Tam Tinh Đôi: Những phát hiện choáng váng từ kinh đô Cổ Thục
Di chỉ Tam Tinh Đôi được phát hiện và bắt đầu khai quật gần 100 năm trước, nhưng đến nay vẫn còn níu chân các nhà khảo cổ.
Ngày 2-2, nhiều người dân Trung Quốc có thể bắt đầu tham quan một triển lãm được mong chờ tại đảo Hoàng Cầm (TP Chu Hải, tỉnh Quảng Đông), với hàng loạt hiện vật đáng kinh ngạc từ nước Thục cổ đại. Phần lớn chúng đến từ Tam Tinh Đôi - Sanxingdui.
Tam Tinh Đôi là một trong những kỳ quan khảo cổ của Trung Quốc, nơi các vị vua nước Thục đã xây dựng nên một kinh đô huy hoàng qua nhiều thế kỷ.
Từ khi phát hiện di chỉ thành phố cổ này vào những năm 1980, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã lạc vào một thế giới đầy kho báu, khai quật hàng thập kỷ vẫn chưa hết.
Theo Archaeology Magazine, huyền thoại về kinh đô nước Thục cổ đại đã được thực tế hóa từ năm 1927, khi một người đàn ông cùng con trai đào mương tại địa điểm có ba gò đất gần bờ sông Yazi ở miền Trung Tứ Xuyên, cách TP Thành Đô ngày nay 40 km về phía Đông Bắc.
Họ phát hiện ra rằng những gò đất, được người dân địa phương gọi là Tam Tinh Đôi, che giấu hàng trăm hiện vật bằng ngọc bích, bao gồm cả các tấm bia nghi lễ và quyền trượng.
Các cuộc khai quật chuyên nghiệp ngay sau đó đã lần đầu tiên phơi bày các bức tường bao của thành đô cổ đại này, cũng như một số bằng chứng giúp họ bắt đầu tin rằng đây chính là kinh đô Thục quốc trong truyền thuyết.
Vào những năm 1980, công nhân từ một nhà máy gạch gần đó đã tình cờ phát hiện ra nhiều hiện vật bằng ngọc bích hơn và các cuộc khai quật lại tiếp tục được mở ra một lần nữa, giúp phát hiện 2 hố chữ nhật lớn chứa gần 1.000 hiện vật.
Chúng là tượng đồng, bình gốm, nhiều món đồ bằng vàng và ngọc bích, ngà voi và vỏ ốc, dường như đã bị thiêu rụi, đập vỡ và chôn xuống đất một cách cố ý.
Trong số các hiện vật còn có mặt nạ bằng đồng với đôi tai lớn, nụ cười bí ẩn và đôi mắt lồi gợi nhớ đến một trong những vị vua huyền thoại của nhà Thục.
Năm 2019, các nhà khảo cố tiếp tục nhận thấy một chỗ trũng trên mặt đất bên cạnh Hố 2. Họ đào xung quanh chỗ trũng và vành của một chiếc bình đựng rượu bằng đồng xuất hiện.
Khi họ tiếp tục đào sâu, một hố khác đầy đồ đồng, ngà voi và ngọc bích trông rất giống những hiện vật trong Hố 2 được tìm thấy. Cuối cùng, 6 hố mới tương tự Hố 1 và 2 đã lộ ra.
Trong 2 năm sau đó, nhà khảo cổ học Yu Lei từ Viện Di tích văn hóa và khảo cổ học tỉnh Tứ Xuyên và các cộng sự đã khai quật được hơn 17.000 hiện vật từ các hố mới, trong đó khoảng 4.800 hiện vật hầu như còn nguyên vẹn.
Giống như những phát hiện trước đó, những đồ vật này phản ánh tầm nhìn độc đáo của các nghệ nhân từ Tam Tinh Đôi cổ đại.
"Chúng tôi nói đùa với nhau rằng nếu chúng tôi không tự tay đào những thứ này, chúng tôi sẽ không bao giờ tin rằng chúng là thật”” - nhà khảo cổ Xiaoge He từ Đại học Bắc Kinh cho biết.
Một khám phá quan trọng mà nhóm thực hiện là nhiều hiện vật bị vỡ từ các hố khác nhau có thể được ráp lại để tạo thành một vật thể hoàn chỉnh. Nhờ đó, một số hiện vật đã được tái tạo lại hoàn hảo nhờ các bước lắp ghép công phu.
Ưu tiên hàng đầu của các nhà nghiên cứu hiện nay là tìm hiểu ý nghĩa của các hiện vật này cũng như lý do chúng bị chôn.
Hơn 100 chiếc đầu bằng đồng kích thước thật được mô tả với đôi mắt lồi và nụ cười ranh mãnh có thể đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.
Chúng đều có những chi tiết giúp ghép vào các vật thể lớn hơn, mà theo Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á tại San Francisco (Mỹ) Jay Xu là mô tả những người thuộc tầng lớp thống trị ở Tam Tinh Đôi.
Họ gồm 2 nhóm được phân biệt rõ rệt: Một nhóm luôn búi tóc bằng trâm cài, nhóm còn lại - chiếm ba phần tư số tượng nhỏ - có tóc tết hoặc bím dài buông xuống sau lưng.
Hai nhóm này có thể đã cùng nhau cai trị Tam Tinh Đôi trong phần lớn lịch sử thành đô này và đối nghịch nhau, dẫn đến xung đột lớn vào giai đoạn cuối của lịch sử Tam Tinh Đôi.
Sau cuộc xung đột, Tam Tinh Đôi huy hoàng chỉ còn là đống đổ nát và nhóm chiến thắng đã quyết định dời đô. Kinh đô mới được cho là di chỉ nổi tiếng khác mang tên Kim Sa, cũng ở Tứ Xuyên.
Nước Thục hay Cổ Thục là một quốc gia cổ đại tọa lạc ở vùng đất nay là tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, với trung tâm lịch sự là vùng đồng bằng Thành Đô.
Nước Thục có thể có lịch sử lên đến 5000 năm, phát triển rực rỡ cho đến khi bị nhà Tần đánh bại vào năm 316 trước Công nguyên.