Mitsubishi, Honda và Nissan có tạo nên tập đoàn lớn mạnh?
Nếu thành công, thỏa thuận sáp nhập giữa Honda và Nissan sẽ tạo nên tập đoàn ô tô lớn thứ 3 thế giới về doanh số chỉ sau Toyota và Volkswagen.
Theo Reuters, hai nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản là Honda và Nissan đang đẩy mạnh quá trình đàm phán sáp nhập. Mitsubishi vốn là đồng minh của Nissan cũng sẽ tham gia quá trình này.
Các bên đặt mục tiêu hoàn tất thương vụ vào tháng 6/2025. Sau đó, công ty mẹ sẽ được thành lập và dự kiến ra mắt vào giữa năm 2026.
Việc sáp nhập giữa 3 ông lớn ô tô Nhật Bản sẽ tạo ra tập đoàn ô tô lớn thứ 3 trên thế giới xét về doanh số với hơn 8 triệu xe, chỉ xếp sau Toyota và Volkswagen. Hiện tại, vị trí này thuộc về Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc với doanh số đạt 7,34 triệu xe trong năm 2023.
Một khi thỏa thuận chính thức được công bố, đây sẽ trở thành thương vụ sáp nhập lớn nhất trong ngành ô tô kể từ khi Fiat Chrysler sáp nhập với PSA để tạo ra Stellantis vào năm 2021.
Về cơ cấu của công ty mẹ, Honda với vốn hóa thị trường hơn 40 tỷ USD, lớn gấp 4 lần so với Nissan, sẽ có đa số ghế thành viên trong hội đồng quản trị.
Trong một tuyên bố chung, ba nhà sản xuất ô tô trên đã thông báo rằng vụ sáp nhập tiềm năng này nhằm mục đích “duy trì sức cạnh tranh toàn cầu và cho phép các công ty tiếp tục cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng hơn cho khách hàng trên toàn thế giới”.
Vị này cũng đề cập tới sự vươn lên của những nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cùng nhiều công ty mới nổi. Điều này buộc các nhà sản xuất lâu năm phải hợp sức để cạnh tranh nếu không muốn bị tụt lại.
Cũng theo Reuters, Honda và Nissan sẽ hướng tới mục tiêu đạt doanh số kết hợp là 30 nghìn tỷ yên (191 tỷ USD). Bên cạnh đó là mức lợi nhuận kỳ vọng hơn 3 nghìn tỷ yên thông qua vụ sáp nhập tiềm năng này.
Sau khi sáp nhập, Honda, Nissan và Mitsubishi vẫn sẽ là những thương hiệu riêng biệt. Họ chỉ chia sẻ các nền tảng và hệ truyền động trên các dòng sản phẩm của mình từ xe động cơ đốt trong truyền thống đến xe hybrid và xe điện.
Ba nhà sản xuất cũng sẽ hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu và phát triển, quy trình sản xuất, cũng như tận dụng mạng lưới chuỗi cung ứng tích hợp. Chiến lược này nhằm tối ưu nguồn lực sẵn có, giảm chi phí sản xuất và tăng tính đồng bộ giữa các dòng xe trong tương lai.