Một học sinh lớp 7 tử vong nghi do cúm A
Bệnh nhân Đ.M.H. có triệu chứng tức ngực, khó thở nên gia đình đưa đi khám, tuy nhiên sau đó đã tử vong. Mẫu kết quả test nhanh của bệnh nhi dương tính với virus cúm A.
Theo báo cáo nhanh, ngày 18/02, Đ.M.H. (sinh năm 2012, học sinh Trường THCS Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) có dấu hiệu mệt mỏi và đã được gia đình xin phép nhà trường nghỉ học.

CDC Quảng Ninh phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm chủng vắc-xin tại khu 8, phường Hà Phong (TP Hạ Long). Ảnh: CDC Quảng Ninh
Đến tối 19/2, Đ.M.H. có triệu chứng tức ngực, khó thở nên gia đình đưa đi khám tại Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên, sau đó chuyển đến Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.
Dù đã được điều trị tích cực, nhưng Đ.M.H. đã tử vong rạng sáng 20/2. Mẫu kết quả test nhanh của bệnh nhi dương tính với virus cúm A.
Tiến sỹ Vũ Quyết Thắng, Giám đốc CDC Quảng Ninh cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, địa phương đã ghi nhận khoảng 1.000 ca bệnh cúm.
Giám đốc CDC Quảng Ninh khuyến cáo, khi có dấu hiệu bất thường về mặt sức khỏe, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám, không chủ quan, nhất là trong thời tiết Đông - Xuân, lạnh ẩm cần giữ ấm cơ thể.
Bên cạnh đó, các cháu bé tới trường phải giữ ấm, cho ăn uống đầy đủ và khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến các điểm tiêm để tiêm vaccine phòng cúm.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, CDC Quảng Ninh khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
Tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm. Vắc-xin cúm giúp cơ thể tạo ra miễn dịch chống lại các chủng vi rút cúm phổ biến, giảm nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nghiêm trọng.
Người cao tuổi và những người có bệnh nền nên tiêm vắc-xin cúm hàng năm.
Việc kiểm soát tốt các bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp rất quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ chuyển nặng khi mắc cúm.
Người cao tuổi cần duy trì chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý và tuân thủ điều trị đúng đắn theo chỉ định của bác sĩ.
Duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh như ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, giữ ấm cơ thể vào mùa đông và tránh tiếp xúc với những người bị cúm.
Nếu có triệu chứng cúm, người cao tuổi cần đến bác sĩ ngay để được khám và điều trị kịp thời.
Việc sử dụng thuốc kháng vi rút trong giai đoạn sớm có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng, tuy nhiên cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Cúm mùa không phải là một bệnh nhẹ đối với người lớn tuổi có bệnh nền. Bệnh có thể tiến triển nhanh và gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/mot-hoc-sinh-lop-7-tu-vong-nghi-do-cum-a-469480.html