Những hãng ô tô nào có thể gặp rủi ro cao nhất trước chính sách thuế quan của Tổng thống Trump
Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang cùng nhau 'nín thở' trước lời đe dọa áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico của Tổng thống Mỹ Donald Trump sớm nhất là vào ngày 1/2.
Thuế quan gây ra tác động lớn
Trong nhiều tháng qua, các nhà sản xuất ô tô đã áp dụng cách tiếp cận "chờ đợi và xem xét" đối với các mức thuế tiềm năng của chính quyền Tổng thống Trump.
Trước đó, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế khi nhậm chức vào tháng này, sau đó ông đặt mục tiêu là ngày 1/2 sẽ đánh thuế đối với các đối tác thương mại chính của Mỹ.
Bất kể Tổng thống Trump có áp thuế hay không, các nhà sản xuất ô tô như General Motors (GM) - thương hiệu ô tô bán chạy nhất tại Mỹ - đều muốn có sự rõ ràng để họ có thể lập kế hoạch kinh doanh xung quanh chính sách thuế của Washington.
Thuế quan là loại thuế đánh vào hàng nhập khẩu hoặc hàng hóa nước ngoài được đưa vào Mỹ. Các công ty nhập khẩu hàng hóa phải trả thuế quan và một số lo ngại rằng các công ty sẽ "sang tay" bất kỳ chi phí tăng thêm nào cho người tiêu dùng, do đó làm tăng chi phí xe cộ và có khả năng kéo giảm nhu cầu.
Sự không chắc chắn về thương mại đã ảnh hưởng đến General Motors khi ngày 28/1 cổ phiếu của hãng ô tô Mỹ ghi nhận một trong những ngày tồi tệ nhất trong nhiều năm qua ngay cả sau khi vượt qua kỳ vọng của Phố Wall về lợi nhuận năm 2025 và lợi nhuận ròng trong quý IV/2024.
Nhà phân tích Dan Levy của Barclays cho rằng "Điều chúng tôi chú ý chính từ kết quả [lợi nhuận] quý IV của GM là mặc dù cơ hội dành cho GM rất hấp dẫn, nhưng sự không chắc chắn về chính sách của Mỹ cần phải được điều hướng ở thời điểm này".
GM đã không tính đến các mức thuế quan tiềm ẩn trong triển vọng lợi nhuận năm 2025, điều mà giám đốc tài chính Paul Jacobson mô tả là một cách tiếp cận "thận trọng" vì không có thuế quan nào đối với hàng hóa từ khu vực Bắc Mỹ thực sự đã được thực hiện.
Cả giám đốc tài chính Paul Jacobson và CEO của GM Mary Barra đều khẳng định rằng hãng ô tô này đã lên kế hoạch dự phòng cho mọi hành động, nhưng dường như điều đó vẫn chưa đủ để xoa dịu các nhà đầu tư.
"Có quá nhiều nhiễu động", ông Jacobson nói với các nhà đầu tư trong tuần này, đồng thời dẫn chứng lễ nhậm chức của Tổng thống Trump và các vụ cháy rừng ở bang California, cùng với các vấn đề và sự kiện khác. "Chúng tôi đang thận trọng cho đến khi có thêm một chút dữ liệu ổn định từ thị trường chỉ vì tháng 1 quá ồn ào", Giám đốc tài chính GM nói thêm.
8 hãng ô tô gặp rủi ro cao nhất
Thuế quan có thể có tác động lớn đến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu và có khả năng làm giảm lợi nhuận của các công ty như GM, một công ty có hoạt động sản xuất đáng kể trên khắp Bắc Mỹ.
"Bất kể thời điểm nào, những mức thuế quan chung này sẽ có tác động lớn đến ngành công nghiệp ô tô", S&P Global Mobility đánh giá trong một báo cáo công bố tuần này. "Hầu như không có [nhà sản xuất ô tô] hoặc nhà cung cấp nào" hoạt động ở Bắc Mỹ có thể miễn nhiễm tác động, báo cáo của S&P Global Mobility nêu.
Hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đều có nhà máy tại Mỹ. Tuy vậy, họ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác bao gồm Mexico để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ.
Hầu như mọi nhà sản xuất ô tô lớn hoạt động tại Mỹ đều có ít nhất một nhà máy ở Mexico. Trong số này, 4 nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất chiếm hơn 70% doanh số bán hàng tại Mỹ vào năm 2024.
Ngành công nghiệp ô tô Mỹ có kết nối chặt chẽ với các quốc gia khác, với Mexico nhập khẩu 49,4% tổng số phụ tùng ô tô từ Mỹ. Đổi lại, Mexico xuất khẩu 86,9% sản lượng phụ tùng ô tô của mình sang Mỹ, theo số liệu của Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ.
Theo Wells Fargo, mức thuế quan 25% mà chính quyền Tổng thống Trump áp lên hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada sẽ khiến GM thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi năm. Ngân hàng này ước tính tác động của các mức thuế quan 5%, 10% và 25% đối với GM, Ford Motor và công ty mẹ của Chrysler là Stellantis sẽ lần lượt là 13 tỷ USD, 25 tỷ USD và 56 tỷ USD.
Mức thuế quan 25% sẽ khiến chi phí cho một chiếc xe trị giá 25.000 USD từ Canada hoặc Mexico đắt thêm 6.250 USD khi bán tại Mỹ nếu không muốn nói là hầu hết chi phí này bị nhà sản xuất chuyển "sang tay" người tiêu dùng, S&P Global Mobility đơn cử.
Cũng theo S&P Global Mobility, các nhà máy ở Canada và Mexico sản xuất khoảng 5,3 triệu xe, trong đó khoảng 70% (tức là gần 4 triệu xe) dành cho thị trường Mỹ.
Mexico chiếm phần lớn trong số những chiếc xe đó bởi 5 nhà sản xuất ô tô toàn cầu, gồm: Ford, GM, Stellantis, Toyota Motor và Honda, chỉ sản xuất khoảng 1,3 triệu xe hạng nhẹ vào năm 2024 tại Canada và chủ yếu dành cho thị trường Mỹ, theo một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận về ngành sản xuất chế tạo của Canada.
Một số nhà sản xuất ô tô đó cũng phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động sản xuất tại Mexico, nhưng không phải tất cả các nhà sản xuất đều phải đối mặt với những gián đoạn như vậy. Theo tỷ lệ phần trăm doanh số, nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen là hãng chịu rủi ro thuế quan nhiều nhất tại Mexico, tiếp theo là Nissan Motor và Stellantis, theo báo cáo của S&P Global Mobility.
S&P Global Mobility đã thống kê danh sách 8 hãng sản xuất ô tô chịu rủi ro thuế quan nhiều nhất đối với xe nhập khẩu từ Mexico, dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh số bán xe của họ tại Mỹ.
"Rõ ràng là chúng tôi đang nghiên cứu các kịch bản", ông Antonio Filosa, giám đốc khu vực Bắc Mỹ của Stellantis, cho biết. "Nhưng đúng là chúng tôi cần chờ quyết định của ông ấy và sau quyết định của ông Trump và chính quyền của ông ấy, chúng tôi sẽ hành động theo đó", đại diện Stellantis nói thêm.