Mẹ tôi - 'bà Chín rau hành'

Năm tôi 10 tuổi đã nghe cả làng Phước Bình này gọi mẹ tôi là 'Bà Chín rau hành'. Hai tiếng rau hành nó gắn liền với cuộc đời mẹ cho đến khi nhắm mắt lìa trần.

Hai lần bỏ xứ, bỏ quê, cha lại mất sớm, “tài sản” gia đình của mẹ còn lại chỉ là 5 miệng ăn của bầy con đang tuổi lớn. Bon chen giữa thời lửa binh loạn lạc, để có chén cơm, manh áo, quyển vở, cây viết… cho con đến trường, mẹ đã phải đánh đổi hết cả cuộc đời. Chúng tôi lớn lên trên đôi vai gầy của mẹ. Gánh rau hành mẹ quảy trên vai từ thời thiếu nữ cho đến lúc lưng còng tóc bạc. Cha mất năm 1969, lúc ấy tôi đang chuẩn bị cho kỳ thi đệ thất. Mẹ bấy giờ tuổi mới 50. Năm mươi tuổi với những mất mát lớn lao nhất trong đời, cộng thêm những năm tháng bươn chải ngược xuôi nuôi chồng, nuôi con khiến mẹ già đi nhiều. Năm chị em còn lại, gánh nặng đè lên vai mẹ. Mẹ tần tảo chợ sớm, chợ chiều bán từng nắm rau nuôi con ăn học. Năm 1974 anh tôi trốn lính bị bắt đưa ra tòa án Gia Định xét xử. Căn nhà gỗ lợp tôn, tài sản cuối cùng, mẹ cũng phải bán đi để lấy tiền chạy cho anh tôi khỏi tù tội. Không nhà ở, 6 mẹ con dắt díu nhau vào sống trong cái lò than xây nổi bỏ hoang. Khổ vậy, nhưng mẹ vẫn quyết tâm không cho đứa nào bỏ học.

Năm 1975, sau giải phóng, mẹ dựng căn nhà tranh nho nhỏ trên mảnh vườn hoang của làng và tiếp tục nghề chạy chợ bán rau hành nuôi con. Tôi vẫn còn nhớ như in, trong căn nhà tranh ọp ẹp, mưa dột nắng soi, cứ tầm 3 giờ sáng, ngày nào cũng như ngày nào, mẹ lặng lẽ thức dậy một mình, bên ngọn đèn dầu leo lắt, cặm cụi bào từng cọng rau muống, xắt từng cái bắp chuối… rồi cho vào thau nhôm ngâm nước muối. Công việc kéo mẹ đến gần năm giờ sáng mới hoàn thành xong gánh rau sống để kịp gánh ra chợ Duy Từ bán phiên chợ sớm. Chợ Duy Từ nằm ở đoạn giữa con dốc, cách xa đường lộ cả 100 mét, chợ còn có tên là Chợ Tỉnh (nay là cơ quan hành chính UBND phường Tân An, thị xã La Gi). Chợ họp một phiên vào buổi sáng. Từ nhà mẹ quảy gánh đi chợ hết chừng 15 phút. Sau này chợ Duy Từ được chuyển lên phía trên và trở thành chợ Tân An ngày nay. Cả hai ngôi chợ này, mẹ đều có một chỗ ngồi với gánh rau hành đã quen mặt khách mấy mươi năm. Đời rau hành của mẹ, vui ít, khổ nhiều. Bán gánh rau lời lãi có bao nhiêu, bầy con năm đứa vừa ăn vừa học khiến mẹ phải lâm nợ. Có những buổi chợ, người ta bu quanh mẹ lấy rau trừ nợ, trưa mẹ quảy gánh không về buồn thiu, vậy mà anh em chúng tôi hồi ấy có biết gì đâu nỗi khổ của mẹ, đứa nào cũng vô tư đòi mẹ mua thứ này, thứ khác. Những lần như thế mẹ lại lặng lẽ ngồi bào rau, làm thêm mớ rau sống, bưng đi bán dạo quanh làng để kiếm tiền cho con. Và cứ như vậy, suốt mấy chục năm dài như vậy, gánh rau hành theo mẹ ngược xuôi trên con đường dốc đổ dài số phận, từng ngày mẹ bươn chải đong từng lon gạo, mua từng quyển vở, có khi nhịn nhục mua thêm cho con bịch chè, vài cái bánh kẹp… Theo gánh rau hành của mẹ, năm anh em chúng tôi đều được học hành, tuy không bằng này, cấp nọ nhưng cũng được ít chữ để mở mang kiến thức, bon chen mà sống với đời. Cho đến một ngày, vai mẹ thấp xuống, lưng mẹ còng lại, đôi chân không còn bước vững, mẹ từ bỏ gánh rau hành, mẹ phủi tay giũ sạch nợ trần gian… và mẹ vĩnh viễn ra đi! Con đường dốc Duy Từ vẫn còn đó, chợ Tân An vẫn còn đó, chỉ mẹ là không còn, nhưng cái tên “Bà Chín rau hành” thỉnh thoảng vẫn có người nhắc đến, có người còn cười bảo với tôi, “mẹ mi hồi ấy còn nợ của tao mấy ang tiền gạo.” Tôi nghe xong cũng cười, cười rơi nước mắt! Cũng đúng thôi, cuộc đời của mẹ là gánh nợ gắn chặt trên vai, nợ cho đến khi lìa đời vẫn chưa trả hết! Nợ vì chồng, nợ vì con! Biết nói gì đây với mẹ?! Mẹ ơi, thương mẹ quá chừng!

NGÔ VĂN TUẤN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/me-toi-ba-chin-rau-hanh-123371.html