Mấy suy nghĩ về Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Một nhà báo chân chính luôn đặt Tổ quốc và nhân dân lên trên hết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền báo chí cách mạng Việt Nam đồng hành với cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đầy gian khó, hy sinh. Sự nghiệp cách mạng vinh quang của nhân dân cũng là sự nghiệp vẻ vang của nhà báo. Nghề báo không chỉ đơn thuần để mưu sinh mà đó còn là trách nhiệm chính trị của những người tự nguyện đứng trong đội ngũ nhà báo cách mạng.

Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam chứng minh rõ ràng điều đó. Từ tờ báo cách mạng đầu tiên mang tên Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1925, Bác Hồ đã thấm nhuần và thực hiện đúng quan điểm của Lênin: “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”.

Với gần 90 số, báo Thanh niên đã làm tròn nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin trong nhân dân ta, góp phần tích cực chuẩn bị về mặt lý luận chính trị, tư tưởng và tổ chức cho Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời để đảm nhận sứ mệnh lịch sử lãnh đạo dân tộc chống thực dân, đế quốc xâm lược tàn bạo, chống phong kiến lạc hậu phản động nhằm giải phóng đất nước, giành độc lập tự do, hòa bình thống nhất non sông, dựng xây chế độ mới mang lại hạnh phúc cho đồng bào.

Từ đó đến nay, trải qua bao thăng trầm sóng gió lịch sử, những khúc quanh thời cuộc éo le, báo chí cách mạng Việt Nam luôn trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Những người làm báo cách mạng thực sự xứng đáng là các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, đồng hành bền bỉ với Đảng và nhân dân qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc cũng như dựng xây đất nước xã hội chủ nghĩa.

Sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của báo chí Việt Nam gắn liền với những bước đi kỳ diệu của cách mạng do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo; những kỳ tích, thành tựu của đất nước trong thế kỷ XX và các thập kỷ đầu thế kỷ XXI. Tổ quốc và nhân dân đã, đang, sẽ mãi mãi là cảm hứng, đề tài, nội dung phản ánh trung thực của báo chí. Báo chí nước ta gắn chặt với những vấn đề đó như yêu cầu, đòi hỏi của lịch sử, cũng là trách nhiệm, tình cảm của mỗi người cầm bút chân chính.

Báo chí cách mạng trở thành một bộ phận rất quan trọng của văn hóa Việt Nam. Thông qua các tác phẩm báo chí, những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc được chuyển tải như một dòng chảy không bao giờ ngừng; những giá trị văn hóa mới được phát hiện, phản ánh, nêu gương và lan tỏa góp phần bồi đắp, hội tụ, gạn đục khơi trong dựng xây phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người mới của thời đại mới.

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Định trao giải B cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải Báo chí tỉnh Quảng Bình lần thứ XVIII năm 2023. Ảnh: D.Hương

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Định trao giải B cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải Báo chí tỉnh Quảng Bình lần thứ XVIII năm 2023. Ảnh: D.Hương

Xây và chống cùng đồng thời tiến hành trong công cuộc phục hưng văn hóa lâu dài, phức tạp. Nêu gương, xây dựng, phát triển cái tốt nhưng không bao giờ quên nhiệm vụ phê phán, chỉ trích cái xấu để xã hội trong sạch, tốt đẹp hơn. Không ít các hiện tượng tiêu cực, sai phạm bị báo chí phát hiện, phản ánh, lôi ra ánh sáng. Cần phải ghi công lớn cho báo chí trong cuộc đấu tranh chống lại những sai trái, tiêu cực đang diễn ra trong xã hội, đặc là biệt chống lại tệ nạn tham nhũng, hối lộ, nhận hối lộ, thoái hóa biến chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức quyền.

Báo chí cách mạng vừa là tiếng nói của nhân dân, vừa là “nhịp cầu” nối rất quan trọng giữa Đảng với dân, dân với Đảng; giữa Nhà nước với dân, dân với Nhà nước. Thông qua báo chí, quyền lợi “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” sẽ có cơ hội được thực hiện minh bạch và hiệu quả. Từ đó, dân có điều kiện phát huy quyền làm chủ của mình và điều đó khẳng định tính ưu việt của chế độ ta là “của dân, do dân, vì dân” như cương lĩnh Đảng đã xác định rõ ràng.

Báo chí là một trong những phương tiện quan trọng hàng đầu để nhân dân thực hiện tốt quyền giám sát của mình. Đó cũng là nơi người dân thực hiện tốt quyền tự do ngôn luận đã được ghi vào luật. Những tờ báo có uy tín hiện nay rất chú trọng tính phản biện, luôn coi đó là yếu tố sống còn của một ấn phẩm báo chí trong thời đại 4.0. Nhân dân mong đợi như thế ở nền báo chí cách mạng do Bác Hồ sáng lập và tổ chức.

Trong sự kết nối rất sâu rộng mang tính toàn cầu hóa, báo chí cách mạng còn góp phần tích cực vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới, thúc đẩy quá trình chủ động hội nhập quốc tế của đất nước. Hình ảnh Việt Nam qua báo chí sẽ đến với bạn bè gần xa, giúp họ hiểu biết và yêu mến đất nước này. Phong cách ngoại giao “cây tre” cứng cỏi mà lại rất uyển chuyển như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví von sẽ được trợ lực từ báo chí cách mạng. Cái quan trọng hơn mỗi tờ báo, tạp chí phải biết biến ý tưởng, tinh thần đó thành hiện thực sinh động thông qua những tác phẩm hay có sức truyền cảm mạnh mẽ. Điều đáng mừng hiện nay, báo chí đang được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Những giải báo chí quốc gia, giải báo chí ngành đã thể hiện một phần điều tuyệt vời đó.

Tuy nhiên, để xứng đáng là một nhà báo cách mạng đích thực, người cầm bút phải vượt qua nhiều thử thách không nhỏ. Bởi lẽ, thời nào cũng vậy, xã hội luôn mang trong nó những sự trái ngược, tương phản hoặc đối lập. Cái tốt, cái xấu; cái trong, cái đục; cái hay, cái dở… luôn tồn tại cùng nhau. Không chỉ trong xã hội mà ở mỗi con người cũng thường xảy ra những xung đột, giằng xé, đấu tranh giữa các mặt không đồng nhất như thế. Với người làm báo, sự nhạy cảm luôn vượt trội thì cuộc gạn đục khơi trong, tự vượt qua, vượt lên để chiến thắng mình càng cần thiết và tinh tế hơn.

Cũng thật sự gay cấn và đương nhiên là không dễ dàng chút nào đâu. Lằn ranh giữa vinh quang và nhục nhã rất mong manh; đó chính là dấu hiệu của sự nguy hiểm thường nhật mà người làm báo nào cũng thấy. Còn có những hoàn cảnh nguy hiểm hơn như khi người cầm bút là phóng viên chiến trường phơi thân giữa hai làn đạn; khi trong vai “thám tử” điều tra các vụ việc; khi viết bài phản ánh tiêu cực hoặc khi đụng chạm tới các thế lực nhiều tiền, nhiều quyền… trong xã hội. Không hiếm lời đe dọa, lăng mạ, hành hung, thậm chí ám sát nhà báo khi họ vì chính nghĩa, vì đất nước và nhân dân quyết làm rõ sự thật, đưa ra công luận rộng rãi những tác phẩm báo chí làm chấn động xã hội.

Tuy nhiên, chỉ những nhà báo đích thực mới dám dấn thân để ngợi ca và phê phán xã hội bằng những tác phẩm mang cái tâm, cái tầm xứng đáng với danh xưng của mình. Họ sẵn sàng có mặt ở điểm nóng, mũi nhọn của cuộc sống, không nề hà vất vả, khó khăn, chấp nhận sự thiệt thòi hoặc hy sinh vì Tổ quốc, nhân dân. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc cũng như sự nghiệp dựng xây đất nước đã có hàng trăm nhà báo là liệt sỹ, thương binh, bệnh binh. Họ không vắng mặt trên những mặt trận, chiến trường nóng bỏng, gian khổ nhất; nhiều nhà báo-chiến sĩ đã ghi công vào trang sử vẻ vang bi tráng của dân tộc Việt Nam. Họ là những tấm gương soi sáng cho thế hệ mai sau.

Chúng ta có lý do chính đáng để tự hào với đội ngũ nhà báo cách mạng Việt Nam. Cả trong quá khứ và hiện tại. Cuộc sống trên mọi miền đất nước hôm nay, từ hội trường Quốc hội đến những vùng biên cương, biển, đảo xa xôi đã được phản ánh kịp thời trên các trang báo nóng hổi. Báo hình, báo nói, báo viết, báo điện tử bám sát đời sống xã hội, ghi nhận kịp thời những thành tựu, thành tích, chiến công của quân và dân ta trong công cuộc đổi mới, dựng xây và bảo vệ đất nước đang còn rất nhiều gian khó, thách thức, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến đông đảo nhân dân. Báo chí cũng luôn tiên phong trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực bằng những tác phẩm sâu sát, sắc sảo, nóng bỏng. Báo chí cất lên tiếng nói chính đáng của nhân dân, là điểm tựa tin cậy để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, không ít quyền lợi của người dân đã được thực hiện thông qua sự phản ánh kịp thời, trung thực của báo chí.

Muốn vượt qua thử thách, nhà báo đòi hỏi phải có bản lĩnh cao và trình độ nghiệp vụ giỏi, có thế mới không bị gục ngã trước cám dỗ, cạm bẫy đang giăng đầy trong cuộc sống, mới viết được những tác phẩm báo chí trung thực, sắc sảo mang nhiều năng lượng tích cực cho xã hội. Không chỉ văn học nghệ thuật mà báo chí cách mạng cũng rất cần “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (Nguyễn Đình Chiểu).

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202406/ky-niem-99-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-2161925-2162024-may-suy-nghi-ve-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-2218958/