Một tiểu hành tinh đường kính 100m có khả năng va chạm với Trái Đất
Tiểu hành tinh gần Trái Đất này tên là 2024 YR4, được phát hiện vào tháng trước bởi một kính thiên văn ở Chile. Nó được ước tính có đường kính từ 40 đến 100 mét (130 đến 330 feet).
Theo thông tin từ Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), tiểu hành tinh gần Trái Đất này tên là 2024 YR4, được phát hiện vào tháng trước bởi một kính thiên văn ở Chile. Nó được ước tính có đường kính từ 40 đến 100 mét (130 đến 330 feet).
"Chúng tôi hoàn toàn không lo lắng, vì có 99% khả năng nó sẽ không va chạm. Tuy nhiên, nó vẫn đáng được theo dõi", ông Paul Chodas, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái Đất của NASA cho hay.
Các nhà khoa học đang theo dõi sát sao tiểu hành tinh này, dù hiện giờ đang di chuyển ra xa Trái Đất. Khi quỹ đạo của nó quanh Mặt Trời được xác định chính xác hơn, Chodas và các chuyên gia khác cho rằng khả năng va chạm với Trái Đất có thể giảm xuống còn 0%.
Theo NASA và ESA, tiểu hành tinh này sẽ đi ra khỏi tầm quan sát trong vài tháng tới. Cho đến trước lúc đó, nhiều kính thiên văn sẽ tiếp tục theo dõi để xác định chính xác hơn kích thước và quỹ đạo của nó. Một khi rời khỏi tầm nhìn, nó sẽ không xuất hiện trở lại cho đến khi đi ngang qua Trái Đất vào năm 2028.
Tiểu hành tinh này tiến gần Trái Đất nhất vào ngày Giáng Sinh, bay qua ở khoảng cách khoảng 800.000 km (500.000 dặm), tức là gấp đôi khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng. Nó được phát hiện hai ngày sau đó.
Chodas cho biết các nhà khoa học đang rà soát lại dữ liệu quan sát bầu trời từ năm 2016, khi dự đoán cho thấy tiểu hành tinh này cũng đã tiến gần Trái Đất vào thời điểm đó.
Theo các nhà khoa học, nếu có thể tìm thấy hình ảnh của tiểu hành tinh trong dữ liệu từ năm 2016, các nhà khoa học có thể xác định chắc chắn liệu nó sẽ va chạm hay bay sượt qua Trái Đất.