Mẹ đơn thân vượt nghịch cảnh, thoát nghèo

Với tư duy đổi mới, chị Hà Thị Thìn, ở xóm 3, xã Phúc Tân (TP. Phổ Yên) đã vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Chị Hà Thị Thìn đầu tư trồng, chế biến chè an toàn để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Chị Hà Thị Thìn đầu tư trồng, chế biến chè an toàn để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Để có được thành quả là mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng mang lại nguồn thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng mỗi năm như hiện nay, chị Thìn đã trải qua không ít thất bại. Có những lúc tưởng chừng như gục ngã, bởi kiệt sức, hết vốn, mất đi niềm hy vọng…, nhưng nghĩ đến tương lai của cậu con trai bé bỏng, nghĩ đến việc mình không thể trở thành gánh nặng cho những người thân, chị lại cố gắng vươn lên.

Chị nhớ lại ngày mới khởi nghiệp: Tôi chọn nuôi dê và bò bán chăn thả. Bao vốn liếng của những ngày đi làm công nhân tích góp được đổ dồn vào đó. Nhưng thi thoảng trong đàn lại thiếu mất một con dê, con bò bị chó cắn hoặc ngã từ trên đồi cao xuống hố sâu... Lần chăn nuôi đó, tôi thất bại, trở thành hộ nghèo của xã.

Chị Thìn sinh ra trong một gia đình thuần nông nên sớm quen với công việc đồng áng. Tuy nhiên, chị luôn trăn trở, suy nghĩ nhiều người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” quanh năm mà nhiều khi vẫn không đủ cái ăn, cái mặc? Câu hỏi đó luôn thôi thúc chị Thìn nghĩ khác và làm khác.

Trên diện tích đồi bãi bao năm để cỏ mọc um tùm, chị cần mẫn đốt rẫy, dọn thực bì, phủ xanh bằng 3ha cây keo. Chị cho biết: Cây keo có chu kỳ thu hoạch ngắn, chỉ 7-8 năm, đầu ra khá thuận lợi nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi vừa thu hoạch rừng năm ngoái, thu về trên 400 triệu đồng. Năm nay, ngoài trồng keo, tôi còn trồng xen kẽ hơn 100 cây cây gỗ quý là lim, dổi…

“Lấy ngắn nuôi dài”, chị Thìn còn đầu tư cải tạo, mở rộng diện tích trồng chè và phát triển chăn nuôi. Chị thay thế toàn bộ diện tích chè già cỗi bằng chè lai giống LDP1 và sản xuất chè an toàn. Rút kinh nghiệm từ lần chăn nuôi bò, dê không hiệu quả, chị quyết định chuyển sang nuôi lợn, gà sao. Thời điểm cao nhất, trong chuồng nhà chị có 60-80 con lợn thịt, lợn rừng và hơn 100 con gà.

Chị Thìn bảo: Đa phần các hộ trong xã đều phát triển chăn nuôi, nhưng do mô hình nhỏ lẻ, đầu ra thiếu ổn định nên hiệu quả không cao. Vì vậy, tôi đã quyết định đầu tư chăn nuôi theo quy trình khép kín, từ con giống đến thức ăn đều được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ có như vậy, sản phẩm tôi làm ra mới dễ bán, không lo mất giá. Nông sản của gia đình tôi có khách hàng ở tận Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng… đặt mua. Như chè búp khô, tôi bán được với giá giá trung bình từ 300-500 nghìn đồng/kg, có sản phẩm chè có giá trên 1 triệu đồng/kg, cao hơn so với người làm chè trong xóm.

Ngoài ra, chị Thìn còn đào ao nuôi cá và trồng khoảng 200 cây ăn quả các loại (mít, bưởi, hồng xiêm…). “Mùa nào thức nấy, lúc nào tôi cũng có sản phẩm để bán. Cứ như vậy, tôi liên tục quay vòng vốn để tái đầu tư phát triển kinh tế” - chị vui vẻ cho biết.

Qua câu chuyện của chị Thìn, chúng tôi thầm khâm phục người mẹ đơn thân đã vượt qua nghịch cảnh bằng ý chí và nghị lực vươn lên, một tay nuôi dạy con trai khôn lớn, một tay gánh vác việc làm kinh tế, nỗ lực thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định, bắt đầu có “của ăn của để”.

Vốn liếng dư giả, chị đã đầu tư sửa sang lại nhà cửa khang trang, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho chè, xây dựng chuồng trại chăn nuôi khép kín, đảm bảo chăn nuôi an toàn… Với sự nhạy bén, năng động trong phát triển kinh tế, gia đình chị đã trở thành hộ có kinh tế khá ở địa phương.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202401/me-don-than-vuot-nghich-canh-thoat-ngheo-11a11bf/