Một doanh nghiệp niêm yết sắp nhận 800 tỷ đồng cổ tức từ Techcombank

Chủ đề chia cổ tức ở các ngân hàng luôn được giới đầu tư quan tâm. Đặc biệt năm 2024, nhiều nhà băng hào phóng trả cổ tức tiền mặt thay vì cổ phiếu như mọi năm.

Mặc dù nền kinh tế tiếp tục đối diện với những khó khăn, thách thức nhất định, tuy nhiên ngành ngân hàng thời gian qua vẫn ăn nên làm ra với khoản lợi nhuận bình quân công bố lên tới vài nghìn tỷ đồng.

Để chia sẻ niềm hân hoan đó tới các cổ đông trung thành và gắn bó, nhiều ngân hàng đã mạnh tay thực hiện "cơn mưa" cổ tức bằng tiền, chẳng hạn như Ngân hàng SHB chốt tỷ lệ cổ tức ở mức 16%, bao gồm 11% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt (khoảng 1.800 tỷ đồng); Ngân hàng TPBank là 25% bao gồm 20% bằng cổ phiếu và 5% tiền mặt; Ngân hàng ACB thống nhất sử dụng gần 4.000 tỷ đồng nhằm cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%; Ngân hàng VPBank cũng chốt mức chia 10% tiền mặt cho đợt cổ tức sắp tới (gần 8.000 tỷ đồng)...

Với tỷ lệ lên tới 15% tiền mặt, có thể nói Techcombank đang là ngân hàng có độ "chịu chi" dẫn đầu cho các cổ đông, mà ở đây, người vui mừng nhất chính là Tập đoàn Masan của đại gia Nguyễn Đăng Quang - tổ chức đang nắm giữ hơn 524 triệu cổ phiếu TCB tương đương 14,88% vốn điều lệ. (Ảnh minh họa)

Với tỷ lệ lên tới 15% tiền mặt, có thể nói Techcombank đang là ngân hàng có độ "chịu chi" dẫn đầu cho các cổ đông, mà ở đây, người vui mừng nhất chính là Tập đoàn Masan của đại gia Nguyễn Đăng Quang - tổ chức đang nắm giữ hơn 524 triệu cổ phiếu TCB tương đương 14,88% vốn điều lệ. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý tại Ngân hàng Techcombank, mới đây đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, tương ứng 1 cổ phiếu cổ đông nhận 1.500 đồng, tương đương gần 5.300 tỷ đồng. Ngày thanh toán cổ tức là 5/6/2024. Đây là sự kiện mang tính cột mốc, là lần chi trả cổ tức đầu tiên sau 10 năm liên tiếp Techcombank giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư hoạt động kinh doanh.

Tổng giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner cho biết, việc thay đổi chính sách chi trả cổ tức dựa trên đánh giá về tiềm năng lợi nhuận, tình hình vốn và những dự báo về thay đổi chính sách. Ngân hàng có thể thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, đồng thời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận 20% mỗi năm cũng như các tỷ lệ an toàn như chiến lược đề ra.

Chia sẻ về đợt cổ tức đầu tiên sau 10 năm, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank Hồ Hùng Anh, với vốn chủ sở hữu đứng hàng đầu trong số các ngân hàng Việt Nam hiện nay, điều đó cho phép Techcombank chia cổ tức bằng tiền mặt nhưng vẫn đảm bảo được các chỉ số an toàn.

"Tôi hy vọng việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay sẽ bắt đầu cho những năm sau đó chúng ta có thể đạt được các chỉ tiêu về tăng trưởng", ông Hồ Hùng Anh nói với các cổ đông.

Với tỷ lệ lên tới 15% tiền mặt, có thể nói Techcombank đang là ngân hàng có độ "chịu chi" dẫn đầu cho các cổ đông, mà ở đây, người vui mừng nhất chính là Tập đoàn Masan của đại gia Nguyễn Đăng Quang - tổ chức đang nắm giữ hơn 524 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 14,88% vốn điều lệ. Doanh nhân Nguyễn Đăng Quang cũng đang là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank.

Dự kiến, số tiền cổ tức Tập đoàn Masan được nhận là gần 800 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, xấp xỉ 42% tổng lợi nhuận sau thuế tập đoàn làm ra được trong năm 2023 (1.869 tỷ đồng).

Bên cạnh Masan, một số cá nhân khác cũng sở hữu lượng lớn cổ phiếu TCB, tính đến ngày 31/12/2023, bao gồm bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (vợ ông Hùng Anh - 174 triệu cổ phiếu), anh Hồ Anh Minh (con trai ông Hùng Anh - 172 triệu cổ phiếu), chị Hồ Thủy Anh (con gái ông Hùng Anh - 172 triệu cổ phiếu), bà Nguyễn Thị Phương Hoa (vợ Phó Chủ tịch Techcombank Nguyễn Cảnh Sơn - 76 triệu cổ phiếu)... Ước tính, nhóm nhân vật liên quan đến "sếp" Techcombank cũng sẽ "thu hoạch" gần nghìn tỷ đồng cổ tức trong tháng 6 tới, dựa vào tỷ lệ sở hữu không nhỏ tại ngân hàng.

Nói thêm về Tập đoàn Masan, tiền thân của đế chế ngành hàng tiêu dùng Việt Nam là một nhà máy sản xuất mỳ gói nhỏ tại Nga do ông Nguyễn Đăng Quang thành lập vào năm 1990. Đến năm 2001, khi đưa thương hiệu Masan Food về nước, đánh dấu sự xuất hiện của thương hiệu Masan trên thị trường Việt.

Tháng 11/2004, Công ty Cổ phần Hàng Hải Masan (MSC) chính thức được thành lập với số vốn điều lệ ban đầu là 3,2 tỷ đồng. Đến tháng 7/2009, MSC được chuyển giao toàn bộ cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan và tăng số vốn từ 32 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng.

Tháng 8/2009, Tập đoàn Masan tăng vốn "thần tốc" từ 100 tỷ đồng lên 3.783 tỷ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ cho các cổ đông hiện hữu và thành viên tập đoàn. Cũng kể từ đó, Tập đoàn Masan nắm giữ 19,99% cổ phiếu Techcombank.

Đến nay, tập đoàn đã khẳng định tên tuổi số một trong lĩnh vực tiêu dùng, với hàng chục công ty thành viên phủ sóng khắp các ngành hàng "hot" nhất thị trường. Năm 2024, Tập đoàn Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 đến 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt từ 7% đến 15% so với cùng kỳ.

Đây là kết quả kinh doanh dự kiến tương ứng với các kịch bản khác nhau về điều kiện vĩ mô. Lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số (Core NPAT Pre – MI) dự kiến sẽ nằm trong khoảng 2.290 đến 4.020 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với 1.950 tỷ đồng trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Masan cho biết sẽ tiếp tục giảm đòn bẩy để cải thiện bảng cân đối kế toán, giảm lợi ích ở các mảng kinh doanh không cốt lõi trong khi vẫn duy trì chiến lược phân bổ vốn chặt chẽ.

Ngọc Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mot-doanh-nghiep-niem-yet-sap-nhan-800-ty-dong-co-tuc-tu-techcombank-322525.html