Miễn học phí: Đầu tư cho tương lai đất nước
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng để chính sách miễn, hỗ trợ học phí đạt hiệu quả cao, đi vào thực chất, cần ngăn chặn lạm thu và nâng cao chất lượng giáo dục
Ngày 22-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của QH về miễn học phí, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Không chỉ có ý nghĩa về giáo dục
Theo phương án trình của Chính phủ, trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập sẽ được miễn học phí. Đồng thời, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ học phí do HĐND cấp tỉnh quyết định. Chính phủ đề xuất áp dụng chính sách này từ năm học 2025 - 2026.
Thảo luận tại tổ đại biểu QH TP HCM, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh chính sách miễn, hỗ trợ học phí được người dân đặc biệt mong đợi và bày tỏ niềm vui. Theo ông, việc miễn học phí không chỉ giảm gánh nặng tài chính cho nhiều gia đình mà còn thể hiện tính nhân văn và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thế hệ tương lai trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc miễn học phí sẽ giảm gánh nặng tài chính, từ đó khuyến khích các gia đình sinh đủ 2 con, góp phần bảo đảm nguồn lao động cho Việt Nam đến năm 2045. Với chính sách này, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN miễn học phí từ mầm non đến phổ thông, thể hiện sự đầu tư mạnh mẽ cho tương lai đất nước.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đánh giá chính sách này không chỉ có ý nghĩa về giáo dục mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện chiến lược dân số quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt tỉ lệ sinh thấp ở nhiều đô thị lớn và bước vào giai đoạn già hóa dân số, việc miễn, hỗ trợ học phí sẽ giúp các gia đình yên tâm sinh và nuôi con. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý, phát triển bền vững đất nước.
Bà Nguyễn Thị Lan nhận xét: "Đây là chính sách thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ ta; bảo đảm tính thống nhất trong chính sách công bằng về tiếp cận giáo dục. Chính sách này còn khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục".
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng lo ngại việc miễn học phí ở trường công lập có thể khiến số học sinh từ trường tư chuyển sang tăng mạnh, dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống trường công. Do đó, bà đề nghị bổ sung quy định hoặc giao Chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, biên chế giáo viên, để bảo đảm chất lượng đào tạo thực sự đồng đều.
Theo bà Nguyễn Thị Lan, cần đánh giá kỹ khả năng cân đối ngân sách của địa phương, nhất là các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách. Chính phủ cần tính toán cấp bù để bảo đảm nguồn ngân sách cho các địa phương này, tránh trường hợp chính sách tốt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn đến triển khai chậm trễ hoặc không đồng đều.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi nhấn mạnh đầu tư cho giáo dục là đầu tư quan trọng nhất Ảnh: Phạm Thắng
Tiếp cận giáo dục công bằng, toàn diện
Ông Bùi Hoài Sơn, đại biểu chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của QH, nhìn nhận chính sách miễn, hỗ trợ học phí là bước tiến dài trên hành trình bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục công bằng, toàn diện cho mọi người dân. Chính sách lần này có tính bao trùm cao, mở rộng đối tượng thụ hưởng, xóa bỏ rào cản tài chính cho người học, bảo đảm công bằng giữa trường công và trường tư, giữa đô thị và nông thôn.
"Khi không phải đóng học phí, học sinh phổ thông sẽ có điều kiện tiếp cận tri thức đồng đều hơn, giảm thiểu tình trạng bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh kinh tế, nhất là tại các đô thị lớn - nơi phân tầng thu nhập thường diễn ra sâu sắc" - ông Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.
Song hành chính sách miễn học phí, đại biểu Bùi Hoài Sơn đề xuất QH, Chính phủ cần có cơ chế bảo đảm chất lượng giáo dục. Không chỉ miễn, hỗ trợ học phí, người dân còn kỳ vọng trường lớp tốt hơn, thầy cô yên tâm giảng dạy và nội dung chương trình phù hợp với năng lực học sinh. Bên cạnh đó, cần rà soát việc phân bổ ngân sách theo vùng, tránh tình trạng cào bằng, gây áp lực quá tải lên ngân sách cấp tỉnh và cấp xã.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) quan tâm đến vấn đề công bằng giữa học sinh trường công lập và ngoài công lập, giữa các mô hình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đề xuất, học sinh trường công lập sẽ được miễn toàn bộ học phí, trong khi học sinh trường ngoài công lập được hỗ trợ học phí, với phần kinh phí cấp trực tiếp cho người học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy học phí của trường ngoài công lập thường cao hơn rất nhiều so với trường công lập, do không nhận được sự đầu tư cơ sở vật chất và lương từ ngân sách nhà nước.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, nếu không quy định cụ thể, có thể dẫn đến tình trạng học sinh trường ngoài công lập được hỗ trợ học phí cao hơn mức miễn học phí của học sinh trường công lập. Bà cho rằng cần đặc biệt lưu ý điều này để tránh nghịch lý chính sách và bảo đảm công bằng khi tiếp cận nguồn lực ngân sách. Vì vậy, bà đề nghị quy định rõ nguyên tắc mức học phí hỗ trợ học sinh ngoài công lập không vượt quá mức học phí được miễn tại cơ sở giáo dục công lập tương ứng về cấp học và địa bàn.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) lưu ý miễn học phí không đồng nghĩa với việc học sinh không phải trả các chi phí học tập khác như đồng phục, kỹ năng mềm, bán trú... "Nếu không kiểm soát tốt các khoản thu ngoài học phí, chính sách sẽ giảm hiệu lực thực chất" - bà nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị thiết lập cơ chế kiểm soát minh bạch, có sự giám sát của phụ huynh và HĐND các cấp, tránh tình trạng miễn học phí nhưng tăng thu khác. Cùng với đó, có thể xem xét gói hỗ trợ toàn diện, gồm học phí và một phần chi phí học tập như sách giáo khoa, thiết bị học tập thiết yếu đối với học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn...
Giảm tải mầm non công lập
Dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi cũng đã được các đại biểu thảo luận tại tổ.
Theo phương án của Chính phủ, trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi sẽ được phổ cập giáo dục mầm non, hoàn thành trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030. Chính phủ sẽ đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu; bảo đảm đội ngũ giáo viên mầm non theo định mức quy định; bảo đảm đầy đủ kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Chính phủ sẽ bổ sung, sửa đổi các chính sách đối với trẻ em; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên cấp học mầm non...
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của QH Phan Văn Mãi nhấn mạnh đầu tư cho giáo dục là đầu tư quan trọng nhất. Với Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi, ông cho rằng phải hướng đến việc tiếp cận giáo dục sớm. Giai đoạn 3-5 tuổi là giai đoạn đầu đời rất quan trọng của trẻ, góp phần quyết định chất lượng dân số sau này. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn để có các quy định về tiếp cận giáo dục sớm; về dinh dưỡng nâng cao tầm vóc, thể trạng của trẻ, để cơ sở giáo dục mầm non không đơn thuần là nơi trông giữ trẻ.
Đồng tình với chính sách phổ cập giáo dục mầm non, song đại biểu Lê Thị Song An (Long An) cũng chỉ ra nhiều thách thức trong quá trình thực hiện. Bà dẫn chứng trẻ 3 tuổi đến lớp ở Long An hiện mới đạt 63,51% so với tỉ lệ cả nước là 86,3%. Địa phương này cũng đang thiếu gần 190 giáo viên mầm non, trong khi trường lớp phát triển không đồng đều giữa các khu vực. Việc xã hội hóa giáo dục vẫn gặp nhiều rào cản.
Do đó, bà Lê Thị Song An kiến nghị Bộ GD-ĐT có cơ chế rõ ràng, căn cơ để hỗ trợ và nâng cao chất lượng giáo dục tư thục. Việc này sẽ góp phần giảm tải cho khối công lập, tiết kiệm ngân sách nhà nước và đa dạng hóa loại hình giáo dục.
Hôm nay (23-5), QH thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được QH cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi sắp xếp và nhiều nội dung quan trọng khác.
Thanh tra mà rầm rộ thì mất yếu tố bất ngờ
Thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) vào sáng cùng ngày, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) nhận định dự thảo chưa tạo điều kiện thuận lợi cho thanh tra đột xuất, mà chủ yếu tập trung vào thanh tra theo kế hoạch.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, thanh tra theo kế hoạch thường kém hiệu quả do phải công khai từ đầu năm, được cấp trên phê duyệt và thông báo trước cho các đơn vị chịu thanh tra để chuẩn bị. Điều này làm mất yếu tố bất ngờ, giảm hiệu quả kiểm tra.
Dẫn chứng từ thực tế, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết trong đợt cao điểm truy quét hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại theo chỉ đạo của Chính phủ, nhiều nhà thuốc đã giấu hàng vi phạm và trả lời không kinh doanh thực phẩm chức năng khi đoàn công tác đến kiểm tra. Bà nhấn mạnh thanh tra theo kế hoạch, tổ chức rầm rộ thì rất khó đạt kết quả.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-hoc-phi-dau-tu-cho-tuong-lai-dat-nuoc-196250522223157869.htm