Mở 'Sàn đặc sản địa phương' trên các trang thương mại điện tử
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đang nghiên cứu để triển khai và hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh, các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp ở các địa phương tiếp cận mô hình bán hàng là 'Sàn đặc sản địa phương'.
Mô hình phân phối đặc sản địa phương qua các sàn TMĐT là một giải pháp nằm trong Chương trình ứng dụng TMĐT quốc gia (Go Online) do Cục TMĐT&KTS đầu mối chủ trì, hợp tác với các nền tảng TMĐT lớn, cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương tối ưu quy trình vận hành, quản lý kênh bán hàng để phân phối các sản phẩm đặc sản địa phương mang lại hiệu quả tốt nhất.
Theo đó, khi tham gia mô hình “Sàn đặc sản địa phương”, mỗi địa phương sẽ được thiết lập một gian hàng đặc sản trên các sàn TMĐT lớn, trong đó sẽ tập trung tất cả doanh nghiệp sản xuất và các sản phẩm của tỉnh để thuận tiện cho việc quản lý, điều phối, vận hành và phân phối sản phẩm trên các sàn TMĐT.
Theo Cục TMĐT&KTS, việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT đối với các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp hiện còn khiêm tốn và không thực sự mang lại giá trị như mong muốn.
Hầu hết các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh nông sản còn thiếu nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing...
Bên cạnh đó, chi phí quản lý bán hàng quá cao từ 25% đến 45% cũng khiến doanh nghiệp ngần ngại khi tham gia các sàn TMĐT. Ngoài ra, vấn đề kho hàng, bảo quản sản phẩm, về quá trình vận chuyển sản phẩm từ các địa phương đến tay người tiêu dùng cũng là băn khoăn của các doanh nghiệp, HTX khi hướng tới kênh phân phối TMĐT.
Thời gian tới, Cục TMĐT&KTS dự kiến sẽ triển khai “Sàn đặc sản địa phương” trên các sàn TMĐT là: Tiki, Lazada, Shopee và tập huấn cho các HTX, doanh nghiệp…