Một loại gia vị đắt đỏ đứng thứ 3 thế giới, Việt Nam xuất khẩu được bao nhiêu?
Việt Nam sở hữu một loại gia vị đắt đỏ đứng thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau nhụy hoa nghệ tây và vani, đây cũng là sản phẩm được nhiều quốc gia săn lùng.
Bạch đậu khấu là một loại gia vị đắt đỏ thứ 3 trên thế giới, đứng sau nhụy hoa nghệ tây và vani với giá bán có thời điểm lên đến 9 USD cho 100 gram. Cây bạch đậu khấu là loài thảo dược mọc hoang trong tự nhiên, trồng nhiều các 1 số nước như Việt Nam, Thái Lan, Lào, Nam Mỹ,...
Ở Việt Nam, cây mọc ở vùng núi cao, khí hậu mát mẻ như Lào Cai, Cao Bằng,... Loài cây thảo này cao khoảng 2-3m, sống lâu năm. Rễ mọc bò, lá mọc thành 2 dãy. Cụm hoa mọc thành bông, hoa màu trắng.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng bạch đậu khấu – nhục đậu khấu (BĐK – NĐK) trong 6 tháng đầu năm đã thu về 12,6 triệu USD với sản lượng đạt 1.554 tấn, so với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu giảm 4,3% và kim ngạch giảm 2,9%. Nedspice Việt Nam và Olam Việt Nam là 2 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất mặt hàng này.
Trong năm 2023, sản lượng xuất khẩu nhóm hàng này đạt 3.551 tấn, thu về 27,4 triệu USD, tăng 36,5% về sản lượng nhưng giảm 15,4% về kim ngạch. Hà Lan, Trung Quốc và Mỹ là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất với sản lượng đạt lần lượt 923 tấn, 756 tấn và 484 tấn.
Việt Nam là quốc gia mạnh về gia vị. Hiện tại, Việt Nam có 500.000 ha các loại cây gia vị, với khoảng 400 doanh nghiệp và hàng trăm nghìn hộ nông dân nhỏ lẻ tham gia vào hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này.
Theo thống kê, nước ta còn dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế và các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như: Ớt, đinh hương, gừng, nghệ, bạch đậu khấu,…
Mặc dù đứng đầu thế giới ở nhiều chủng loại, tuy nhiên các loại cây gia vị của Việt Nam mới chỉ khai thác được khoảng 40-50% tiềm năng, dư địa phát triển ngành gia vị Việt Nam còn rất lớn. Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gia vị của Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt khoảng 2 tỷ USD, với khối lượng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn.
Để đạt mục tiêu này, các địa phương phát triển cây gia vị theo quy hoạch, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bạch đậu khấu có tính ấm, vị cạt và quy vào kinh tỳ, vị và phế. Vì vậy, dược liệu này được sử dụng trong điều trị bệnh ở cả y học cổ truyền và y học hiện đại.
Theo Đông y, dược liệu bạch đậu khấu được sử dụng trong điều trị các triệu chứng như hành khí, ấm dạ dày, chống nôn, tiêu thực, trừ hàn, giã rượu, đau dạ dày, nôn mửa, tiêu chảy, khó tiêu...
Nghiên cứu trong y học hiện đại chỉ ra rằng các hoạt chất chứa trong dược liệu bạch đậu khấu có các tác dụng như sau:
Ngăn ngừa sâu răng, trị hơi thở hôi: Nghiên cứu từ các nhà khoa học Ấn Độ cho thấy hoạt chất cineole trong bạch đậu khấu có công dụng sát khuẩn, tiêu diệt và ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn răng miệng như Streptococcus, Candida... từ đó giúp ngăn ngừa bệnh sâu răng, tiêu diệt vi khuẩn gây hôi miệng;
Ngăn ngừa hình thành tế bào ung thư: Các nghiên cứu khoa học cũng phát hiện ra rằng, sử dụng bạch đậu khấu như thực phẩm chức năng có công dụng ngăn ngừa quá trình tiến triển thành tế bào ung thư từ các tế bào bình thường và giúp làm chậm quá trình hình thành ung thư da, ung thư ruột kết;
Điều trị đái tháo đường: Hàm lượng lớn mangan trong bạch đậu khấu giúp mang lại những lợi ích lớn đối với người bệnh đái tháo đường;
Hạ huyết áp an toàn: Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hóa sinh và sinh học Ấn Độ cho kết quả bột đậu khấu có công dụng hạ huyết áp tâm thu và tâm trương một cách an toàn.