Mặt trận mới trong cuộc chiến thuế quan
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng mức thuế ô tô mới công bố của Mỹ gây hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng
Cuộc chiến thuế quan đang gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27-3 cảnh báo có thể áp đặt các mức thuế cao hơn nữa đối với Liên minh châu Âu (EU) và Canada nếu hai bên này hợp tác "gây thiệt hại kinh tế" cho Washington.
Trước đó một ngày, ông Donald Trump công bố các mức thuế ô tô mới, dẫn đến phản ứng mạnh từ nhiều nước bị ảnh hưởng, trong đó có cả đồng minh của Mỹ. Cụ thể, mức thuế 25% đối với ô tô và xe tải nhẹ nhập khẩu sẽ có hiệu lực từ ngày 3-4. Ngoài ra, mức thuế tương tự đối với các linh kiện ô tô nhập khẩu, như động cơ và hộp số, sẽ có hiệu lực muộn nhất là ngày 3-5.
Ông Donald Trump xem thuế quan là một công cụ để tăng nguồn thu nhằm bù đắp cho các khoản cắt giảm thuế mà ông đã hứa và khôi phục nền công nghiệp Mỹ đang suy giảm lâu nay. Với thuế ô tô nhập khẩu, ông hy vọng rằng khi chi phí từ các khoản thuế này tăng lên, nhiều hoạt động sản xuất sẽ được chuyển về Mỹ và thâm hụt ngân sách sẽ giảm.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và quốc tế đã có nhà máy khắp thế giới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng toàn cầu và giữ giá cả cạnh tranh. Đã xuất hiện nỗi lo rằng sẽ mất nhiều năm để các doanh nghiệp lập kế hoạch, xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy bổ sung mà ông Donald Trump đang đề xuất.
Đài CNBC nhận định bước đi mới nhất của ông Donald Trump đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu vốn đang leo thang. Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô Mỹ và châu Á đã sụt giảm sau thông báo áp thuế này.

Triển lãm ô tô Chicago tại TP Chicago - Mỹ hồi tháng 2-2025. Ảnh: Tân Hoa Xã
Theo trang Euronews, giới phân tích cảnh báo mức thuế mới có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô của Mỹ. Bởi lẽ, ngay cả các nhà sản xuất trong nước cũng nhập khẩu linh kiện từ khắp nơi trên thế giới, đồng nghĩa họ có thể phải chịu chi phí cao hơn và doanh số thấp hơn.
Một số dự báo ước tính rằng giá trung bình của một chiếc xe nhập khẩu có thể tăng khoảng 11.000 euro nếu các loại thuế được chuyển hoàn toàn sang cho người mua và điều này đe dọa góp phần làm gia tăng lạm phát chung.
Không gì lạ khi nhiều nước bị ảnh hưởng đã nhanh chóng đưa ra phản ứng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng mức thuế mới công bố của Mỹ gây hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời cam kết EU sẽ bảo vệ họ. Theo bà Ursula von der Leyen, EC sẽ đánh giá tác động của thuế ô tô, cũng như các mức thuế khác mà Mỹ dự kiến áp dụng trong những ngày tới.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết đang xem xét biện pháp trả đũa sau khi nhận định thuế ô tô của Mỹ "tấn công trực tiếp" người lao động nước này.
Chính phủ Nhật Bản ngày 27-3 gọi động thái mới nhất từ đồng minh thân cận là "vô cùng đáng tiếc", cũng như kêu gọi Mỹ miễn trừ thuế ô tô đối với Tokyo. Thủ tướng Shigeru Ishiba tuyên bố Tokyo đang cân nhắc "mọi phương án" có thể để ứng phó với quyết định áp thuế ô tô nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
Cùng ngày, Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk-geun cảnh báo ngành ô tô nước này dự kiến đối mặt nhiều khó khăn khi các mức thuế nhập khẩu ô tô nói trên có hiệu lực. Seoul đang lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp trước tháng 4.
Còn tại Thái Lan, theo tờ Bangkok Post, Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn cho rằng ngành công nghiệp ô tô trong nước phải chuẩn bị đối phó với tác động của mức thuế đối ứng sắp tới từ Mỹ. Vào ngày 2-4, ông Donald Trump dự kiến công bố các mức thuế đối ứng nhắm vào những quốc gia bị xem là chịu trách nhiệm chính khiến thương mại của Mỹ thâm hụt.
Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bảo hộ
Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường ngày 27-3 kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu và phản đối các biện pháp bảo hộ, qua đó ngầm chỉ trích Mỹ gây bất ổn cho thương mại và các quan hệ địa chính trị.
Phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao thường niên ở tỉnh Hải Nam, theo hãng tin Bloomberg, ông Đinh Tiết Tường cũng tìm cách trấn an các nhà đầu tư toàn cầu bằng cách nêu bật sức mạnh của nền kinh tế và cam kết đổi mới của Bắc Kinh. Ông chỉ ra những tiến bộ gần đây trong trí tuệ nhân tạo, robot và các phương tiện năng lượng mới như những động lực tăng trưởng mới, đồng thời cam kết mở rộng sự tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực để thể hiện mình là một đối tác đáng tin cậy trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump gây bất ổn thị trường bằng các mức thuế khó lường và làm bất an các đồng minh của Mỹ thông qua những động thái địa chính trị.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chuẩn bị đối mặt với khả năng có thêm các mức thuế mới từ Mỹ khi ông Donald Trump dự kiến áp đặt các mức thuế đối ứng vào ngày 2-4. Bất kỳ mức thuế nào như thế cũng đều có thể bị trả đũa, từ đó làm căng thẳng thêm quan hệ hai nước.
Trước mắt, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27-3 nhấn mạnh động thái Mỹ áp thuế ô tô nhập khẩu vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, gây tổn hại đến lợi ích chung tất cả các nước và sẽ không giúp Washington giải quyết các vấn đề của chính mình. Người phát ngôn này cho rằng không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại, cũng như không quốc gia nào phát triển hoặc thịnh vượng thông qua việc áp đặt thuế quan.
Xuân Mai
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mat-tran-moi-trong-cuoc-chien-thue-quan-196250327200839747.htm