Mùa lễ hội - một hành trình... (Bài 1): Về miền tâm linh

Đất trời vào xuân, vạn vật hồi sinh thay áo mới, lòng người cũng nương theo đó mà rộng mở. Bước vào một 'nhịp' mới của thời gian, người người, nhà nhà mong cầu bao điều tốt đẹp. Hòa mình vào thiên nhiên, gửi gắm niềm tin, ước vọng... Tất cả cùng hòa điệu, 'dệt' nên mùa xuân - mùa của lễ hội.

Du khách dâng hương, chiêm bái trên đỉnh Ngàn Nưa.

Du khách dâng hương, chiêm bái trên đỉnh Ngàn Nưa.

Xứ Thanh với những di tích lịch sử văn hóa in dấu tiền nhân, những điểm đến, danh lam thắng cảnh nức tiếng... là nguồn “tài nguyên” văn hóa quý giá, tạo sức hút đặc biệt với du khách trong những ngày xuân về.

Mùa xuân - mùa của lễ hội, mùa của những cuộc hành hương trở về nguồn cội. Trong “hơi thở” mùa xuân căng tràn nhựa sống, bước chân du khách ở khắp mọi miền lại nối chân nhau về với lễ hội quê Thanh.

Vùng đất mường Chiềng Vạn (Trịnh Vạn), nay là xã Vạn Xuân (Thường Xuân) nổi tiếng với sự đẹp tươi, núi non hùng vĩ, sông nước bao quanh, tạo nên cảnh sắc “sơn kỳ thủy tú” đắm say lòng người. Nơi đây, có Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đền thờ Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn (người dân địa phương thường gọi tên đền Cửa Đặt), là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách xa gần về chiêm bái, vãn cảnh.

Không chỉ có cảnh sắc tươi đẹp, đền Cửa Đặt còn gắn liền với những chuyện kể lịch sử được lưu truyền. Người Thái ở đất Trịnh Vạn đến nay còn kể lại, trong những năm đầu của khởi nghĩa Lam Sơn, Bình Định vương Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần bị kẻ địch vây hãm, truy đuổi phải chạy lên thượng nguồn sông Chu. Tại đây, thủ lĩnh của khởi nghĩa Lam Sơn đã cùng nghĩa quân đêm ngày rèn luyện vũ khí, nuôi chí đánh giặc.

Đến cuối thế kỷ XIX, hưởng ứng chiếu Cần Vương, Cầm Bá Thước, một trong những thủ lĩnh người dân tộc Thái, đã lãnh đạo Nhân dân trong vùng đánh đuổi thực dân Pháp. Dù sau đó, phong trào Cần Vương thất bại, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp nhưng Cầm Bá Thước vẫn luôn là vị thủ lĩnh anh hùng sống mãi trong tâm thức người dân địa phương. Tên tuổi ông gắn liền với trang sử đấu tranh hào hùng của đồng bào các dân tộc miền núi xứ Thanh.

Tại đền Cửa Đặt còn thờ Mẫu Thượng Ngàn. Trong tâm thức dân gian, đây là vị Mẫu thần cai quản miền rừng núi, gắn với con người, cỏ cây, muông thú... Với quyền năng và lòng thương yêu vạn vật, Mẫu Thượng Ngàn dạy con người biết cách sinh tồn và muôn loài sống hòa hợp... Truyền thuyết kể rằng, trong khởi nghĩa Lam Sơn, khi nghĩa quân bị giặc vây hãm, trong đêm đen tưởng chừng vô vọng, chính Mẫu Thượng Ngàn đã hóa phép thành đuốc sáng soi đường cho nghĩa quân, “dẫn” nghĩa quân về đất Mường Yên, lên núi Chí Linh để hội quân.

Dân gian cũng tin rằng, với quyền phép được Ngọc Hoàng ban cho, Mẫu Thượng Ngàn đã âm thầm phù trợ, giúp đỡ con người vượt núi non hiểm trở, thác ghềnh bình an... Và vì thế, với sự ngưỡng vọng Mẫu Thượng Ngàn, trong những ngày xuân, bước chân du khách không quản ngược ngàn về với Mẫu để bày tỏ lòng mến mộ, mong cầu những điều tốt đẹp.

Đền Cửa Đặt tựa lưng vào chân núi Róc, soi bóng xuống ngã ba sông Chu, phía Tây là hồ Cửa Đạt, bao quanh là Vườn quốc gia Xuân Liên... Với những giá trị tín ngưỡng tâm linh và cảnh quan thiên nhiên đắm say lòng người, đền Cửa Đặt trở thành điểm đến hấp dẫn du khách xa gần trong những bước chân hành hương mùa xuân.

Nằm bên sườn dãy núi Ngàn Nưa, Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na, xã Xuân Du (Như Thanh) cũng là điểm đến tâm linh thu hút hàng vạn du khách trong những ngày xuân, đặc biệt lượng khách đông nhất từ Tết Nguyên đán đến hết tháng giêng. Du khách về với di tích và thắng cảnh Phủ Na không chỉ thỏa mãn việc gửi gắm ước vọng, mong cầu đến các vị thần, mà còn là dịp để hòa mình trong thiên nhiên trong lành, núi non tươi đẹp như một miền cổ tích.

Du khách ngược ngàn lên vùng đất mường Trịnh Vạn (Thường Xuân) vãn cảnh, dâng hương.

Du khách ngược ngàn lên vùng đất mường Trịnh Vạn (Thường Xuân) vãn cảnh, dâng hương.

Chị Lý Thị Duyên, du khách đến từ Thiệu Hóa về dâng hương, chiêm bái tại Phủ Na, cho biết: “Năm nào vào đầu xuân, tôi cũng về đây. Về Phủ Na thắp nén tâm hương, ngắm cảnh núi non trùng điệp, suối chảy róc rách, thấy lòng nhẹ nhàng, thảnh thơi”.

Chia sẻ của chị Duyên có lẽ cũng là cảm nhận chung của đông đảo du khách khi về với Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na. Lý giải cho “sức hút” của di tích, thắng cảnh Phủ Na, theo nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn: “Sở dĩ di tích - thắng cảnh Phủ Na có sức hấp dẫn khách hành hương đông đảo đến như vậy bởi đây là một khu vực thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu, ở kề sát cánh rừng đại ngàn phía tây Nam tỉnh Thanh Hóa, cảnh sắc quyến rũ, mộng mơ...Trong hệ thống thờ Mẫu ở Phủ Na, Mẫu Liễu Hạnh là vị Mẫu thần đứng đầu. Tuy nhiên, ở Phủ Na còn có một điều đặc biệt, đó là sự hiện diện của lớp văn hóa đã có mặt ở đây từ trước khi tín ngưỡng thờ Mẫu du nhập. Đó là lớp tín ngưỡng thờ Tản Viên sơn thánh và mẹ Âu Cơ - một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ... Chính sự hài hòa giữa vẻ đẹp thiên nhiên cùng cái “thiêng” ở Phủ Na khiến cho con người có niềm tin và những xúc cảm tích cực, tiếp thêm sức mạnh tinh thần, hướng đến điều tốt đẹp”.

Trong xúc cảm ngày xuân căng tràn, lòng người rộng mở, bước chân du khách không ngại ngần lên rừng... xuống biển. Về với đền Độc Cước, đền Cô Tiên trên núi Trường Lệ (TP Sầm Sơn) hay về với cửa Lạch Trường (Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường), xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), thả lòng thênh thang giữa mây trời, gió núi và sóng biển. Đứng giữa đất trời, nơi chùa chiền, đền thiêng, lẳng lặng chắp tay nguyện cầu, gieo niềm tin và hy vọng cho một năm mới hanh thông, thuận lợi.

Lễ hội mùa xuân xứ Thanh tất nhiên, không dừng lại ở một vài di tích, điểm đến kể trên, đó còn là đền Nưa - Am Tiên, đền Sòng, đền Phố Cát... Dọc ngang miền lễ hội quê Thanh ngày xuân, mỗi di tích, điểm đến mang đến cho du khách không chỉ giá trị văn hóa mà cả những thỏa mãn về tín ngưỡng, tinh thần. Để từ đây, mỗi người, mỗi nhà trở lại với cuộc sống thường nhật, nỗ lực, cố gắng cho những công việc, mục tiêu...

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mua-le-hoi-mot-hanh-trinh-bai-1-nbsp-ve-mien-tam-linh-35690.htm