Mệt nhọc vì gánh nặng học thêm

Nhiều năm nay, dư luận xã hội rất phàn nàn về tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan khiến không chỉ học sinh căng thẳng mà phụ huynh cũng rất mệt mỏi trong guồng quay này. Những biện pháp của cơ quan quản lý để hạn chế, chấm dứt tình trạng này vẫn chỉ nằm trên giấy.

Lẽ dĩ nhiên, có cầu ắt có cung. Các em đi học thêm là do nhu cầu nâng cao kiến thức. Vì sao tình trạng dạy thêm, học thêm ngày càng tràn lan? Nguyên nhân chính là do chương trình đào tạo ở bậc phổ thông đang quá nặng. Chương trình lại thường xuyên điều chỉnh, sách giáo khoa cũng liên tục thay đổi khiến cả thầy và trò cứ xoay như chong chóng. Hình thức, nội dung thi cử cũng nặng nề và biến động. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân khác, đó là phương pháp quản lý của ngành giáo dục chưa hiệu quả.

Giờ học trên lớp. Ảnh minh họa: VTC

Giờ học trên lớp. Ảnh minh họa: VTC

Chính những thầy cô có trách nhiệm trong ngành cũng không đồng tình với tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay. Nhiều địa phương đã có quy định cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường phổ thông. Tuy vậy, do những quy định đưa ra mà không có kiểm tra, giám sát; chế tài lỏng lẻo nên tình trạng này không hề giảm mà ngày càng tăng.

Rất nhiều ý kiến đánh giá khách quan cho thấy, chương trình học bậc phổ thông hiện nay là nặng. Sự nặng này thể hiện ngay từ chính chiếc cặp trĩu vai các em mỗi buổi tới trường. Kiến thức cần tiếp thu khiến người lớn cũng phải lắc đầu bởi độ khó, phần lớn phụ huynh giờ không thể dạy được các con. Chương trình học khó, để hiểu được hết bài, để đạt được các danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc thì các em vẫn phải lựa chọn đi học thêm. Tham khảo nền giáo dục ở một số quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như Na Uy, Đức, Phần Lan, Bỉ, Thụy Sĩ... học sinh chỉ học từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi ngày kéo dài 4-6 giờ và không bị áp lực thi cử.

Với các em học sinh, trình độ, khả năng tiếp thu là rất khác nhau nhưng tiêu chí phần đa phải đạt giỏi, xuất sắc, học sinh trung bình lại rất ít. Nhiều bậc học, trường học chỉ tuyển học sinh mà cấp dưới, lớp dưới các em phải là học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Để có được kết quả này, trừ một vài học sinh xuất chúng, đa phần các em còn lại không có cách nào khác là phải đi học thêm.

Nhiều người nói rằng, thiệt thòi lớn nhất với học sinh hiện nay là “không có tuổi thơ”. Các em suốt ngày chỉ biết đi học, về cũng lại học. Điều này là không tốt bởi nhiều em đã trở thành “mọt sách”, “gà gô” mà rất thiếu các kỹ năng xã hội. Cũng vì học quá nhiều, bó mình với sách vở mà ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tâm hồn của các em.

Để chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan thì quan trọng nhất là vai trò quản lý của Nhà nước, của ngành giáo dục. Ngành giáo dục phải thực sự hành động chứ không thể là những khẩu hiệu chung chung. Chương trình rất cần sự giảm tải; giảm kiến thức, tăng kỹ năng và khả năng thực hành; hình thức đánh giá học sinh cần thực chất chứ không nên lấy tỷ lệ giỏi, xuất sắc là đa số. Việc tổ chức thi cử phải thực sự đổi mới, đa dạng, chứ không chỉ quá chú trọng tìm những em “mọt sách”. Toàn ngành giáo dục, các địa phương cần thống nhất trong thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm. Trách nhiệm chung của xã hội là đào tạo nên một thế hệ tương lai phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và tâm hồn, chứ không phải tạo ra những công dân “mọt sách”.

NGUYỄN HÀ MY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/met-nhoc-vi-ganh-nang-hoc-them-747556