Một thời Thuận Hóa - Phú Xuân
Thuận Hóa - Phú Xuân là tên gọi hai quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương. Lược sử hình thành, phát triển hai địa danh này để thấy một thời huy hoàng và những giá trị đó là cơ sở vững chắc để Huế vươn xa.
Lược sử vùng đất
Năm 1306, vùng đất châu Ô và Lý được vua Champa Chế Mân làm sính lễ hỏi cưới công chúa Đại Việt là Huyền Trân. Nhà Trần cho đổi châu Ô thành châu Thuận, châu Lý thành châu Hóa (chủ yếu ở Thừa Thiên Huế ngày nay) và đặt dưới quyền cai quản của phủ Thuận Hóa (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng và phía bắc Quảng Nam). Với cuộc hôn nhân đầy ý nghĩa lịch sử, vùng đất này nhập vào Đại Việt.
Năm 1558, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vượt dãy Hoành Sơn đến trấn nhậm vùng Thuận Hóa, với hoài bão kiếm tìm phương kế dung thân cho gia đình, dòng họ. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho dựng dinh ở Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát trên đất Quảng Trị. Các đời chúa Nguyễn kế tiếp vào Thừa Thiên Huế như Phước Yên, Kim Long, Bác Vọng, Phú Xuân. Từ đó, dân cư đông đúc, hàng ngũ quý tộc, quan lại hiện diện đông đảo, các công trình công sở, dinh thự, cơ sở tôn giáo được kiến thiết, dần tráng lệ.
Xét về địa cuộc vùng Phú Xuân, Lê Quý Đôn hết lời ngợi ca trong Phủ biên tạp lục (1776): “Đất rộng, bằng như lòng bàn tay, rộng độ hơn mười dặm, ở trong đất cao, bốn bề đều thấp, tức là chỗ nổi bật giữa đất bằng ngồi vị càn (Tây Bắc), trông hướng tốn (Đông Nam), dựa ngang sống đất, trông xuống bến sông; đằng trước là quần sơn, chầu về la liệt, toàn thu nước ở bên hữu, vật lực thịnh giàu”. Lê Quý Đôn cũng kinh ngạc về quy mô các công trình ở đôi bờ sông Hương: “Mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ… chạm khắc vẽ vời, khéo đẹp cùng cực”. Ở bên ngoài dinh phủ thì “chợ phố liền nhau, đường cái đi ở giữa, nhà cửa chia tả hữu thành hàng. Thuyền buôn bán, đò dọc ngang, đi lại như mắc cửi”.
Mô tả thành Phú Xuân trong Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh - người tham gia cuộc Nam chinh của tướng Hoàng Ngũ Phúc năm 1774 và năm 1785 là Đốc thị Thuận Hóa - Quảng Nam của chính quyền Lê - Trịnh. Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, ngoài phần văn viết, còn có 57 trang bản đồ; trong đó, bản đồ khu vực thành Phú Xuân được vẽ theo lối tả thực khá chi tiết. Đây là tư liệu rất quý với Huế, cho thấy mô hình đô thành Phú Xuân, phủ thờ Kim Long, với hệ thống phòng thành, cửa thành, kiểu dáng công trình kiến trúc dinh phủ và vùng phụ cận.
Đến năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung và thần tốc ra Bắc tiêu diệt quân Thanh. Phú Xuân thành Kinh đô triều Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, Phú Xuân thành Kinh đô triều Nguyễn. Vua Gia Long quy hoạch và xây dựng Kinh thành Huế. Theo Đại Nam thực lục: “Trên cơ sở thành xưa lũy cũ do tiền triều để lại, vào năm 1804, vua Gia Long cho xây dựng Cung thành và Hoàng thành, đến mùa hè năm 1805 tiếp tục cho xây đắp Kinh thành”.
Theo TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, hiện nay kiến trúc Cố đô Huế gồm tổng thể các công trình được quy hoạch thống nhất. Mặc dù có công trình ra đời trước hoặc sau, nhưng mang tính toàn vẹn, hợp lý nên các khối kiến trúc có sự hài hòa, không đối chọi, không trùng lặp lên nhau, không loại trừ nhau mà bổ sung, điểm xuyết cho nhau ngày càng bài bản.
Nơi dung nạp các nền văn hóa
Qua các thời kỳ, người Việt đến vùng đất này định cư càng đông và chung sống hòa bình với người Chăm bản địa, dẫn đến hệ quả về sự giao thoa văn hóa Việt - Chăm, tạo nên nét độc đáo cho văn hóa Thuận Hóa. Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nhận xét: “Một bản sắc đa văn hóa được người Việt kế thừa từ người Chăm”.
Một thời gian dài là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của xứ Đàng Trong và của đất nước, tầng lớp tinh hoa, thợ thủ công nổi tiếng về Huế, làm nên kho tàng văn hóa như: Đúc đồng phường Đúc, làng kim hoàn Kế Môn, hoa giấy Thanh Tiên... Theo thống kê, ở Thừa Thiên Huế có hơn 500 lễ hội, gồm lễ hội cung đình, dân gian, truyền thống, tôn giáo. Nhiều lễ hội được khôi phục và phát huy giá trị. Kho tàng ẩm thực Việt có khoảng 1.700 món ăn, Huế chiếm hết 1.300 và còn lưu truyền 700 món. Phục vụ yến tiệc, sự cầu kỳ của tầng lớp thượng lưu... đã biến ẩm thực thành tính nghệ thuật độc đáo.
Về trang phục, năm 1744, sau khi xưng vương hiệu, ngoài định ra triều phục, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát quyết định sử dụng trang phục áo ngũ thân làm thường phục thống nhất cho cư dân Đàng Trong. Sau thời gian ngắn, Nhân dân đều dùng áo ngũ thân từ lễ nghi hội hè đến làm việc… Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, áo ngũ thân (năm thân) hay áo dài Huế được đánh giá là trang phục trang trọng, kín đáo và mang ý nghĩa nhân văn.
Lâu nay mọi người nghĩ, Huế có nhiều chùa chiền, chuông đồng… nhưng như thế, Huế chưa xứng danh xưng kinh đô Phật giáo. Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh, ngoài những yếu tố trên, điều quan trọng nhất có tính quyết định vị thế cuộc đất trở thành kinh đô Phật giáo là các dòng thiền - phải có người khai sáng ra dòng thiền ngay trên mảnh đất ấy và mở ra hệ thống truyền thừa của dòng thiền này.
“Huế sở dĩ được mệnh danh là kinh đô Phật giáo vì có sự hiện diện quá trình tu tập, hành đạo của ngài Liễu Quán, húy Thiệt Diệu, vị tổ sư người Phú Yên, đã khai sáng ra Thiền phái Liễu Quán từ giữa thế kỷ XVIII và truyền thừa vào Nam Bộ. Điều này vô cùng quan trọng, Phật giáo Huế đã có một hệ tư tưởng mới do Liễu Quán khai sáng, tách bạch không lệ thuộc với ai” - nhà nghiên cứu Dương Phước Thu nhấn mạnh. Huế còn là nơi đến của văn hóa Trung Hoa với minh chứng in đậm dấu vết ở Gia Hội - chợ Dinh, Bao Vinh. Thời Pháp thuộc, Huế được quy hoạch bài bản. Nhiều công trình Pháp với sự phong phú về phong cách kiến trúc tạo nên quỹ di sản kiến trúc giá trị.
Qua thời gian, vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế từ nơi được xem như “Ô châu ác địa”, biên viễn của Đại Việt, rồi thành thủ phủ dưới thời các chúa Nguyễn, Kinh đô đất nước triều Tây Sơn và Nguyễn, nay là trung tâm văn hóa, du lịch của đất nước, khu vực. Huế trở thành nơi hội tụ của văn hóa dân tộc, nơi dung nạp nhiều nền văn minh của nhân loại.