Mới gặp đã xa

Anh Nguyễn Viết Khi sinh 1944 tại Gia Thanh - Gia Viễn - Ninh Bình. Nhập ngũ 1965, vào C10D15E284 pháo phòng không. Người nhỏ gọn, nhanh nhẹn, tính tình luôn vui vẻ với mọi người. Mới đầu anh được phân công làm chiến sĩ thông tin ở bộ phận chỉ huy.

Khi đã thuần thục nhiệm vụ của mình, anh mong muốn tìm hiểu, sử dụng được cả máy đo xa. Với đức tính luôn cầu thị, có thời gian anh lại đến học thao tác các pháo thủ trên mâm pháo. Vì vậy, lúc có mục tiêu địch bay vào, đơn vị báo động anh có thể tham gia thay thế các chiến sĩ, chiến đấu được ngay.

“En Khi” là tên gọi chệch đi của chúng tôi bởi hàng ngày trân trọng yêu quý anh. Không ngờ, lúc ở với các bản của nước Lào, các cô gái và mọi người Lào đều gọi anh như vậy. Thành ra, hai từ “En Khi” được anh em gọi suốt chặng đường dài, chiế đấu, công tác với anh.

Tác giả CCB Đặng Sỹ Ngọc

Tác giả CCB Đặng Sỹ Ngọc

Năm 1968, tôi mới được bổ sung vào đơn vị của anh. Cấp trên giao cho tôi làm quản lý đại đội. Lúc anh cũng được phân công làm tiểu đội trưởng nuôi quân, vừa là tổ trưởng đảng của bộ phận hậu cần. Sau này tôi được bổ nhiệm làm đại đội phó cũng luôn gần gũi với anh. Ở chiến trường ngày đêm chiến đấu căng thẳng, ác liệt, lúc nào anh cũng muốn có tôi bên cạnh.

Năm 1969, đơn vị cơ động sang hợp tác với bộ đội Lào chống Mỹ tại bản Sàng, huyện Lằng Khằng của tỉnh Khăm Muộn (Lào). Trận địa đóng quân trên các đồi núi để bảo vệ giao thông. Bộ phận hậu cần phải ở hang Lèn với nhân dân Lào nơi có nước sạch và bảo đảm an toàn. Hàng ngày, tôi cũng phải gánh cơm nước giúp anh nuôi xa 4 - 5 km, qua những nơi kẻ địch thường thả bom mìn nhanh chậm đầy nguy hiểm nhưng lại được ở với nhân dân Lào. Bà con vui vẻ tạo cho chúng tôi được học tiếng nhau và trao đổi để có thực phẩm tươi cho bộ đội sử dụng. Thấy anh vui nhộn, các cô gái, các cháu thiếu nhi của Lào cũng muốn vui vầy bên anh khi đã quen.

Một lần tôi và anh được lệnh trở lại ngụy trang trận địa cũ. Công việc vừa xong, về đến đoạn đường bụi ngập đến ống chân, chúng tôi bị một máy bay trinh sát OV10 phát hiện. Vốn quen biết với các tình huống này. Chúng tôi bình tĩnh chui vào một chiếc hầm, trong hầm đã có một con trăn khổng lồ chiếm chỗ, cuộn tròn như một chiếc cối xay ngóc đầu, lè lưỡi nhìn. Anh em vội chạy ra một hang đá nhỏ gần đó. Cùng lúc bọn giặc trời điên cuồng quần đảo bắn phá.

Chờ yên tĩnh, En Khi bảo tôi trở lại “thăm” con trăn ban nãy. Thì ra trăn cũng chẳng sợ bom đạn, nó vẫn nằm im tại chỗ. Chúng tôi lăn đá lấp một cửa hầm, còn một cửa thì chất cành khô, cỏ khô châm lửa đốt. Lửa bốc cháy ngùn ngụt, trăn chui ra cửa hầm. Tôi nổ súng AK nhằm thẳng đầu trăn bắn 2 phát. Trăn quằn quại mãi và khó khăn lắm anh em chúng tôi mới đưa được trăn vào bao tải, sau đó sửa lại hầm, tìm cành khô khiêng trăn về. Cả đơn vị được một bữa ăn tươi.

Anh em đang đi thì gặp 4 đồng chí công binh của nước bạn ngược chiều, họ hỏi bằng tiếng Việt:

- Các đồng chí vừa bắn súng báo hiệu tắc đường phải không?

Nhận ra điều không hay, tôi chỉ vào chiếc bao đựng trăn đang chảy máu ròng ròng giải thích:

- Tôi bắn vào “tên” này, chứ đường không tắc.

Mọi người nghiêm mặt nhìn làm hai chúng tôi cùng cảm thấy lo lắng. Sau đó tôi và Khi bị cấp trên phê bình do chủ quan, khinh địch, lại bắn 2 phát súng báo hiệu tắc đường, sai quy định.

Đầu năm 1972, đơn vị được lệnh về nước nhận nhiệm vụ mới ở Quảng Trị, tôi phải ở lại bàn giao kho hàng cho bạn nên về sau. Sốt rét đã làm sức khỏe tôi giảm sút nghiêm trọng. Bom mìn vẫn nổ đùng đoàng trong mưa gió, đầy nguy hiểm dọc đường. Lúc đuổi kịp đơn vị trên đèo Đá Đẽo, En Khi chạy đến ôm choàng lấy tôi, chỉ vào trán tôi nói: “Vẫn còn cái “gáo” này là mừng rồi”. Nét mặt Khi đang tươi vui chợt buồn hẳn. Tôi chột dạ hỏi “Có việc gì vậy?”. Anh nói “Mình được tin từ Ban cán bộ Trung đoàn là họ sẽ cho Ngọc đi đào tạo! Không được ở với Ngọc nữa, buồn lắm”. Tôi cũng thấy bùi ngùi, nhưng rồi chiến dịch lại cuốn tôi và Khi cùng vào Quảng Trị.

Trong một trận đánh tại Thành cổ, tôi bị thương nặng nên đành phải xa đơn vị và từ đó cũng chẳng biết ai còn, ai mất. Mãi đến đầu năm 2002 tôi đến xã Gia Thanh- Gia Viễn - Ninh Bình để hỏi tìm En Khi. Được bà con ở đây cho biết: Khi vẫn còn sống, anh rời quân đội với quân hàm Trung úy sau đó đưa cả vợ con vào Tây Nguyên. Có được địa chỉ, tôi biên thư cho anh ngay (lúc ấy cả gia đình tôi và anh vẫn chưa có máy điện thoại để liên lạc). Anh liên tục viết thư cho tôi, có tuần 2 lá.

Năm 2003, anh từ Lâm Đồng ra Hà Nội gặp mặt truyền thống đơn vị theo sự thông báo của Trưởng ban liên lạc trên Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Chúng tôi vui mừng được gặp lại nhau sau hơn 30 năm xa cách. Dù tóc đã điểm bạc, nhưng anh vẫn nhanh nhẹn, vui nhộn như những tháng năm quân ngũ. Chúng tôi xúc động ôm nhau rồi cùng hát vang các bài ca truyền thống, kể cho nhau nghe chuyện gia đình, chuyện đi tìm hài cốt đồng đội... Từ đó, cứ hai năm một lần, vào ngày thành lập đơn vị (18-2), Khi lại vượt hàng nghìn cây số để ra gặp mặt cùng chúng tôi tại Hà Nội.

Lần gặp mặt năm 2012, trước lúc điểm danh, Trưởng Ban liên lạc thông báo: “Năm nay, chúng ta đã không còn sự có mặt của đồng chí Nguyễn Viết Khi. Anh qua đời do tai nạn giao thông tại Lâm Đồng...”. Nghe tin, ai nấy đều bùi ngùi tiếc thương người đồng đội từng một thời vào sinh ra tử...

Năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức gặp mặt đồng đội tại hà nội giữa tháng sáu này.nhớ

tới anh chắc anh em lại bùi ngùi xao xuyến.

Đ.S.N

Trái tim người lính

Đặng Sỹ Ngọc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/moi-gap-da-xa-a25207.html