Một năm sóng gió của Boeing
Đầu năm 2024, Boeing và các nhà đầu tư kỳ vọng đây là thời điểm đánh dấu sự trở lại của hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới. Nhưng khi cánh cửa 2024 dần khép, kỳ vọng này mờ nhạt dần, nhường chỗ cho hy vọng phục hồi mong manh trong năm 2025.
Một năm trầm buồn
Thời điểm trước thềm năm 2024, Công ty Boeing có đà trở lại sau thời gian dài trì trệ vì hai vụ tai nạn máy bay phản lực nghiêm trọng vào năm 2018 và 2019 cũng như sự sụp đổ của ngành du lịch toàn cầu trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Boeing đã thực hiện một bước tiến lớn nhằm xoa dịu mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, đơn đặt hàng máy bay phản lực tăng mạnh và cổ phiếu đạt mức cao nhất trong gần hai năm.
Vị thế của Boeing trong thế độc quyền kép với Airbus đảm bảo khả năng tồn tại của công ty nhưng không đảm bảo sức mạnh tài chính. Nguy cơ gián đoạn thương mại có thể làm tăng chi phí vì gần một nửa số nhà cung cấp của công ty nằm ngoài Mỹ, gây ra mối đe dọa đối với cả doanh thu và biên lợi nhuận.
Ông Mark Malek, Giám đốc đầu tư tại Sieber
Các nhà đầu tư Phố Wall cực kỳ lạc quan và không đưa ra khuyến nghị bán cổ phiếu này.
Song ngay từ tháng 1/2024, sóng gió bắt đầu ập tới. Đầu tiên là vụ tấm chắn cửa trên máy bay Boeing của hãng hàng không Alaska Air chở 177 người bị bật ra giữa không trung khiến máy bay phải hạ cánh khẩn.
Sau đó, Alaska Airlines buộc phải dừng hoạt động toàn bộ 65 máy bay Boeing 737 MAX 9 của hãng để kiểm tra làm rõ.
Tiếp đó, Boeing hứng chịu làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ dư luận và chịu giám sát chặt chẽ các hoạt động công ty và văn hóa làm việc.
Boeing tiếp tục phải cải tổ cấp quản lý dẫn đến sự ra đi của giám đốc điều hành, bị nhiều người trong nội bộ cáo buộc nghiêm trọng về quy trình sản xuất, đối mặt với hàng loạt cuộc đình công quy mô lớn và dự báo chịu một đợt "đốt tiền" lớn có thể tiếp tục xảy ra vào năm 2025.
Chuỗi sự kiện này đã làm ảnh hưởng đến kỳ vọng lợi nhuận của các nhà đầu tư Phố Wall.
Niềm tin bị lung lay
Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, 12 tháng trước, các nhà phân tích kỳ vọng trung bình Boeing sẽ tăng thêm 4,18 USD/cổ phiếu trong năm 2024, sau 4 năm thua lỗ liên tiếp. Song theo thống kê, trong năm 2024, cổ phiếu của Tập đoàn Boeing đã giảm 35%, đẩy Boeing vào nhóm 20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trong chỉ số S&P 500, đánh dấu năm sụt giảm tồi tệ nhất trên thị trường chứng khoán kể từ năm 2008.
Những tháng gần đây, cổ phiếu của Boeing ổn định. Mục tiêu giá cổ phiếu trung bình trong 12 tháng cho thấy tiềm năng giá có thể tăng khoảng 7% so với mức đóng cửa ngày trung tuần tháng 12 - 169,65 USD. Song giới đầu tư vẫn cảnh giác. Họ chỉ ra chuỗi khủng hoảng vào năm 2024 làm lung lay niềm tin về triển vọng của Boeing và nguy cơ hãng này phải gánh chịu nếu xung đột thương mại gia tăng dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Dự báo giá cổ phiếu trong các năm 2025, 2026 và 2027 đã bị hạ xuống mức khoảng 50% hoặc hơn so với năm trước.
Ông Eric Clark, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của quỹ đầu tư Rational Dynamic Brands Fund cho biết: "Chỉ cần thông tin về Boeing không xuất hiện trên mặt báo đã là một chiến thắng cho hãng vào thời điểm này".
Tất cả đều giải thích lý do tại sao các nhà phân tích kỳ vọng mờ nhạt rằng sự phục hồi gần đây của cổ phiếu hãng sản xuất máy bay phản lực sẽ còn kéo dài hơn nữa.
Khi được hỏi về thông tin trên, phía Boeing hiện từ chối bình luận.
Triển vọng khiêm tốn
Bước sang năm 2025, mối lo ngại lớn nhất với Boeing là khả năng ông Donald Trump thực hiện các đề xuất về thuế quan trọng khi hãng này có chuỗi cung ứng phủ rộng toàn cầu và dễ bị tổn thương.
Boeing, cùng các gã khổng lồ trong ngành sản xuất của Mỹ như Caterpillar và Deere & Co, luôn là những "mặt trận tuyến đầu" nếu có thương chiến xảy ra.
Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất của Boeing là sự đình trệ trong sản xuất. Trong khi hãng vừa phải nỗ lực cải thiện chất lượng sau sự cố của Alaska Air, vừa phải đối mặt với cuộc đình công trên quy mô lớn kéo dài 7 tuần tại nhiều nhà máy của Boeing.
Khoảng 33.000 công nhân Boeing đã đình công từ ngày 13/9 và kết thúc vào đầu tháng 11. Theo công ty tư vấn và phân tích thị trường Anderson Economic Group, cuộc đình công này kéo dài hơn cả cuộc đình công của công nhân ngành ôtô Mỹ năm 2023 ở thành phố Detroit, bang Michigan, trở thành cuộc đình công gây thiệt hại kinh tế lớn nhất trong thế kỷ 21, với số tiền ước tính 11,6 tỷ USD.
Hai vấn đề trên kết hợp với nhau kéo theo nguy cơ làm giảm dòng tiền và xói mòn vị thế của Boeing so với đối thủ Airbus - vốn nắm giữ gần 60% lượng máy bay thương mại còn tồn đọng trên toàn cầu năm 2023, theo Bloomberg Intelligence.
Với các nhà đầu tư và phân tích, những dấu hiệu về việc công ty có thể sản xuất máy bay chất lượng với tốc độ ổn định là rất quan trọng để đánh giá kỳ vọng vào năm 2025. Bởi nhu cầu máy bay trên toàn cầu rất lớn, một phần do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng mạnh ở các thị trường mới nổi.
"Ưu tiên hàng đầu là phải giải quyết nhu cầu này bằng cách chế tạo máy bay với tốc độ tăng cao. Dù mục tiêu này không dễ dàng và khó có thể thấy kết quả ngay lập tức, nhưng chúng tôi nhận thấy tiềm năng để Boeing đạt được bước tiến trong năm 2025 trên con đường mang lại giá trị dài hạn", nhà phân tích Seth Seifman đến từ PMorgan Chase & Co. nhận định trong báo cáo tháng 11.
Những ngày cuối năm 2024, Boeing ghi nhận nhiều dấu hiệu tiềm năng để tăng trưởng cổ phiếu.
Một số thông tin cho thấy Boeing tiếp tục lắp ráp máy bay bán chạy nhất Boeing 737 Max và giúp thúc đẩy mức tăng năng suất hàng tuần tốt nhất của công ty kể từ giữa năm 2023.
Với vị thế vững chắc của công ty khi là một trong hai nhà sản xuất máy bay thương mại hàng đầu thế giới, Boeing vẫn nắm giữ vốn hóa thị trường hơn 125 tỷ USD.
Ngoài ra, Boeing còn lượng đơn đặt hàng máy bay trị giá 500 tỷ USD và cũng đã huy động thêm 21,1 tỷ USD trong đợt bán cổ phiếu năm nay, qua đó giúp ổn định xếp hạng tín dụng của công ty.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/mot-nam-song-gio-cua-boeing-192250125154955557.htm