Máy bay 'Made in China' C919 và tham vọng của ngành hàng không Trung Quốc
Với mục tiêu ít phụ thuộc hơn vào công nghệ nước ngoài, Trung Quốc đã cho ra mắt mẫu máy bay chở khách C919 nhằm hướng tới cạnh tranh với các nhà sản xuất máy bay khổng lồ là Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu.
C919 là máy bay phản lực chở khách thân hẹp do Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac), một công ty nhà nước có trụ sở tại Thượng Hải, chế tạo. Chính phủ Trung Quốc đã thành lập Comac vào năm 2008 để thiết kế và xây dựng nên mẫu máy bay có thể cạnh tranh với các mẫu thông dụng 737 của Boeing và A320 của Airbus.
Vào năm 2017, C919 thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của mình và được Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) chứng nhận bay vào tháng 9/2022 sau 14 năm nghiên cứu và phát triển. Tới tháng 12 cùng năm, thời khắc lịch sử ngành hàng không Trung Quốc diễn ra khi Comac giao chiếc C919 đầu tiên cho hãng hàng không China Eastern Airlines tại Thượng Hải.
Sau khi được giao cho China Eastern Airlines, hãng tin Tân Hoa Xã cho biết C919 sẽ trải qua hơn 100 giờ bay thử nghiệm, với các điểm dừng ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Tây An, Côn Minh, Quảng Châu, Thành Đô, Lan Châu, Hải Khẩu, Vũ Hán, Nam Xương và Tế Nam. Theo hãng tin này, C919 dự kiến sẽ đáp ứng các yêu cầu còn lại vào mùa xuân năm 2023, sau đó sẽ được đưa vào vận hành thương mại.
Ngoài hãng hàng không China Eastern Airlines đã đặt mua 4 chiếc máy bay, Comac trong khuôn khổ triển lãm hàng không lớn nhất Trung Quốc ở Chu Hải tháng 11/2022 cho biết đã nhận được đơn đặt hàng 300 máy bay từ 7 công ty cho thuê chỉ hơn một tháng sau khi nhận được chứng nhận bay. Tới tháng 1 năm nay, phó tổng giám đốc Comac Zhang Yujin cho biết công ty đã nhận được tổng cộng hơn 1.200 đơn đặt hàng máy bay phản lực.
Trong vòng 5 năm tới, Comac dự kiến đạt công suất sản xuất hàng năm là 150 máy bay.
Triển vọng C919 phá vỡ thế độc quyền của Boeing và Airbus
Với C919, Trung Quốc đặt nhiều hy vọng có thể giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài khi mối quan hệ với các nước phương Tây xấu đi. Hàng không lại càng là một trong những lĩnh vực công nghệ tiên tiến bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ đang xấu đi do phải đối mặt với nhiều hạn chế kiểm soát xuất khẩu công nghệ từ Washington.
Hiện tại, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa một số công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc - một cổ đông của Comac - vào danh sách các công ty Trung Quốc có liên quan tới lĩnh vực quân sự.
Ở một diễn biến khác, hầu hết các bộ phận của C919 cũng được nhập khẩu từ các nhà sản xuất nước ngoài, bao gồm động cơ, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống điều khiển, thông tin liên lạc và thiết bị hạ cánh. Ba hãng hàng không quốc doanh lớn của Trung Quốc gồm China Southern Airlines, Air China, China Eastern Airlines cũng mới chỉ đặt 20 chiếc C919 trong khi đã đặt tổng cộng 294 đơn hàng cho dòng máy bay A320 của Airbus và 737 của Boeing.
Tất cả các yếu tố này là các lực cản lớn nhất tới việc Comac cạnh tranh với Boeing và Airbus. Tuy nhiên bất chấp các khó khăn, đặc biệt là khó khăn về việc nhập khẩu phụ tùng, Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Merics), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Berlin, nhận định C919 có thể đạt được mục tiêu phá vỡ thế độc quyền của 2 nhà sản xuất phương Tây trong thị trường nội địa và có thể xa hơn vậy.
Nguyên nhân là do bản thân quy mô thị trường hàng không của Trung Quốc cũng như chính sách công nghiệp mạnh mẽ của quốc gia này trong một lĩnh vực do các công ty nhà nước thống trị. Các yếu tố này sẽ giúp C919 đạt được lợi thế trong việc thúc đẩy “các mục tiêu chiến lược” của đất nước trong lĩnh vực hàng không.
Trên thực tế, SCMP cho biết chính phủ Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch hướng C919 tới việc giành được 10% thị phần nội địa năm 2015. Tuy nhiên do các hãng hàng không của Trung Quốc đã quen với việc vận hành các máy bay chở khách của phương Tây, việc đưa C919 vào đội bay có thể sẽ diễn ra dần dần.
Nhằm giải quyết vấn đề khó nhất là nhập khẩu phụ tùng, Comac đang tìm cách thay thế một số bộ phận phải nhập khẩu như động cơ thay thế LEAP được sản xuất bởi CFM International, một liên doanh giữa công ty GE Aviation của Mỹ và Safran Aircraft Engines của Pháp.