'Mùa rươi' và những câu chuyện nóng hổi về nông nghiệp, nông thôn

Chủ đề nông nghiệp - nông thôn để lại dấu ấn đậm nét trong văn học Việt Nam với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Đây vẫn luôn là đề tài hấp dẫn và thách thức với người viết đương đại. Mới đây, nhà giáo - PGS.TS Phạm Quang Long cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết 'Mùa rươi' về chủ đề này.

Với hơn 430 trang được chia thành 23 chương, “Mùa rươi” là câu chuyện về một làng quê Đồng bằng Bắc Bộ có tên là Hà Đồng (Thái Thụy, Thái Bình) - chính là quê tác giả, nơi hằng năm có một mùa rươi vào cữ “tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”.

Người nông dân Hà Đồng một nắng hai sương quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, trong đó có hai nhân vật Đỉnh và Hoản trái ngược nhau hoàn toàn, một người trưởng thôn được nhân dân tín nhiệm thì ngày đêm suy nghĩ, cống hiến cho làng, kẻ kia thì khôn vặt, láu cá, gia trưởng độc đoán và sẵn sàng chửi tất cả dân làng giống như Chí Phèo đời mới.

Cuốn tiểu thuyết chỉ có chừng hơn 20 nhân vật, có những tuyến nhân vật là hai vợ chồng, có khi cả gia đình hoặc một nhân vật chỉ xuất hiện một lần nhưng tính cách, nội tâm, ngôn ngữ, cử chỉ để người đọc nhớ mãi. Có thể kể đến bộ ba cựu chiến binh Đỉnh, Thủy, Tiến rất gắn bó với nhau, không ngại khó và sẵn sàng chia sẻ, cùng gánh vác việc chung.

Ngược lại, nhà văn cũng xây dựng một mẫu người bất tài nhưng hãnh tiến, cơ hội. Đó là Tân, khi là bí thư chi bộ thôn thì luôn nịnh bợ cấp trên, khi “ngoi” lên chức phó phòng nông nghiệp huyện thì cấu kết với kẻ xấu để kiếm chác.

Tiểu thuyết “Mùa rươi” đã đặt ra nhiều vấn đề thời sự nóng hổi của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đó là vấn đề “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp, là xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn...

Nhà văn đau đáu một nỗi niềm: Khi đời sống nông dân khá hơn thì làng quê cũng chịu tác động sâu sắc của cơ chế thị trường, thuần phong mỹ tục bị ảnh hưởng và cái xấu thi nhau công phá khiến tình làng nghĩa xóm nhạt phai. Những cơn sốt đất ảo ào về quê nghèo, người nông dân thi nhau bán đất, lấp ao làm nhà, hình thành nên cái “phố Tấn” với những quán nhậu, karaoke nhạc xập xình inh ỏi... thu hút nhiều thanh niên, nông dân bỏ bê ruộng đồng, tụ tập ăn chơi, trộm cắp khiến làng quê không còn bình yên...

Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến một vấn đề gây bức xúc, đó là sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong vòng xoáy của cơ chế thị trường.

Dự án Đồng Rươi do nhóm lợi ích thao túng ở làng Hà Đồng cuối cùng đã bị pháp luật trừng trị, hồn cốt làng quê là mái đình, cây đa với món đặc sản rươi nấu, rươi kho thơm “điếc mũi" vẫn mãi trong trí nhớ của những người con xa quê. Kết thúc cuốn tiểu thuyết là đám cưới của đôi trai gái ngoan hiền thảo thơm là Hiên và Thao được dân làng quý mến.

Bằng ngôn ngữ kể chuyện sinh động, tác giả Phạm Quang Long đã khéo léo chuyển tải lời ăn, tiếng nói dân dã vào những câu thoại. Ông cũng vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao làm cho mạch văn hấp dẫn hơn, sâu sắc và giàu tính liên tưởng. Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, gắn bó với quê hương, tác giả Phạm Quang Long đã vẽ nên bức tranh quê trong tiểu thuyết “Mùa rươi” không u ám, bế tắc mà đầy niềm tin ở tương lai.

Trước tiểu thuyết “Mùa rươi”, tác giả Phạm Quang Long đã ra mắt các tác phẩm “Lạc giữa cõi người”, “Bạn bè một thuở”, “Cuộc cờ”, “Chuyện làng”. Trong đó, tiểu thuyết “Chuyện làng” cũng viết về đề tài nông nghiệp - nông thôn và đã được trao giải trong Cuộc thi sáng tác đề tài Vì an ninh Tổ quốc do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2019 - 2020.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mua-ruoi-va-nhung-cau-chuyen-nong-hoi-ve-nong-nghiep-nong-thon-638568.html