khi triệu chứng nặng như nôn ói, bí tiểu bệnh nhân mới báo cho các con và được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh cấp cứu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bà bị suy gan, suy thận nên chuyển tiếp đến Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân ngộ độc được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: P.Thúy

Bệnh nhân ngộ độc được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: P.Thúy

Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 47 tuổi ở Phú Thọ. Sau khi ăn món cá trắm kho (gồm thịt cá, lòng cá và mật cá), cùng hai người bạn thì có biểu hiện ngộ độc như: đau tức bụng, buồn nôn và nôn. Được gia đình nhanh chóng đưa đến trạm y tế xã để sơ cứu, sau đó bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện tỉnh rồi đến Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, hai bệnh nhân này đều nhập viện trong tình trạng suy thận, vô niệu, viêm gan nặng do ngộ độc chất có trong mật cá trắm. Hai bệnh nhân đều phải lọc máu, điều trị tích cực.

Các bác sỹ cho biết, mật cá mè, cá trôi, cá trắm hay cá tầm đều có chứa một loại độc tố có tên 5α Cyprinol. Độc tố này bền vững với nhiệt, giữ độc tính khi nấu chín nên kể cả khi nấu chín ăn vào vẫn sẽ gây ngộ độc. Chất độc này gây tổn thương, gây viêm, loét đường tiêu hóa, gây đau bụng, nôn và tiêu chảy… Mức độ gây ảnh hưởng của mật cá trắm tới sức khỏe phụ thuộc vào liều lượng đưa vào cơ thể. Có những người dân thường nuốt sống cả túi mật với nước, rượu, hoặc trộn với rượu và mật ong. Mật của cá trắm từ 3 kg trở nên chắc chắn gây ngộ độc, và có thể gây tử vong sau hai ngày.

Các dấu hiệu nhận biết và xử trí ngộ độc mật cá

Bệnh nhân ngộ độc mật cá trắm, trường hợp nhẹ thường có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn và đại tiện phân lỏng nhiều lần, nhưng tiểu tiện vẫn bình thường. Trường hợp nặng có thể dẫn đến suy thận cấp, suy gan cấp, suy đa tạng, hôn mê và có thể tử vong nếu không được kịp thời đưa tới các cơ sở y tế.

Phác đồ điều trị cơ bản là nhanh chóng thải trừ chất độc ra khỏi cơ thể, điều chỉnh các rối loạn nưóc, điện giải, kiềm toan. Trường hợp nặng có thể gây viêm hoại tử ống thận gây suy thận cấp, cần phải lọc máu ngoài thận cấp cứu.

Mật của cá trắm từ 3kg trở lên chắc chắn gây ngộ độc, dễ tử vong. Ảnh: BS Uông Mai

Mật của cá trắm từ 3kg trở lên chắc chắn gây ngộ độc, dễ tử vong. Ảnh: BS Uông Mai

Khuyến cáo của bác sỹ

Qua trường hợp hai bệnh nhân trên, các bác sỹ cảnh báo người dân không nên tự ý chữa bệnh tại nhà, đặc biệt không áp dụng các bài thuốc truyền miệng, không có căn cứ khoa học vì có thể dẫn đến những tai nạn nguy hiểm chết người. Do vậy, người dân không nên dùng mật cá trắm để chữa bệnh, đừng nên tự tổn hại sức khỏe bản thân vì thiếu hiểu biết.

Cục An toàn thực phẩm khẳng định, đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã dẫn đến tử vong. Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn mật cá dù cá to hay nhỏ thậm chí pha mật với rượu hay các chế phẩm khác để uống./.

(Tổng hợp)

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/mat-ca-tram-thuoc-bo-hay-doc-duoc-205931.htm