'Mở lối' cho bảo tàng tư nhân Việt Nam phát triển

Trong bối cảnh hiện nay, các bảo tàng tư nhân tại Việt Nam có vai trò rất quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực vào công cuộc bảo tồn và phát huy di sản. Nhưng làm thế nào để phát triển bảo tàng tư nhân, giúp lan tỏa những giá trị đẹp đẽ đang là bài toán khó đặt ra cho cả nhà quản lý lẫn người đầu tư.

Thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn cao

Theo thống kê, hiện trên cả nước có gần 200 bảo tàng. Trong số đó, bảo tàng tư nhân chiếm khoảng hơn 50 bảo tàng. Có thể kế đến một số bảo tàng tư nhân nổi tiếng như: Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, bảo tàng gia đình đầu tiên tại Việt Nam, lưu giữ kí ức, kỉ vật của một gia đình giàu truyền thống, giàu tình yêu thương ở Hà Nội; Bảo tàng Nhiếp ảnh làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức), bảo tàng của thôn về nhiếp ảnh đầu tiên tại Việt Nam, lưu giữ gần 200 hiện vật liên quan đến nhiếp ảnh;...

Bên cạnh đó, nhiều bảo tàng tư nhân khác cũng là nơi lui tới của những người yêu nghệ thuật, say mê lịch sử, văn hóa Việt, như Bảo tàng mỹ thuật Sĩ Tốt và gia đình (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì), Bảo tàng nghệ thuật Hồn đất Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), Bảo tàng Bát Tràng, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày (xã Nam Quất, huyện Phú Xuyên)...

PGS.TS Nguyễn Văn Huy cùng với khách tham quan tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

PGS.TS Nguyễn Văn Huy cùng với khách tham quan tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Là người tiên phong trong việc lập bảo tàng tư nhân ở Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết: "Cùng với bảo tàng công lập, sự xuất hiện ngày càng nhiều các bảo tàng tư nhân là điều đáng mừng. Các hiện vật, tư liệu được phát huy hết giá trị phục vụ công chúng, công tác nghiên cứu. Đồng thời, điều này cũng cho thấy, công cuộc lưu giữ những kí ức lịch sử, nét đẹp văn hóa của dân tộc cũng bảo như việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật chất của Việt Nam không chỉ còn là việc làm của Nhà nước mà đã và đang nhận được sự quan tâm rất nhiều từ cộng đồng".

Dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng làm bảo tàng tư nhân là câu chuyện không dễ dàng. Những năm qua, không ít bảo tàng tư nhân mở ra với vốn đầu tư lớn nhưng phải dẹp bỏ với nhiều lý do khác nhau.

Nói về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ: "Một trong những vấn đề lớn khiến cho bảo tàng tư nhân gặp khó khăn trong việc xây dựng và phát triển là hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện. Các quy định trong Luật Di sản văn hóa hiện hành vẫn chưa hỗ trợ đầy đủ cho bảo tàng tư nhân, khiến họ gặp nhiều trở ngại về thủ tục cấp phép, bảo vệ di sản, và vấn đề sở hữu hiện vật. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi về thuế và đất đai chưa thực sự cởi mở. Chi phí thuê đất cao, cộng với việc thiếu các ưu đãi thuế, khiến nhiều chủ bảo tàng tư nhân gặp khó khăn về tài chính.

Cùng với đó, nhân lực cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Do yêu cầu đặc thù trong lĩnh vực bảo tồn và trưng bày, các bảo tàng tư nhân cần nhân sự có chuyên môn cao, nhưng thị trường lao động hiện tại chưa đáp ứng đủ. Việc tuyển dụng, đào tạo để có một đội ngũ có năng lực và am hiểu di sản là thách thức lớn với các bảo tàng tư nhân".

Đông đảo du khách đến tham quan Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Đông đảo du khách đến tham quan Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy: "Hiện nay việc xin cấp phép cho bảo tàng tư nhân hoạt động đã dễ hơn trước rất nhiều, nhưng để duy trì và phát triển được lại là một thách thức lớn với các bảo tàng. Bởi, từ bộ sưu tập tư liệu, hiện vật của cá nhân biến thành một bảo tàng là cả một "bước ngoặt" lớn, nó là sự thay đổi về chất chứ không phải có được một bộ sưu tập phong phú là có thể biến thành một bảo tàng tốt được, là có ngay một trưng bày hấp dẫn. Ngoài ra, bảo tàng hiện nay không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật mà còn là nơi có tính giáo dục rất lớn cho công chúng. Do đó, làm bảo tàng phải dựa trên những tiêu chuẩn nghề nghiệp, hiện vật, tư liệu phải được kiểm kê, phải có tổ chức trưng bày, xây dựng được các câu chuyện cho từng bộ sưu tập để giới thiệu cho du khách. Nhưng, hiện nay, các bảo tàng tư nhân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về chất lượng nguồn nhân lực, nguồn kinh phí để thuê nhân công có chuyên môn bảo tàng, để duy trì hoạt động cũng như truyền thông quảng bá phát triển bảo tàng. Cùng với đó, các bảo tàng tư nhân vẫn chưa nhận được sự quan tâm của ngành du lịch để kết hợp cùng phát triển".

Thành lập một hiệp hội bảo tàng là cần thiết

Qua đó, để giúp bảo tàng tư nhân phát triển và vượt qua những khó khăn hiện tại, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: "Bên cạnh việc các bảo tàng tư nhân phải tự vận động, tìm nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ để duy trì và phát triển thì cũng cần có những quỹ văn hóa hỗ trợ cho các bảo tàng trong đó có bảo tàng tư nhân, các hoạt động bảo tồn di sản. Loại quỹ này rất đa dạng có thể thành lập từ việc huy động các nguồn lực xã hội với tôn chỉ, mục đích, tiêu chí hoạt động rõ ràng, công bằng để các bảo tàng tư nhân dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, các bảo tàng tư nhân cũng cần năng động hơn trong việc liên kết với các doanh nghiệp du lịch lữ hành. Sự kết hợp này sẽ giúp đôi bên cùng có lợi và góp phần tạo ra sản phẩm văn hóa đa dạng, góp phần bồi đắp hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam. Về nội dung các bảo tàng cần thay đổi về cách trưng bày và cung cấp thông tin để thu hút khách".

Không gian Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Không gian Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

"Đặc biệt, cần phải thành lập một hiệp hội bảo tàng. Từ lâu, tôi đã đề xuất thành lập hiệp hội các bảo tàng ở Việt Nam bởi đây là một hội nghề nghiệp mà ở các nước trên thế giới đang hoạt động khá hiệu quả. Nếu có một hiệp hội bảo tàng, bảo tàng nhà nước và bảo tàng tư nhân sẽ cùng chung tay bảo vệ quyền lợi của nhau, giúp nhau trong mọi khía cạnh… thì sẽ tăng được hiệu quả hoạt động của cả hai hệ thống bảo tàng. Nếu chưa có hiệp hội chung thì cũng có thể sớm thành lập hiệp hội các bảo tàng tư nhân " – PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc thành lập một hiệp hội bảo tàng là rất cần thiết và sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hệ thống bảo tàng công lập lẫn tư nhân. Một hiệp hội như vậy sẽ là cầu nối, tạo ra một cộng đồng gắn kết giữa các bảo tàng, giúp họ có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về quản lý, trưng bày, và bảo tồn di sản. Hơn nữa, một hiệp hội bảo tàng có thể đại diện cho các bảo tàng trong việc đưa ra ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước, từ đó thúc đẩy các chính sách hỗ trợ về pháp lý, thuế, và đất đai cho cả bảo tàng công lập và tư nhân. Đây cũng là nơi mà các bảo tàng có thể cùng nhau phát triển những dự án hợp tác chung, tổ chức các triển lãm quy mô lớn, và chia sẻ nguồn lực, tạo ra giá trị lớn hơn cho ngành bảo tàng nói chung.

Không gian Bảo tàng Nhiếp ảnh làng Lai Xá

Không gian Bảo tàng Nhiếp ảnh làng Lai Xá

"Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý là rất cần thiết. Chúng ta cần bổ sung và sửa đổi Luật Di sản văn hóa, tạo điều kiện cho các bảo tàng tư nhân được đối xử bình đẳng như bảo tàng công lập, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm rõ ràng trong quản lý, bảo tồn di sản. Đồng thời, tăng cường các cơ hội hợp tác đối tác công tư cũng là một hướng đi đáng khuyến khích. Thông qua những chương trình hợp tác này, bảo tàng tư nhân sẽ không chỉ phát triển bền vững hơn mà còn góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, nghệ thuật đến gần hơn với cộng đồng" – PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh../.

Thương Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/mo-loi-cho-bao-tang-tu-nhan-viet-nam-phat-trien-20241101152252557.htm