Mùa Tết Jrai...
Ai ở Tây Nguyên lâu thì biết, cứ sau 'mùa Tết' của người Kinh thì tới 'mùa Tết' của người dân tộc thiểu số bản địa, điển hình nhất là người Jrai và Bahnar. Khởi đầu của 'mùa Tết' Jrai chính là món cơm mới.
Gọi “mùa Tết”, bởi giờ Tết không gói gọn trong vài ba ngày như ngày xưa nữa. Người Kinh có 3 ngày Tết nhưng giờ mở rộng ra cả tháng Giêng. Người Tây Nguyên xưa không có ngày cụ thể, mà hầu như kéo dài suốt cả mấy tháng đầu mùa khô. Tháng ning nơng là thế. La đà lễ, và kéo theo là hội.
Hội, nó chả có gì là rõ ràng cả, là nhân có sẵn rượu, sẵn thịt, sẵn không gian thời gian tuyệt vời thế, sẵn lòng người đang phơi phới thế, lại cả cỏ cây mây trời như cũng bừng tỉnh sau những tháng mùa mưa dầm dề... Thế thì sau cái lễ cúng Yàng, cúng nghi lễ với các vị thần, với vạn vật cây cỏ, với tiền nhân... thì ta chiêng, ta xoang cho nó bõ bao ngày dồn nén, khát khao...
Mà, khởi đầu của “mùa Tết” chính là món cơm mới. Gạo đã về kho, thịt đã treo giàn bếp, thì phải cúng thôi.
Người Kinh cũng có cúng cơm mới. Người Bahnar cũng cúng cơm mới. Và người Jrai cũng thế. Tôi dự một cuộc cơm mới như thế ở một làng Jrai thuộc huyện Krông Pa, cũng lâu lâu rồi.
Ai cũng biết tỉnh Gia Lai có 2 dân tộc bản địa đông dân là Bahnar và Jrai. Người Bahnar chủ yếu ở khu vực phía Bắc và Đông tỉnh. Người Jrai thì ở phía Tây và Nam tỉnh. 2 địa phương người Jrai đông và đậm đặc nhất là thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa.
Cũng một con bò được hóa thân. Cái lễ hóa thân bò cũng rất trịnh trọng. Con bò được ăn ngon trước đấy, được gia chủ cúng cảm ơn trước. Rồi các thành viên trong gia đình trong trang phục dân tộc, tay nắm vào sợi dây thừng cột bò, tùy số lượng người mà tính độ dài của dây. Khi mọi người nắm đủ thì người “có trách nhiệm” khấn, rồi một thanh niên nhanh nhẹn nhất nhà cầm một cây le đực bằng ngón tay cái vót nhọn một đầu, đâm một nhát rất nhanh vào nách con bò. Nó khuỵu xuống, và họ đốt con bò. Thay vì cạo lông hay lột da, bà con Tây Nguyên làm thịt bò, gà, heo... đều đốt lông. Người vùng này có món cà xóc bò và muối kiến nổi tiếng. Cốm ở đây cũng rất ngon. Chu trình làm cốm diễn ra từ hôm trước, nhộn nhịp suốt đêm.
Lúa được tuốt non về, luộc sơ rồi cho vào chảo rang. Các cô gái Jrai xinh đẹp và khéo tay được giao đảm nhận phần việc này. Những đôi tay trần đảo như múa trong cái chảo thơm nhưng nhức mùi đòng đòng. Những đôi mắt đen lúng liếng trong lửa, những cặp má ửng hồng trong lửa, những cặp đùi khép mở trong lửa, ẩn hiện trong những hoa văn cạp váy tinh xảo và công phu, những câu chuyện rủ rỉ trước lửa, mà chuyện của tuổi trẻ, loanh quanh thế nào cũng về đề tài tình yêu. Theo thông tục, các cô gái Tây Nguyên sẽ là người chủ động chọn để bắt các chàng trai làm chồng. Những chàng trai ấy, ngực nở bụng thon, đùi ếch, da nâu lẳn chắc đang kỳ cạch ngoài sân dựng cây nêu. Việc ai nấy làm nhưng có vẻ những sợi dây thần giao cách cảm khiến họ vẫn ngong ngóng về nhau, vẫn thi thoảng tìm cách đánh động nhau... Đây là món chủ lực của lễ cơm mới Jrai: Cốm.
Ngoài ra thì còn cơm, những nồi cơm rất to, thơm phức, trắng ngần với kỹ thuật nấu rất giỏi, ấy là chỉ mở nắp nồi duy nhất một lần lúc cơm chín, thế mà chục nồi như một, đều tăm tắp, độ dẻo như nhau, độ chín như nhau, mùi thơm như nhau... cả những ống cơm nướng bằng le, rượu cần hàng dãy, và thức ăn, những món mà chỉ người Tây Nguyên mới có, như muối kiến, như cà xóc, như lá mì nấu cá suối, bò nướng các kiểu, trong đấy có món thịt bò bóp với cái thứ thức ăn non trong dạ dày và ruột non rồi ủ vào tro...
Cũng có nghi thức đến từng nhà, được chủ nhà mời cơm mời rượu. Họ không đi lẻ, mà cứ thế đoàn chiêng và xoang dẫn đầu, lần lượt vào hết từng nhà trong làng. Rồi các chàng trai điệu nghệ đọ chiêng, nói chuyện bằng chiêng, đối đáp bằng chiêng. Đây là lúc thăng hoa nhất của cuộc chơi, và cũng chỉ những người tài hoa nhất mới thể hiện được, và cũng tất nhiên, đấy là các hạt “mì chính cánh” được các cô gái rình để bắt. Đêm cứ bất tận, ngày cứ miên man, Tết của người Tây Nguyên nồng nàn đắm đuối như thế...
Một số làng còn có tục Brem Bram. Là người hóa trang thành quỷ, nhưng vui nhộn đi lẫn cùng đoàn chiêng và xoang. Đa phần là nam, dùng bùn trát đầy người, rồi lấy củ chuối làm mặt nạ, có nơi còn lấy lá rừng quấn lòa xòa. Họ vừa đi vừa diễn trò như những nhân vật hề, rất thân thiện. Brem Bram này xuất hiện nhiều ở lễ bỏ mả (pơ thi) nhưng thảng hoặc ở một số Tết cơm mới cũng thấy có. Không phải ai cũng làm được Brem Bram bởi nó vừa đòi hỏi sự hy sinh lại vừa phải khéo léo, có duyên và thông minh để có thể dẫn dắt cuộc chơi...
Bây giờ, làng Tây Nguyên đang bị mai một đi nhiều tính chất, môi trường và không gian làng vốn có của nó. Vốn dĩ làng Tây Nguyên là kiểu làng rừng, nó là một khối thống nhất với rừng, nương tựa vào rừng và an nhiên với rừng. Làng với rừng gần như là một, trong mối quan hệ tương hỗ để cùng tồn tại như một chuỗi văn hóa tự nhiên. Giờ chúng ta tác động nhiều đến rừng, đến cả làng nên những yếu tố văn hóa liên quan tới làng ngày càng mai một.
Thì những cái lễ như cơm mới ấy, sự tồn tại của nó chính là một cách bảo tồn, dẫu như đã nói, giờ nó cũng hiện đại lắm rồi. Tôi cứ ấn tượng mãi cảnh cô giáo Jrai đi dạy về, dựng xe máy giữa sân, vào nhà thay váy áo truyền thống rồi đứng vào hàng người cầm dây buộc bò để kịp làm lễ cúng...
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12382/202202/mua-tet-jrai-5767693/