Mô hình liên kết trong chuỗi giá trị của đề án 1 triệu hecta lúa vùng ĐBSCL
Để đạt mục tiêu triển khai trên 200 ngàn hecta lúa chất lượng cao trong năm 2025 và 1 triệu hecta lúa chất lượng cao đến năm 2030, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các địa phương mở rộng mô hình sản xuất bền vững.
Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.
Vừa qua, tại Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo về vai trò và các giải pháp thu hút, vận động nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức tham gia thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Mô hình liên kết trong chuỗi giá trị của đề án 1 triệu hecta vùng ĐBSCL
Tại hội thảo, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã giới thiệu các mô hình hợp tác, liên kết được khuyến khích áp dụng trong Đề án 1 triệu hecta gồm: Mô hình liên kết doanh nghiệp dẫn dắt; Mô hình Hợp tác xã làm trung tâm liên kết và Mô hình chuỗi giá trị mở có sự tham gia của thương lái, tài chính vi mô, dịch vụ phụ trợ khác.
Theo ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, liên kết chuỗi giá trị là giải pháp trọng tâm nhằm tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả và đảm bảo sự tham gia có trách nhiệm của các bên trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Việc xây dựng các mô hình liên kết giúp hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đồng bộ về giống, kỹ thuật, chất lượng, từ đó đáp ứng yêu cầu thị trường và giảm chi phí trung gian. Cùng với đó, liên kết chuỗi còn là điều kiện tiên quyết để tiếp cận tín dụng ưu đãi, truy xuất nguồn gốc, áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững và tham gia vào thị trường tín chỉ carbon trong tương lai.
Ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, điểm mạnh của mô hình liên kết có doanh nghiệp dẫn dắt là có cam kết bao tiêu rõ ràng từ doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo, tạo ra chuỗi sản xuất khép kín từ đầu vào, đến đầu ra. Doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, mô hình này phù hợp ở những vùng đã có doanh nghiệp đầu tư chế biến, xuất khẩu mạnh, các hợp tác xã hoạt động ổn định, có năng lực quản trị, điều phối sản xuất và kinh doanh lúa gạo, các vùng nguyên liệu quy mô trên 100 ha.
Còn đối với mô hình Hợp tác xã làm trung tâm liên kết thì Hợp tác xã lập kế hoạch “sản xuất – tiêu thụ”, ký hợp đồng thương mại với doanh nghiệp đầu ra, điều phối giám sát sản xuất, truy xuất, quản lý chất lượng, thu gom, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ lúa gạo. Trong đó, nông dân, thành viên hợp tác xã canh tác theo hướng dẫn kỹ thuật và những quy định của HTX, ghi nhật ký sản xuất, bàn giao sản phẩm đúng quy định cho HTX. Cùng với đó, doanh nghiệp là đối tác tiêu thụ lúa gạo thông qua hợp đồng, thỏa thuận thương mại với hợp tác xã.

Thu hút, vận động nông dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện Đề án 1 triệu hecta
Ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, để triển khai thực hiện cần tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Cùng với đó, xây dựng các mô hình thí điểm liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị lúa gạo. Đồng thời, hỗ trợ và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, đào tạo nhân lực quản lý hợp tác xã, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2025 là năm quan trọng, đánh dấu giai đoạn kết thúc của giai đoạn đầu Đề án. Vì vậy, để đạt mục tiêu triển khai trên 200 ngàn hecta trong năm 2025 và 1 triệu hecta đến năm 2030, Bộ yêu cầu các địa phương mở rộng mô hình sản xuất bền vững và triển khai đo đạc phát thải theo quy trình MRV đã được ban hành. Cùng với đó, xây dựng bản đồ số hóa diện tích tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo đủ tiêu chí mở rộng trong giai đoạn 2026 - 2030.