Mở đường liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Kiên Giang
Nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, tỉnh Kiên Giang đã có chính sách hỗ trợ nông dân và các tổ chức tham gia thực hiện.
Liên kết tạo chuỗi giá trị
Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL đã mở đường và tạo tiền đề cho các tỉnh, thành trong vùng chuyển đổi sản xuất mạnh mẽ.
Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì sản xuất phải chuyển dịch theo hướng giảm lúa, tăng thủy sản, cây ăn trái. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, tạo chuỗi giá trị.
Kiên Giang có lợi thể để liên kết phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ tôm nuôi nước lợ. Ảnh: Trung Chánh.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực Nghị quyết số 340/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020 – 2025. Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là hơn 72,7 tỷ đồng.
Theo đó, sẽ hỗ trợ xây dựng 75 dự án liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, gồm: thủy sản (tôm nước lợ, cái nuôi lồng bè), cây ăn trái, rau củ quả… Mỗi năm (từ năm 2021-2025) sẽ hỗ trợ xây dựng phát triển cho khoảng 15 dự án, với mức hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/dự án.
Kiên Giang có nhiều lợi thế phát triển nghề nuôi biển thời gian tới. Ảnh: Trung Chánh.
Theo ông Dũng, chính sách này nhằm đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Trong đó, hợp tác xã là nòng cốt nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nâng cao quản lý chất lượng và giá trị sản xuất nông sản. Các mặt hàng nông sản được chọn để phát triển liên kết sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ là sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Cụ thể, chọn sản phẩm chủ lực là thủy sản, cây ăn trái, lúa, rau củ quả và một số sản phẩm đặc thù khác của các địa phương trong tỉnh để hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ. Đồng thời, thành lập mới và huy động trên 50% các hợp tác xã nông nghiệp để tham gia có hiệu quả các chuỗi giá trị nông sản.
Hỗ trợ các hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ gắn với cấp mã vùng trồng và phát triển hệ thống điện tử truy xuất, các hợp tác xã nông nghiệp là đại diện sở hữu các sản phẩm OCOP.
Đa dạng hình thức hỗ trợ
Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng cho biết, có nhiều hình thức để hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất bền vững. Giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân có thể hợp tác, liên kết trong cung ứng vật tư, giống, vốn, phân bón, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết như kho bãi, cơ sở chế biến, hệ thống tưới, tiêu. Liên kết tiêu thụ sản phẩm…
Là tỉnh mạnh về kinh tế biển, Kiên Giang có nhiều lợi thế để xoay trục kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 120. Ảnh: Trung Chánh.
Theo đó, đối với dự án hạ tầng phục vụ cho việc liên kết sẽ được hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, thiết bị, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao tiêu, như: nhà xưởng sơ chế, chế biến, nhà kho bảo quản, bến bãi…
Hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông, cấp mã vùng trồng, vùng nuôi gắn với tư vấn, chứng nhận sản phẩm an toàn, kết hợp xây dựng hệ thống điện tử truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR.
Xây dựng nhãn hiệu tập thể, xây dựng phát triển thương hiệu và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã. Hỗ trợ chi phí để áp dụng các quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi giá trị.
Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững sẽ tạo động lực để các hợp tác xã nông nghiệp phát triển hơn nữa. Ảnh: Trung Chánh.
Đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng quản lý chuỗi và phát triển thị trường, nhất là đạo tạo nghề về nông nghiệp.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ theo chính sách, tỉnh còn tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn từ nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại và quỹ đầu tư phát triển khác.
Liên minh Hợp tác xã Kiên Giang sẽ tư vấn, hỗ trợ hợp tác xã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiệu thụ, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tổ chức và hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại, tham gia giới thiệu sản phẩm, hội chợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra cho nông sản và làm trung gian cầu nối giữa hợp tác xã với doanh nghiệp liên kết.
Trung Chánh – Trọng Linh
Báo Nông Nghiệp