Maybank điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023

Maybank dự báo GDP năm 2023 của Việt Nam ở mức 5,5% do xuất khẩu sụt giảm, đồng thời kỳ vọng sẽ có nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ hơn cho nền kinh tế sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm 100 điểm cơ bản lãi suất.

Ảnh minh họa: Quách Sơn

Ảnh minh họa: Quách Sơn

Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam ngày 30/3, Maybank Investment Bank (MSVN) cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 1/2023 đạt mức thấp nhất (3,3%) kể từ quý 3/2021, và thấp hơn mức dự báo của MSVN cũng như đồng thuận của thị trường là 4,8%.

Khu vực sản xuất (chiếm 23% GDP) là lực cản chính đối với ngành công nghiệp và xây dựng, lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ quý 3/2021. Trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu sụt giảm, hoạt động sản xuất chậm lại bao trùm các phân khúc chính bao gồm hàng may mặc (-7,7%), giày dép (-4%), máy tính, sản phẩm điện tử & quang học (-6%), thiết bị điện (-6,9% ), nội thất (-13,5%) và sắt thép (-2,4%).

Maybank nhận định, xuất khẩu đã đảo chiều sang đỏ khi giảm 11,8% trong quý 1, so với một năm trước, tương đương ước tính -11,5% theo giá trị thực. Xuất khẩu hàng hóa danh nghĩa (-14,8% so với +11,7% trong tháng 2) đã sụt giảm trong tháng 3, với hầu hết các sản phẩm chính đều giảm hai chữ số, dẫn đầu là mức giảm 41,9% ở điện thoại và linh kiện.

Với kết quả GDP quý 1 thấp hơn dự báo, Maybank điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm xuống mức +5,5% (từ mức +6,3%).

“Nền kinh tế định hướng xuất khẩu dễ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy yếu do chi phí sinh hoạt tăng cao và các điều kiện tài chính thắt chặt. Rủi ro suy thoái ở Mỹ đã tăng lên đáng kể với cuộc khủng hoảng ngân hàng ở nước này, điều này không tốt cho nhu cầu thế giới”, báo cáo của Maybank nhận định.

Theo Maybank, áp lực tái cấp vốn trái phiếu mà các nhà phát triển phải đối mặt sẽ đè nặng lên ngành bất động sản và xây dựng, với nhiều trái phiếu đáo hạn trong quý 2 và quý 3 tới.

Việc thông qua Nghị định 08 cho phép gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu đã giảm bớt áp lực tái cấp vốn và hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần phục hồi. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều thời gian để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư do ảnh hưởng từ các vụ vi phạm.

Về lạm phát, Maybank cho biết, lạm phát toàn phần của Việt Nam đã chậm lại tháng thứ hai liên tiếp, xuống còn +3,4% trong tháng 3 (so với +4,3% trong tháng 2), chủ yếu do mức so sánh cao cùng kỳ, được thúc đẩy bởi giảm phát giao thông vận tải. Lạm phát cơ bản (+4,9% so với +5% trong tháng 2) vẫn ở mức cao.

MSVN giữ nguyên dự báo lạm phát cơ bản ở mức +4,3% cho năm 2023, đồng thời nhận định lạm phát có thể giảm bớt khi tăng trưởng chậm lại và giao thông vận tải có thể sẽ tiếp tục giảm phát trong quý thứ 2/2023 do mức so sánh cơ bản cao chiếm ưu thế trong khi giá dầu vẫn ở mức vừa phải.

Về mặt tích cực, MSVN cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp giảm bớt tác động từ sự suy giảm của Hoa Kỳ và EU.

Tăng trưởng dịch vụ trong quý 1 tiếp tục được thúc đẩy chủ yếu bởi các ngành hướng đến người tiêu dùng bao gồm lưu trú & ăn uống, bán buôn & bán lẻ. Lượng khách du lịch nước ngoài tăng 51% trong quý 1 so với quý trước, với lượng khách tương đương 45% so với mức trước đại dịch (tháng 1/2020) vào tháng 3.

Sự phục hồi đã được thúc đẩy bởi khách du lịch Hàn Quốc, châu Âu và Trung Quốc. Tuy nhiên, du khách Trung Quốc, vốn là nguồn du lịch lớn nhất trước đại dịch, vẫn thấp hơn khoảng 90% so với mức của tháng 1/2020. Trung Quốc đã nối lại các tour du lịch theo nhóm đến Việt Nam từ ngày 15/03 và lượng du khách Trung Quốc sẽ nhiều hơn khi các chuyến bay tăng dần.

Maybank kỳ vọng sẽ có nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ hơn cho nền kinh tế sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm 100 điểm cơ bản lãi suất chiết khấu trong tháng này. Lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng có thể giảm ít nhất 100 điểm cơ bản, giúp giảm chi phí đi vay để hỗ trợ nhu cầu trong nước.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/maybank-dieu-chinh-du-bao-tang-truong-kinh-te-cua-viet-nam-nam-2023-post19790.html