Tảng băng trôi lớn nhất thế giới sắp vỡ, va chạm với khu bảo tồn chim cánh cụt
SBS News đưa tin hôm 2/2, tảng băng trôi lớn và lâu đời nhất thế giới chuẩn bị va chạm với một hòn đảo xa xôi, có khả năng gây nguy hiểm cho động vật hoang dã.
Khối băng khổng lồ, thường được gọi là "siêu băng trôi", đang trôi về phía Nam Georgia, một vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh ở phía bắc Nam Cực.
Tảng băng trôi A23A lần đầu tách khỏi thềm lục địa Nam Cực vào những năm 1980, cao 40 mét (131 feet) và nặng ước tính 1 nghìn tỷ tấn. Các chuyên gia cho biết, điều đáng chú ý là tảng băng có thể tồn tại được rất lâu.
Sue Cook, nhà nghiên cứu về băng hà tại Đại học Tasmania chia sẻ, với khoảng 90% lượng băng nằm dưới nước, tảng băng trôi đã bị kẹt ở đáy biển.
"Giống như một con tàu có sống tàu rất sâu, nếu nó đi vào vùng nước nông, nó có thể mắc cạn. Và điều đó đã xảy ra với tảng băng trôi này trong hơn 30 năm", SBS trích dẫn lời bà Sue Cook.
Tảng băng trôi này vỡ ra lần đầu vào năm 2020 và kể từ đó tiếp tục di chuyển về phía bắc.
Hành trình của tảng băng trôi này đôi khi bị trì hoãn do tác động của đại dương khiến nó quay tròn tại một vị trí trong nhiều tháng.
Nhưng các chuyên gia cho biết hiện tại nó dường như đang trôi về phía đảo Nam Georgia và có thể đến đảo trong vòng vài tuần. Petra Heil, một nhà khoa học về băng biển tại phân khu Nam Cực của Australia nhận định, tảng băng có khả năng sẽ đi vòng qua đảo này.
Đảo Nam Georgia thường được gọi là "Galapagos của phương Nam" vì có hệ động vật hoang dã phong phú.
Petra quan sát thấy nếu tảng băng trôi hướng về phía đảo, khả năng cao là nó sẽ vỡ ra trước khi trôi vào bờ.
"Rất khó có khả năng tảng băng trôi hoàn chỉnh A23A sẽ mắc cạn trên đảo. Nhiều khả năng nó sẽ mắc cạn gần bờ ở vùng nước nông. Và do áp lực của quá trình mắc cạn này, tảng băng trôi có thể vỡ thành nhiều mảnh nhỏ hơn", bà Sue Cook nhận định.
Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng những mảnh nhỏ hơn vẫn có thể gây nguy hiểm cho động vật hoang dã, chặn đường đến nơi làm tổ và kiếm ăn quan trọng của chúng.
Petra cho biết: "Chúng có khả năng chặn đường đi thực tế của một số đàn chim cánh cụt hoặc nơi làm tổ khác của chim cánh cụt, hải cẩu và các loài động vật khác, đặc biệt là những loài động vật phụ thuộc biển để kiếm ăn".
Là một hiện tượng tự nhiên, các tảng băng trôi có thể có lợi cho hành tinh, giải phóng các chất dinh dưỡng vào đại dương, vốn rất quan trọng để duy trì sự sống dưới biển.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng các khối băng khổng lồ đang tan chảy và mất đi ở Nam Cực với tốc độ ngày càng nhanh do biến đổi khí hậu.