Môi bị co giật khi nào thì nguy hiểm?

Môi bị co giật có thể do các nguyên nhân không đáng lo ngại như uống quá nhiều caffeine nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng.

Co giật môi là sự co cơ không tự nguyện gây ra bởi sự gián đoạn tạm thời của hệ thần kinh trung ương hoặc các dây thần kinh cụ thể. Có nhiều tình trạng có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh phục vụ các cơ môi, chẳng hạn như dây thần kinh sọ số 7, dây thần kinh sọ số 5. Vậy môi bị co giật do đâu? Môi tê tê giật giật khi nào nguy hiểm?

Môi bị co giật là do đâu?

Co giật môi có thể do nhiều nguyên nhân, từ không đáng lo ngại đến nghiêm trọng:

1. Dư thừa caffeine

Caffeine có trong cà phê, trà, nước ngọt, sô cô la và các loại thực phẩm và đồ uống khác. Nếu tiêu thụ quá nhiều caffeine thì có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc caffeine, các triệu chứng bao gồm dễ cáu kỉnh, lo lắng, căng thẳng và run rẩy, môi co giật.

Uống nhiều caffeine cũng có thể gây mất nước, từ đó dẫn đến tình trạng co giật cơ mặt, bao gồm cả môi.

Cách tốt nhất để điều trị chứng co giật do caffeine là cắt giảm các thực phẩm chứa caffeine, bao gồm trà xanh, soda, đồ uống tăng lực và ca cao. Bạn cũng nên giữ đủ nước bằng cách uống nhiều nước lọc.

Uống bao nhiêu cà phê là quá nhiều?

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), lượng caffeine nên được giới hạn ở mức 400 miligam mỗi ngày. Điều này tương đương với 5 tách cà phê, 4 lon nước tăng lực hoặc 10 lon soda.

Lượng caffeine nên được giới hạn ở mức 400 miligam mỗi ngày (Ảnh: ST)

Lượng caffeine nên được giới hạn ở mức 400 miligam mỗi ngày (Ảnh: ST)

2. Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có thể khiến các cơ trên khuôn mặt của bạn co giật không kiểm soát được. Thuốc corticosteroid (steroid) là nguyên nhân phổ biến gây ra co giật cơ.

Một số loại thuốc có thể khiến môi bị co giật:

- Thuốc điều trị bệnh cơ, chẳng hạn như neostigmine

- Thuốc điều trị chứng tê liệt ngắn hạn, chẳng hạn như succinylcholine

- Thuốc điều trị bệnh tâm thần, chẳng hạn như nortriptyline hoặc lithium

- Thuốc phòng ngừa chứng đau nửa đầu như flunarizine

- Một số loại kháng sinh, chẳng hạn như isoniazid

Nếu trong thời gian sử dụng thuốc và thấy co giật môi bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ xem có loại thuốc thay thế nào bạn có thể sử dụng không. Điều này rất quan trọng vì một số loại thuốc có thể gây co giật vĩnh viễn sau khi sử dụng lâu dài, bao gồm một số loại thuốc chống loạn thần.

3. Thiếu kali

Kali là một khoáng chất đóng vai trò như chất điện giải trong cơ thể. Chất điện giải cần thiết cho tín hiệu thần kinh mà não sử dụng để giao tiếp với các bộ phận khác của cơ thể. Nếu một người không có đủ kali, hệ thống truyền tin này có thể bị gián đoạn, dẫn đến co thắt cơ và co giật, chẳng hạn như co giật môi.

Có thể dùng thuốc bổ sung kali để khắc phục tình trạng thiếu kali, nhưng bạn cũng có thể tăng cường lượng kali bằng các thực phẩm như sữa bò, đậu, khoai tây, rau bina và bí đỏ.

4. Bệnh thần kinh do rượu

Sử dụng nhiều rượu có thể gây tổn thương các dây thần kinh trên khắp cơ thể, dẫn đến bệnh thần kinh do rượu. Điều này là do sự phá hủy dần dần lớp phủ bảo vệ của các tế bào thần kinh, được gọi là myelin.

Tổn thương không chỉ khiến môi bị co giật hoặc co giật mí mắt mà còn gây cảm giác nóng rát, ngứa ran hoặc kim châm ở tay hoặc chân.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh thần kinh do rượu là cai rượu vì tình trạng này thường chỉ xảy ra sau nhiều năm uống rượu và nghiện rượu.

Sử dụng nhiều rượu có thể gây tổn thương các dây thần kinh trên khắp cơ thể (Ảnh: ST)

Sử dụng nhiều rượu có thể gây tổn thương các dây thần kinh trên khắp cơ thể (Ảnh: ST)

5. Rối loạn căng thẳng và tâm trạng

Bị căng thẳng quá mức có thể dẫn đến co thắt cơ hoặc co giật khắp cơ thể, bao gồm cả mặt và môi. Loại co giật này được gọi là tâm lý.

Nếu bạn đang phải chịu mức độ căng thẳng cao, môi bị co giật có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần nghỉ ngơi hoặc thực hiện một số hoạt động giải tỏa căng thẳng như:

- Thiền định

- Yoga

- Bài tập thở sâu

6. Liệt mặt

Liệt mặt hay liệt dây thần kinh số VII là tình trạng khiến các cơ ở mặt trở nên yếu hoặc tê liệt. Môi bị co giật là một đặc điểm có thể xảy ra, thường đi kèm với các triệu chứng khác như sụp mí mắt.

Nguyên nhân chính xác gây ra chứng liệt dây thần kinh số VII vẫn chưa được biết rõ nhưng người ta cho rằng nó có liên quan đến sự tái hoạt động của các loại virus như herpes simplex hoặc thủy đậu.

Không có phương pháp điều trị cụ thể nào cho bệnh liệt dây thần kinh số VII, nhưng các loại thuốc corticosteroid như prednisone hoặc thuốc kháng vi-rút như Zovirax (acyclovir) đã được sử dụng với mức độ thành công khác nhau.

7. Co giật nửa mặt

Co giật nửa mặt là những cơn co thắt cơ thường chỉ xảy ra ở một bên mặt. Nếu cơn co thắt ở gần miệng, môi có thể khiến môi bị co giật. Cơn co thắt thường là kết quả của sự chèn ép dây thần kinh mặt bởi khối u hoặc động mạch.

Tiêm Botox (độc tố botulinum A) một vài mũi nhỏ gần dây thần kinh mặt là phương pháp tiếp cận đầu tiên đối với chứng co thắt nửa mặt. Trong những trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật có thể được sử dụng để làm giảm hoặc giảm sự chèn ép của dây thần kinh mặt.

8. Từng bị chấn thương ở dây thần kinh mặt

Một số chấn thương vào dây thần kinh mặt có thể khiến môi bị co giật sau đó. Chấn thương đầu cũng có thể ảnh hưởng đến thân não, nơi truyền tín hiệu thần kinh đến dây thần kinh mặt.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, một thủ thuật phẫu thuật gọi là ghép thần kinh có thể được sử dụng để loại bỏ phần bị tổn thương của dây thần kinh mặt và thay thế bằng các mô thần kinh lấy từ một phần khác của cơ thể. Đây là một hình thức phẫu thuật vi phẫu rất phức tạp chỉ dành cho những trường hợp cực đoan nhất.

9. Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS)

Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) là một rối loạn di truyền tấn công các tế bào thần kinh vận động kiểm soát các chuyển động của cơ. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 55 đến 75, phổ biến hơn ở nam giới so với nữ giới. Với ALS, co giật có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khuôn mặt, bao gồm cả môi.

Không có cách chữa khỏi bệnh ALS, nhưng các loại thuốc như Radicava (edaravone), Rilutek (riluzole), Relyvrio (natri phenylbutyrate/taurursodiol) và Qalsody (tofersen) có thể giúp làm giảm các triệu chứng và có khả năng làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

10. Hội chứng Tourette

Hội chứng Tourette là một rối loạn vận động khiến một người phát ra âm thanh hoặc chuyển động lặp đi lặp lại và không kiểm soát được. Các chuyển động không tự nguyện được gọi là "tics" và có thể khiến môi bị co giật, nhăn mặt hoặc mím môi.

Nguyên nhân gây ra hội chứng Tourette vẫn chưa được biết rõ nhưng người ta cho rằng nó liên quan đến yếu tố di truyền kết hợp với các yếu tố môi trường như biến chứng khi mang thai, hút thuốc trong thời kỳ mang thai và nhiễm trùng ở trẻ em.

Không có cách chữa khỏi hội chứng Tourette, nhưng có thể sử dụng các loại thuốc như thuốc chẹn dopamine, thuốc chủ vận alpha-adrenergic và thuốc chống trầm cảm.

Hội chứng Tourette khiến một người có những chuyển động lặp đi lặp lại và không kiểm soát được (Ảnh: ST)

Hội chứng Tourette khiến một người có những chuyển động lặp đi lặp lại và không kiểm soát được (Ảnh: ST)

11. Bệnh parkinson

Bệnh Parkinson là một rối loạn thoái hóa thần kinh tiến triển của não ảnh hưởng đến chức năng vận động cũng như tiêu hóa, nhịp tim, huyết áp và các chức năng khác của cơ thể. Các triệu chứng bao gồm run, cứng cơ và khó khăn trong vận động, giữ thăng bằng và phối hợp. Một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh Parkinson là run ở môi dưới, môi bị co giật.

Không có cách chữa khỏi bệnh Parkinson nhưng có nhiều loại thuốc có thể làm giảm các triệu chứng và làm chậm quá trình suy giảm, bao gồm levodopa, thuốc ức chế dopamine và thuốc kháng cholinergic. Ngoài ra còn có các ca phẫu thuật, bao gồm kích thích não sâu (DBS) có thể giúp ích.

12. Suy tuyến cận giáp

Suy tuyến cận giáp là một rối loạn hormone gây ra khi tuyến cận giáp sản xuất quá ít hormone tuyến cận giáp. Cơ thể cần hormone tuyến cận giáp để lưu trữ và giải phóng canxi. Nếu mức độ thấp, mức canxi có thể giảm mạnh và mức phốt pho có thể tăng vọt.

Sự mất cân bằng này dẫn đến tình trạng ngứa ran hoặc tê ở ngón chân, ngón tay và môi cũng như co giật các cơ mặt.

Điều trị suy tuyến cận giáp thường bao gồm bổ sung canxi và vitamin D để khôi phục sự cân bằng. Bạn cũng có thể bổ sung canxi và vitamin D từ các loại thực phẩm như cá, rau lá xanh đậm, sữa, hạnh nhân và yến mạch. Các lựa chọn điều trị theo toa bao gồm Yorvipath (palopegteriparatide). Yorvipath là phương pháp điều trị đầu tiên và duy nhất được FDA chấp thuận cho người lớn mắc tình trạng này.

Trên đây là những nguyên nhân khiến môi bị co giật. Nếu tình trạng này không thuyên giảm và các nguyên nhân bạn nghi ngờ đều không đúng, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị kịp thời.

Nguồn: Verywellhealth

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/moi-bi-co-giat-khi-nao-thi-nguy-hiem-2025022115202996.htm