Mối nguy hại khôn lường từ tư tưởng xét lại lịch sử

Trên thực tế, đa số các quan điểm xét lại, phủ nhận lịch sử đều xuất phát từ những thế lực chống đối, thành phần bất mãn chính trị và cơ hội chính trị. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về tính nghiêm trọng của vấn đề, thiếu cảnh giác, vô hình trung đã để cho các quan điểm, tư tưởng xét lại lịch sử lan truyền trong đời sống xã hội, từ đó gây ra nhiều hệ lụy.

1. “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Lời căn dặn năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của lịch sử đối với sự tồn vong của đất nước. Lịch sử là tập hợp những sự kiện đã xảy ra, hàm chứa nhiều bài học sâu sắc trong tiến trình vận động và phát triển của cả một dân tộc. Vì lẽ đó, lịch sử không bao giờ chỉ đơn thuần là câu chuyện trong quá khứ mà còn là mối dây liên kết bền chặt giữa các thế hệ, đúc kết kinh nghiệm của cha ông để kiến tạo con đường phát triển cho hôm nay và mai sau.

Đất nước Việt Nam có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước đáng tự hào. Nhân dân Việt Nam có truyền thống trọng đạo nghĩa, luôn ghi nhớ công lao của các thế hệ đi trước, giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp được tích lũy xuyên suốt chiều dài lịch sử. Nhận thức được điều đó, kể từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng lịch sử truyền thống dân tộc, coi đó là nguồn lực nội sinh, kết hợp với ánh sáng soi đường của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để lãnh đạo đất nước đi qua bao cuộc “thử lửa” của thời đại, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.

 Ảnh minh họa: VOV

Ảnh minh họa: VOV

Việc tìm hiểu, khai thác giá trị lịch sử có mối quan hệ khăng khít với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang thực hiện. Có lẽ vì thế mà lịch sử cũng trở thành một nội dung chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị với nhiều thủ đoạn tinh vi, nham hiểm.

2. Trong đời sống xã hội ở nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm sai trái, tư tưởng lệch lạc nhằm cắt đứt con đường tìm về với ngọn nguồn lịch sử, tiếp sức cho những mưu đồ phá hoại thâm độc.

Thứ nhất, những quan điểm, tư tưởng xét lại về vai trò của lịch sử, gạt bỏ sức ảnh hưởng của lịch sử khỏi đời sống xã hội dần làm phai nhạt lòng yêu nước, ý chí cách mạng, bản sắc văn hóa dân tộc trong quần chúng nhân dân. Những người theo tư tưởng này cho rằng lịch sử không có nhiều ý nghĩa trong điều kiện nền kinh tế thị trường và cách mạng khoa học-công nghệ, do đó cần giảm bớt sự quan tâm đến lịch sử để tập trung cho các lĩnh vực khác, đồng thời giảm bớt hoặc bỏ môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục ở các cấp học.

Quan điểm sai trái này đánh vào tâm lý thực dụng của một bộ phận quần chúng, nhất là đối tượng thanh thiếu niên vì họ tuy có sự năng động, nhiệt huyết nhưng chưa có bản lĩnh vững vàng, thường gặp khó khăn trong việc tiếp thu giá trị sâu sắc của bài học lịch sử. Quan điểm phủ nhận vai trò của lịch sử rất phổ biến trên không gian mạng với hình thức chủ yếu là những bài viết mang tính định hướng dư luận, kích động tâm lý đám đông. Tư tưởng phủ nhận vai trò của lịch sử vẫn rất nguy hiểm, đánh trực diện vào tư duy của nhiều người trẻ-thế hệ tương lai của đất nước, khiến họ lãng quên lịch sử dân tộc, vô cảm với vận mệnh quốc gia, lâu dài sẽ dẫn tới nguy cơ đánh mất độc lập, tự chủ, phụ thuộc vào kẻ khác.

Thứ hai, các quan điểm xuyên tạc, xét lại lịch sử đến từ nhiều loại đối tượng khác nhau, chủ yếu từ các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Thủ đoạn quen thuộc của các đối tượng xuyên tạc lịch sử là viết sách, viết báo, đăng tải bài viết dưới danh nghĩa “công trình nghiên cứu” để đưa số liệu, thông tin sai trái, đổi trắng thay đen, xuyên tạc trắng trợn những sự kiện lịch sử đã xảy ra; xoáy sâu vào một vài hạn chế của cách mạng Việt Nam trong những thời kỳ trước đây. Các đối tượng tập trung vào những sự kiện từ năm 1945 trở về sau vì đây là quãng thời gian Đảng ta nắm quyền lãnh đạo công cuộc kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu của thủ đoạn xuyên tạc lịch sử là nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng.

Bên cạnh thủ đoạn xuyên tạc lịch sử, các đối tượng chống phá còn sử dụng một chiêu bài tinh vi hơn, đó là xét lại lịch sử. Hoạt động xét lại lịch sử có phạm vi rộng hơn, không chỉ hướng đến các sự kiện trong lịch sử hiện đại mà còn nhắm vào các thời kỳ lịch sử trung đại, cận đại. Thay vì trực tiếp xuyên tạc, các đối tượng theo khuynh hướng xét lại lịch sử đi sâu vào phân tích, lật lại những vấn đề chưa rõ ràng, tính chính nghĩa của các nhân vật lịch sử và tính đúng đắn của sự kiện lịch sử; đặt ra giả thuyết để tạo sự nghi ngờ ở người đọc, người nghe đối với nguồn lịch sử chính thống; ca ngợi phồn vinh giả tạo của chế độ ngụy quyền để khơi gợi tư duy xét lại, phủ định sự nghiệp đấu tranh cách mạng; tạo ra sản phẩm giải trí, sáng tác văn học-nghệ thuật mượn chất liệu lịch sử để cài cắm thông điệp với dụng ý xấu. Hoạt động xét lại lịch sử có mục đích chính là phủ nhận quan điểm lịch sử chính thống đã được Đảng, Nhà nước ta công nhận và cũng không nằm ngoài mục đích chống phá Đảng, cách mạng và chế độ ta.

3. Bảo vệ giá trị, tầm quan trọng của lịch sử, bảo vệ sự thật lịch sử là bộ phận không thể tách rời trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Để ngăn chặn những hậu quả nguy hại đến từ xu hướng xét lại lịch sử, trước hết cần sớm thống nhất những nội dung về lịch sử trong tài liệu được sử dụng ở các cấp học. Phải nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục-đào tạo; không được phép hoài nghi về tầm quan trọng của lịch sử. Nội dung học tập cần có sự chọn lọc, bảo đảm cho người học nắm được sự kiện lịch sử và bài học lịch sử, đồng thời đáp ứng những yêu cầu về văn hóa, chính trị, ngoại giao, công tác dân tộc, tôn giáo trên cơ sở lợi ích quốc gia và duy trì, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Việc biên soạn, phát hành tài liệu lịch sử, sản phẩm giải trí, sáng tác văn học-nghệ thuật mượn chất liệu lịch sử phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và thường xuyên được kiểm tra, giám sát. Cho phổ biến rộng rãi những nguồn sử liệu chính thống đã được công nhận để sử dụng trong nghiên cứu khoa học. Với những vấn đề, sự kiện lịch sử chưa rõ ràng, cần tập trung đầu tư, huy động nguồn nhân lực, vật lực để nghiên cứu một cách căn cơ, thuyết phục, hiệu quả.

Trong tình hình hiện nay, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đấu tranh với các quan điểm xét lại lịch sử. Trước hết, chú trọng vào học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà nền tảng là quan điểm duy vật biện chứng, duy vật lịch sử vì đây là nguồn cung cấp thế giới quan, phương pháp luận chính xác khi nghiên cứu khoa học, là vũ khí để đấu tranh với những luận điệu đòi xét lại lịch sử. Bản thân cán bộ, đảng viên khi tiến hành đấu tranh cũng phải nắm được sự thật lịch sử, các bài học lịch sử để vô hiệu hóa những quan điểm thù địch, chống phá trên lĩnh vực này; phải lấy tinh thần bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, lợi ích giai cấp, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm định hướng khi tiến hành đấu tranh. Việc đấu tranh bảo vệ giá trị của lịch sử phải tuân thủ, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần sớm phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý phù hợp, thích đáng đối với những chủ thể có hành vi xuyên tạc, xét lại lịch sử. Trên thực tế, đa số các quan điểm xét lại, phủ nhận lịch sử đều xuất phát từ những thế lực chống đối, thành phần bất mãn chính trị và cơ hội chính trị. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về tính nghiêm trọng của vấn đề, thiếu cảnh giác, vô hình trung đã để cho các quan điểm xét lại lịch sử lan truyền trong đời sống xã hội. Do đó, thời gian tới, cần bảo đảm nghiêm túc, thực chất hơn nữa trong công tác đấu tranh, nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này để bảo vệ lịch sử chân chính, bảo vệ thành quả cách mạng mà các thế hệ cha anh đi trước đã phải hy sinh biết bao xương máu để có được nền độc lập, tự do cho Tổ quốc hiện nay.

TRẦN NHẬT CƯỜNG

Theo Báo Quân đội nhân dân Điện tử

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/moi-nguy-hai-khon-luong-tu-tu-tuong-xet-lai-lich-su-211836.html