Mệt mỏi, người như đi mượn vì lười ăn rau xanh
Nhiều người lười ăn rau xanh, dẫn đến thiếu chất xơ, suy giảm sức khỏe và năng lượng, ảnh hưởng tới cuộc sống.
Nguyễn Minh Trang, 27 tuổi, nhân viên truyền thông tại một công ty công nghệ ở Hà Nội, từng có chế độ ăn uống mà chị mô tả là “thiếu rau có chủ đích”. “Tôi không thích ăn rau từ bé. Lớn lên, đi làm bận rộn, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán tiện lợi hơn nhiều. Tôi thường gọi cơm gà, bánh mì hoặc bún phở - những món ít rau, hoặc có thì tôi cũng gạt ra”, Trang nói.
Thói quen kéo dài trong nhiều năm, khiến cơ thể chị bắt đầu “lên tiếng”. Chị thường xuyên bị táo bón, cảm giác đầy bụng, ăn không ngon và uể oải dù vẫn ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày. “Ban đầu tôi cứ nghĩ do stress công việc hoặc thể trạng yếu, nhưng càng ngày tôi càng thấy da sạm đi, cơ thể nặng nề, không có sức sống, người như đi mượn”, chị Trang nói.
Sau một lần khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ chỉ ra nguyên nhân, chế độ ăn thiếu chất xơ nghiêm trọng khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém, kéo theo việc hấp thụ dưỡng chất kém hiệu quả. Chị được khuyên phải bổ sung rau xanh và trái cây mỗi ngày, ít nhất 300-400g rau mỗi ngày.
Trần Anh Duy, 20 tuổi, sinh viên ngành kỹ thuật tại một trường đại học ở TP.HCM từng trải qua quãng thời gian “sống như một cái máy” với chế độ ăn thiếu rau nghiêm trọng.
“Tôi học nhiều, lại ở trọ một mình nên toàn ăn ngoài, nên hầu như bữa nào cũng cơm gà rán, mì trộn, bánh mì que, uống trà sữa. Có rau thì cũng là mấy lát dưa chuột cho có”, anh Duy kể. Anh không thấy vấn đề gì nghiêm trọng cho đến khi sức khỏe bắt đầu sa sút.

Rau xanh là thành phần không thể thiếu trong việc xây dựng một bữa ăn lành mạnh. (Ảnh minh họa)
Ban đầu là những cơn đau bụng âm ỉ, sau đó là anh ốm vặt thường xuyên, thiếu tập trung khi học và cảm giác mệt mỏi dù không hoạt động nhiều. “Đi khám, bác sĩ nói bị viêm dạ dày nhẹ và thiếu nhiều loại vitamin, khoáng chất, nguyên nhân chủ yếu là ăn thiếu rau và trái cây”, anh Duy nói.
Anh được khuyên nên bổ sung chất xơ từ rau xanh, đặc biệt là các loại rau lá đậm như cải bó xôi, rau muống, xà lách, đồng thời giảm đồ chiên rán và thức ăn nhanh.
“Ban đầu hơi khó vì tôi không quen ăn rau. Tôi mua nồi luộc nhỏ, học cách luộc rau đơn giản hoặc mua salad trộn sẵn về ăn kèm. Sau khoảng 2 tuần, tôi thấy tiêu hóa dễ chịu hơn nhiều, đầu óc cũng bớt nặng nề".
Giờ đây, mỗi bữa ăn của Duy đều cố gắng có ít nhất một phần rau xanh. “Không phải vì sợ bệnh, mà vì tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt của cơ thể. Rau xanh thực sự là ‘thuốc bổ’ tự nhiên mà những người trẻ như mình đang bỏ quên”, anh Duy nói.
Rau giúp tăng cường sức khỏe tim mạch
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, rau xanh là thành phần không thể thiếu trong việc xây dựng bữa ăn lành mạnh. Rau là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng, cũng là nguồn cung cấp chất xơ cần thiết cho cơ thể. Do vậy, chúng ta cần có rau xanh trong từng bữa và từng ngày.
Có thể phân chia rau thành 2 loại: loại rau lá, rau củ; hoặc loại rau có màu (xanh thẫm, màu vàng, màu đỏ, màu tím …) và rau không màu (bắp cải, củ cải, bầu, bí…). Vì thế khi bổ sung rau xanh cần đa dạng, bao gồm cả rau có màu và không màu, đáp ứng mọi nhu cầu về các vi chất dinh dưỡng, ăn đa dạng thực phẩm và rau xanh sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Việc bổ sung rau xanh cho cơ thể giúp giảm cân, tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ tử vong sớm, hỗ trợ kiểm soát đường máu tốt hơn, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Việc "từ mặt" các loại rau sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như nguy cơ thiếu vitamin và khoáng chất; mắc bệnh về đường tiêu hóa (táo bón, trĩ và viêm túi thừa); gây ra một số bệnh ung thư, tiểu đường; tăng cân; chế độ ăn giàu natri, ít trái cây và rau, củ sẽ góp phần làm tăng huyết áp.
Về thành phần và giá trị dinh dưỡng của rau tươi khác nhau tùy theo từng loại. Lượng protid trong rau tươi nói chung thấp (dao động 0,5-1,5%). Tuy vậy có nhiều loại rau hàm lượng protid đáng kể như nhóm đậu tươi, đậu đũa (4-6 %), rau muống (2,7%), rau ngót (4,1 %), cần tây (3,1%), su hào, rau giền, rau đay (1,8-2,2%).
Về glucid, trong rau tươi có các loại đường đơn dễ hấp thu, tinh bột, xenluloza và các chất pectin. Hàm lượng trung bình của glucid trong rau tươi khoảng 3-4%, có những loại 6-8%. Trong rau, xenluloza ở dưới dạng liên kết với các chất pectin tạo thành phức hợp pectin-xenluloza tác dụng kích thích mạnh chức năng nhu động ruột và tiết dịch của ruột giúp tiêu hóa dễ dàng.
Rau tươi là nguồn cung cấp vitamin và muối khoáng quan trọng. Nhu cầu về vitamin và muối khoáng của con người được cung cấp trong bữa ăn hàng ngày qua rau tươi. Hầu hết các loại rau tươi thường dùng của nhân dân ta đều giàu vitamin, nhất là vitamin A và C là những vitamin hầu như không có hoặc chỉ có rất ít trong thức ăn động vật.
Các chất khoáng trong rau tươi cũng rất quan trọng. Trong rau nhiều chất khoáng có tính kiềm như kali, canxi, magiê. Chúng giữ vai trò quan trọng trong cơ thể và cần thiết để duy trì kiềm toan. Trong cơ thể những chất này cho những gốc tự do cần thiết để trung hòa các sản phẩm axít do thức ăn hoặc do quá trình chuyển hóa tạo thành.
Đặc biệt rau có nhiều kali ở dưới dạng kali cacbonat, muối kali của các axít hữu cơ và nhiều chất khác dễ tan trong nước và dịch tiêu hóa. Các muối kali làm giảm khả năng tích chứa nước của protid ở tổ chức. Lượng magiê trong rau tươi cũng rất đáng chú ý, dao động từ 5-75mg%. Đặc biệt là các loại rau thơm, rau giền, rau đậu có nhiều magiê.
Rau còn là nguồn chất sắt quan trọng. Sắt trong rau được cơ thể hấp thu tốt hơn sắt ở các hợp chất vô cơ. Các loại rau đậu, xà lách là nguồn mangan tốt. Chuyên gia lưu ý phải đảm bảo rau sạch, không có vi khuẩn gây bệnh và các hóa chất độc nguy hiểm.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/met-moi-nguoi-nhu-di-muon-vi-luoi-an-rau-xanh-ar935946.html