Máy bay Trung Quốc tham vọng cạnh tranh với Airbus, Boeing
Trung Quốc đang tiến gần thời khắc đưa C919 - máy bay chở khách thân hẹp đầu tiên do nước này tự sản xuất đi vào hoạt động.
Đây được coi là bước đi đầu tiên hiện thực hóa tham vọng phá thế “nhị quyền” của Airbus và Boeing tại thị trường nội địa và xa hơn là thị trường quốc tế.
Mục tiêu 10% thị phần nội địa vào 2025
Máy bay C919 do Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) sản xuất hiện đang hoàn thành nốt 100 giờ bay thử nghiệm. Sau thời gian tạm dừng do nghỉ Tết Nguyên đán, quá trình bay thử đã được nối lại vào ngày 28/1 bằng một chuyến bay từ Thượng Hải tới Nam Xương, tỉnh Giang Tây.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam, C919 đã được Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cấp phép hồi tháng 9, dự kiến được đưa vào phục vụ nội địa ngay trong mùa Xuân này.
SCMP dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Merics cho biết, dù đang phụ thuộc vào phụ tùng nước ngoài nhưng C919 có thể phá thế “nhị quyền” của Boeing và Airbus tại thị trường nội địa.
Nhờ quy mô thị trường hàng không Trung Quốc rất lớn, chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp nội địa, ngành sản xuất hàng không vũ trụ của đất nước tỷ dân chủ yếu do doanh nghiệp Nhà nước thống lĩnh nên C919 có lợi thế rất lớn để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược trong thị trường hàng không nội địa. Trung Quốc đã vạch kế hoạch để C919 có thể giành được 10% thị phần nội địa vào năm 2025.
Trong khi đó, Boeing đang đứng trước mối quan hệ “căng như dây đàn” giữa Trung Quốc và Mỹ. Máy bay Boeing 737 MAX đã bị dừng bay tại Trung Quốc trong hơn 4 năm sau 2 vụ tai nạn nghiêm trọng ở Indonesia và Ethiopia, mãi tháng 1 vừa qua mới được quay trở lại hoạt động.
Sự dịch chuyển đã thể hiện rõ trong năm 2022 khi dòng 737 của Boeing đã tụt xuống sau cả C919 về lượng đơn đặt hàng mới. Tính đến cuối năm ngoái, Boeing chỉ nhận đặt tổng cộng 116 chiếc máy bay dòng 737 trong khi C919 được đặt 305 chiếc và Airbus vẫn dẫn đầu với 565 chiếc. Theo đánh giá của Merics, thị trường “nhị quyền” giờ đã thành “tam quyền”.
Rào cản cấp phép
Xét về khả năng ở thị trường nước ngoài, nhiều nhà phân tích cho rằng, máy bay C919 của Trung Quốc có thể mất vài năm mới được các cơ quan hàng không của Mỹ và Liên minh châu Âu cấp phép.
Trung Quốc đã thiết lập thỏa thuận an toàn hàng không song phương với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) về công nhận chứng nhận máy bay, cho phép các sản phẩm hàng không vũ trụ do Trung Quốc sản xuất được xuất khẩu sang Mỹ và EU dựa trên việc công nhận quá trình cấp phép lẫn nhau.
Cụ thể, các cơ quan quản lý sẽ phối hợp cùng nhau để công nhận khả năng có thể bay của một thiết kế máy bay.
Tuy nhiên, trước C919, Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) cũng sản xuất loại máy bay nhỏ ARJ21, bắt đầu đưa vào phục vụ từ năm 2015 nhưng vẫn chưa được FAA và EASA cấp phép.
Ông Shukor Yusof, nhà sáng lập công ty cố vấn hàng không Endau Analytics nhận định, các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất có thể đạt chất lượng thế giới và với máy bay cũng vậy. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ còn nhiều nghi ngại về an toàn đối với phương tiện “Made - in - China” này.
Đã có quốc gia đón nhận máy bay Trung Quốc
Trong thời gian chờ FAA và EASA công nhận, máy bay “Made - in - China” vẫn có thể sử dụng ở nội địa và tại các khu vực khác vì Bắc Kinh đang khẩn trương đẩy mạnh những nỗ lực nhằm tăng cường khả năng sản xuất và cạnh tranh với Boeing, Airbus.
Trên thị trường quốc tế, từ cuối năm ngoái, Comac đã bàn giao máy bay ARJ21 cho đối tác quốc tế đầu tiên là hãng hàng không Indonesia - TransNusa mà Tập đoàn cho thuê máy bay Trung Quốc có sở hữu cổ phần.
Theo ông Daniel, Indonesia đã công nhận chứng nhận kiểu loại của Trung Quốc và không trải qua quá trình xác nhận chứng nhận như FAA và EASA.
Phân tích về cơ hội máy bay Trung Quốc được các thị trường nước ngoài chấp nhận, nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra, dù an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu nhưng quyền sở hữu công ty và ảnh hưởng địa chính trị cũng có thể đóng vai trò trong quá trình mua bán máy bay.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam, hiện tại Indonesia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, được phản ánh rõ trong thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành. Quốc gia Đông Nam Á này đã cấp phép, nhập khẩu và sử dụng phần lớn vaccine của Trung Quốc cho chiến dịch tiêm phòng toàn quốc. Ngoài những lợi ích về địa chính trị, Indonesia cũng đang hợp tác mạnh mẽ với Trung Quốc về mặt kinh tế.
Năm 2021, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Indonesia đã tăng 58,6% so với năm trước lên 124,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Trung Quốc tăng 48,1% lên 60,7 tỷ USD và nhập khẩu tăng 70,1% lên 63,8 tỷ USD - theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc.
Indonesia cũng là điểm đến đầu tư lớn thứ hai của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, sau Singapore.
C919 là máy bay thân hẹp do Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) - được Chính phủ Trung Quốc thành lập năm 2008 - thiết kế và chế tạo.
C919 có thiết kế 158 - 192 chỗ, với giá khoảng 99 triệu USD, đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào năm 2017, được Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cấp phép vào tháng 9. Chiếc C919 đầu tiên được bàn giao cho Hãng hàng không China Eastern vào tháng 12.