'MRI Trái Đất' hé lộ thế giới khác đầy sinh vật lạ bên dưới Nam Cực
Một thế giới bị niêm phong hàng nghìn năm bên dưới Nam Cực có thể định hình lại hiểu biết khoa học về cách lục địa băng này phản ứng với biến đổi khí hậu và định hướng cho các cuộc săn tìm sự sống ngoài hành tinh.
Theo Live Science, đó là cả một tầng chứa nước biển rộng lớn, có thể đã bị niêm phong khỏi thế giới bên ngoài hàng nghìn năm, ẩn chứa những sinh vật đã thích nghi, biến đổi hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại của địa cầu.
Theo tiến sĩ Chloe D.Gustafson từ Đài quan sát Trái Đất thuộc Đại học Columbia (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, thế giới ngầm này bắt đầu từ độ sâu nửa km đến 2 km, tức phải rất lớn và rất dày, chứa lượng nước khoảng 20 lần lượng nước từng được tìm thấy trong hệ thống sông hồ được phát hiện trước đây ở chân thềm băng.
Một kỹ thuật "chụp MRI Trái Đất" ở dòng băng Whillans ở Tây Nam Cực đã hé lộ ra thế giới mới. Kỹ thuật này dựa trên các trường điện từ chuyển động xuyên qua Trái Đất khi gió Mặt Trời tấn công tầng điện ly, kích thích các hạt bên trong tầng này.
Các trường điện từ này tạo ra các trường thứ cấp trong băng, tuyết và trầm tích. Kết hợp với nhiều dụng cụ đo từ trường hiện đại, các nhà khoa học sẽ có được thứ gọi là mega-MRI hay "MRI Trái Đất".
Theo Daily Mail, hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ có sự trao đổi nước trong thế giới ngầm này hoặc với các cấu trúc khác của dòng băng hay không. Trao đổi nước giữa hệ thống nông và hệ thống sâu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các sinh vật tồn tại trong đó, cách chúng tìm nguồn dinh dưỡng, biến đổi để phù hợp môi trường mới.
Phát hiện còn là một tin vui với giới thiên văn học vì từ lâu họ đã nghi ngờ nhiều thiên thể băng giá, ví dụ mặt trăng Europa của Sao Mộc hay Sao Diêm Vương, có thể chứa một thế giới ngầm bên dưới bề mặt băng vĩnh cửu. Đó có thể là đại dương ngầm, cũng có thể là một thế giới ngầm bị niêm kín, quy mô nhỏ hơn như thứ vừa phát hiện ở Nam Cực. Đó được cho là nơi sự sống ngoài hành tinh đang lẩn trốn.