Tháng cô hồn tại nhiều quốc gia châu Á như thế nào?

Cô hồn là gì? Theo tín ngưỡng của người Việt Nam, những người chết oan, vướng nghiệp trần nên không thể đầu thai thì linh hồn của họ sẽ phải đi lang thang, không nơi nương tựa, chịu đói khát và quậy phá người khác. Những linh hồn này được gọi là 'cô hồn'...

Cúng cô hồn là nghi thức để cúng bái những linh hồn còn lang thang, chết oan,... với mục đích an ủi, cứu đói và mong muốn xua đuổi vận xui, không còn bị những linh hồn này quậy phá và ngược lại còn được họ phù hộ cho gia đình.

Tháng 7 âm lịch hằng năm thường được gọi là tháng cô hồn, được bắt đầu từ ngày 1/7 âm lịch đến hết ngày 29/7 âm lịch. Tháng cô hồn năm 2024 bắt đầu từ ngày 4/8/2024 dương lịch đến 2/9/2024 dương lịch.

Phong tục cúng cô hồn ở Singapore. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phong tục cúng cô hồn ở Singapore. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Người Việt Nam sẽ tổ chức nghi thức cúng cô hồn từ ngày 2 đến 16 tháng 7 âm lịch. Thường lệ, chúng ta có thể cúng bái cô hồn vào bất kỳ thời gian nào trong ngày nhưng theo quan niệm của người Việt nếu cúng vào ban ngày thì tác động của ánh sáng sẽ làm cho các linh hồn bị yếu đi không thể với tới những đồ vật mà mình cúng tế. Vì thế, nghi thức cúng được thực hiện vào chiều hoặc tối là thích hợp nhất.

Phong tục trong tháng cô hồn không chỉ có tại Việt Nam mà ở những quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia... cũng có nhiều hoạt động khác nhau. Vậy phong tục cúng cô hồn ở các quốc gia khác như thế nào?

Singapore

Tháng 7 cô hồn tại Singapore, người dân thường tổ chức thắp hương cúng tổ tiên và đốt vàng mã cho người đã khuất. Cũng như người Trung Quốc, họ xem những buổi diễn kịch được tổ chức ở sân khấu ngoài trời. Những hàng ghế đầu thường sẽ để trống cho các hồn ma.

Trong ngày này, người Singapore cũng tránh một số hoạt động như chuyển nhà hay văn phòng vì cho rằng việc làm này sẽ khiến các linh hồn đang trú ngụ nổi giận. Họ cũng tránh mặc áo đỏ vì cho rằng ma quỷ sẽ bám theo…

Phong tục cúng cô hồn ở Trung Quốc. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phong tục cúng cô hồn ở Trung Quốc. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Malaysia

Tháng cô hồn tại Malaysia có hoạt động gần giống với người Trung Quốc như dâng cúng các vật phẩm, đốt vàng mã cho tổ tiên, thả đèn tiễn vong linh... Họ thường để các vật cũng lê bên đường vì cho rằng điều này có thể giúp những hồn ma vất vưởng lấy đồ.

Trong tháng cô hồn, các Phật tử cũng đến những ngôi đền ở Malaysia để cầu bình an, bảo hộ cho người dân.

Thái Lan

Tháng cô hồn tại Thái Lan thường tổ chức trong 3 ngày của tháng 6 hàng năm. Ở đây, người Thái Lan có một lễ hội gọi là ma xó hay còn gọi là Phi Ta Khon. Lễ hội này được tổ chức tại huyện Dan Sai ở tỉnh Loei, vốn để tôn vinh sự trở lại của Phật - Hoàng tử Vessandorn sau khi ông rời khỏi ngôi làng của mình để bắt đầu một hành trình dài.

Theo quan niệm của những người dân địa phương, việc mừng lễ hội quá lớn nên đã đánh thức các hồn ma. Do vậy những người tham gia lễ hội cần mặc trang phục như ma quỷ và đeo mặt nạ.

Ngoài ra, họ còn múa và biểu diễn nhiều động tác chiến đấu với các hồn ma. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc thu hút khách du lịch đến địa phương.

Campuchia

Tháng cô hồn của họ sẽ rơi vào tháng 9 dương lịch hằng năm. Một trong những ngày lễ quan trọng theo lịch tôn giáo Khmer thì trong tháng 9 có lễ Pchum Ben, ngày lễ sẽ kéo dài trong vòng 15 ngày.

Người dân Campuchia sẽ mặc quần áo trắng, tập trung tại chùa để tưởng nhớ tổ tiên, cũng như cúng dường phẩm vật lên chùa để các chư tăng “gửi” cho các linh hồn của người đã khuất vì người Campuchia tin rằng, khoảng thời gian diễn ra lễ hội, các linh hồn sẽ tìm đến những người thân còn sống của mình để chuộc lại những lỗi lầm từ kiếp trước của họ.

Trung Quốc

Tháng cô hồn tại Trung Quốc có nhiều hoạt động như cúng lễ, đốt tiền vàng cho người đã khuất. Theo truyền thuyết của Trung Quốc, ngày 15/7 âm lịch là ngày quan trọng nhất bởi đây là ngày cổng địa ngục mở, các hồn ma sẽ lên dương thế để kiếm cơm và vui chơi. Chính vì vậy, họ chuẩn bị mâm cơm cúng, chuẩn bị tiền, quần áo bằng vàng mã để đốt cho các vong linh cũng như những người thân đã khuất.

Thông quan hoạt động này, người Trung Quốc muốn duy trì phúc đức tổ tiên cũng như mong được phù hộ độ trì. Đồng thời, đây cũng là hoạt động xoa dịu các vong hồn khác để không bị quấy nhiễu.

Bên cạnh đó, hoạt động trong tháng cô hồn ở Trung Quốc không thể thiếu việc đi xem kịch ngoài trời. Các vở kịch phải có nội dung ca ngợi thần linh cũng như đem đến niềm vui cho những hồn ma. Vào những ngày cuối cùng của Tháng cô hồn, người Trung Quốc thường sẽ thả đèn lồng xuống các con sông như một cách để giúp các hồn ma về cõi âm.

Trong tháng cô hồn, người Trung Quốc cũng có nhiều điều kiêng kỵ như không ra ngoài vào ban đêm, không hát hay huýt sáo...

Nhật Bản vào đêm cô hồn cũng có hình thức thả đèn với mong muốn soi đường cho ma quỷ trở về cõi âm. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhật Bản vào đêm cô hồn cũng có hình thức thả đèn với mong muốn soi đường cho ma quỷ trở về cõi âm. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hong Kong

Lễ cúng cô hồn đây cũng được tổ chức theo phong tục của người Trung Quốc vì có số lượng người sinh sống ở đây khá lớn được bắt nguồn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, người Hong Kong có cách cúng cô hồn riêng. Họ cúng cô hồn trong cả tháng 7 âm lịch, vào dịp này người dân tập trung ở công viên, quảng trường, ven sông hay một vùng đất rộng để cúng tế tổ tiên, cô hồn, những bóng ma lang thang trên đường. Họ sẽ đốt hương, vàng mã và phân phát gạo miễn phí, thậm chí biểu diễn nhạc kịch hoặc chiếu phim để phục vụ, tạo niềm vui cho các hồn ma.

Nhật Bản

Tháng cô hồn ở Nhật Bản không tính theo âm lịch mà tính theo lịch dương. Theo quan niệm của người nhận Bản theo Phật giáp thì ngày Obon diễn ra trong 3 ngày của tháng 8 dương lịch hằng năm (thường sẽ là từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8) sẽ là ngày tổ tiên trở lại trần thế để thăm người thân của họ.

Đây cũng được xem là lễ Vu lan của người Nhật. Trong ngày đầu, người Nhật sẽ đến thăm và trang trí lại các ngôi mộ của người thân với những loại trái cây, bánh và lồng đèn. Ngày thứ 2, họ sửa soạn bàn thờ ở nhà, đặt những vật tưởng niệm về tổ tiên. Người Nhật sẽ cúng những món ăn chay trong ngày này. Ngoài ra, việc tỉa những con vật làm từ dưa chuột hay cà tím cũng được sử dụng để đặt trên bàn thờ, tượng trưng cho việc đón rước linh hồn.

Như Hương (Tổng hợp)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thang-co-hon-tai-nhieu-quoc-gia-chau-a-nhu-the-nao.html