Mùa xuân ấm no với người Dao vùng quế Văn Yên

Khi cây quế đã được nhiều người biết đến, có nhiều nghiên cứu, chế biến chuyên sâu đã trở thành cây giảm nghèo và làm giàu cho bà con Yên Bái.

Đồng bào dân tộc Dao vốn có truyền thống lâu đời gắn bó với cây quế. Xưa kia bà con trồng quế để làm gia vị món ăn, làm dược liệu và là một trong những vị không thể thiếu trong nhiều bài thuốc dân gian của đồng bào. Ngày nay, khi cây quế đã được nhiều người biết đến, có nhiều nghiên cứu, chế biến chuyên sâu đã trở thành cây giảm nghèo và làm giàu cho bà con.

Tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, nhờ có quế, số hộ gia đình nghèo khó đã giảm mạnh theo từng năm; số hộ khá và giàu tăng nhanh. Cây quế thực sự đã và đang mang đến những mùa xuân ấm no cho người Dao và đồng bào các dân tộc nơi đây.

Anh Triệu Văn Nhất phấn khởi khi có một năm sản xuất thắng lợi.

Anh Triệu Văn Nhất phấn khởi khi có một năm sản xuất thắng lợi.

Cũng như nhiều gia đình bà con người Dao khác ở xã Quang Minh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, trước đây gia đình anh Triệu Văn Nhất ở thôn Khe Ván thường xuyên trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Trong bối cảnh đó, mong ước lớn nhất của gia đình là đủ ăn, đủ mặc, những thứ khác chẳng ai dám mơ đến. Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi, kể từ khi mở rộng diện tích trồng cây quế.

Anh Nhất chia sẻ, khoảng những năm 2005, gia đình mở rộng trồng quế trên toàn bộ diện tích 9ha nương đồi của gia đình; 6 năm sau đó đã cho thu hoạch từ tỉa lá, cành, tỉa thưa cây. Từ năm 2015 trở lại đây, gia đình đã có thu nhập bình quân khoảng 200 triệu/năm. Khi có công việc lớn, cần tiền là gia đình lại khai thác cả ha quế rồi lại trồng mới.

Từ một hộ gia đình lo từng bữa ăn, cái mặc, giờ đây gia đình anh Nhất đã có nhà xây khang trang dưới đồi quế, cuộc sống ấm no, sung túc.

Từ một hộ gia đình lo từng bữa ăn, cái mặc, giờ đây gia đình anh Nhất đã có nhà xây khang trang dưới đồi quế, cuộc sống ấm no, sung túc.

Nhờ cây quế, từ 1 hộ gia đình lo từng bữa ăn, cái mặc, giờ đây gia đình anh đã có nhà xây tiền tỷ sừng sững dưới đồi quế, cuộc sống ấm no, sung túc. Có vốn tích trữ, trong năm vừa qua, gia đình đã đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ ván bóc, mua được xe ô tô đẹp.

“Cây quế đã mang đến cuộc sống khấm khá cho gia đình tôi và anh em trong làng. Giờ đây tôi đã có xe ô tô không sợ mưa, sợ nắng, sợ rét khi ra đường. Năm nay với niềm vui là dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, có nhiều thứ mới nên sẽ ăn tết to, làm 20 mâm để mời anh em, bạn bè, làng xóm đến chung vui. Không chỉ riêng nhà tôi mà hầu hết mọi nhà đều ăn tết to”, anh Triệu Văn Nhất chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Linh ở thôn Khe Giềng chăm sóc đồi quế của gia đình.

Anh Nguyễn Văn Linh ở thôn Khe Giềng chăm sóc đồi quế của gia đình.

Cũng như nhiều gia đình dân tộc Dao trắng ở xã Quang Minh, hơn 10 năm về trước, gia đình anh Nguyễn Văn Linh ở thôn Khe Giềng vẫn theo truyền thống cha ông lên rừng phát nương trồng lúa. Sau vài vụ, đất bạc màu lại bỏ đấy đi sang chỗ khác, thậm chí đi tận các xã khác để phá rừng làm nương lúa, rất vất vả mà cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám.

Đến năm 2007, khi thấy nhiều gia đình trồng quế, anh cũng quyết định đầu tư trồng vào quế vào số diện tích nương đồi của gia đình đã bỏ hoang. Anh Linh cho biết, so với người Dao đỏ thì bà con người Dao trắng tiếp cận với việc trồng quế muộn hơn. Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó với cây quế, đời sống của gia đình và nhiều hộ trong thôn đã thay đổi đáng kể, khi không những thoát nghèo mà còn có của ăn của để.

Nhờ cây quế, kết thúc năm 2022, xã Quang Minh có trên 72% hộ gia đình có nhà xây kiên cố.

Nhờ cây quế, kết thúc năm 2022, xã Quang Minh có trên 72% hộ gia đình có nhà xây kiên cố.

Cũng theo anh Linh, trong 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường và giá quế không ổn định, song năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát thì giá trị của cây quế đã được phát huy trở lại, gia đình đã có một khoản thu khá để thực hiện kế hoạch của năm 2023 này là mua xe ô tô, đầu tư cho con làm ăn khi hết thời gian thực hiện nghĩa vụ ở lực lượng vũ trang trở về và ăn tết "to" hơn.

“Gia đình làm vất vả cả năm nhưng thu nhập từ cây quế cũng khá hơn, nên ăn tết phấn khởi hơn. Gia đình bố trí 1 con lợn khoảng 70kg làm 15 mâm để mời họ hàng, làng xóm và bạn bè đến liên hoan. Ra xuân gia đình tham gia các hoạt động văn hóa dân gian như đá cầu, kéo co; tham gia các hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân của xã”, anh Linh chia sẻ.

Xã Quang Minh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái có trên 84% là đồng bào dân tộc Dao. Trước đây do tập quán canh tác lạc hậu nên cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ cây quế, cuộc sống bà con cũng như bộ mặt nông thôn đã thay đổi tích cực.

Mỗi năm huyện Văn Yên khai thác hàng chục nghìn tấn vỏ quế, lá cành... với giá trị trên 800 tỷ đồng.

Mỗi năm huyện Văn Yên khai thác hàng chục nghìn tấn vỏ quế, lá cành... với giá trị trên 800 tỷ đồng.

Điều này thể hiện qua việc bà con đóng góp được hơn 25 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới; hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xóm đã được mở rộng và đổ bê tông. Kết thúc năm 2022, xã có trên 72% hộ gia đình có nhà xây kiên cố; thu nhập bình quân đạt gần 50 triệu đồng/người; xã chỉ còn 78 hộ nghèo, bằng hơn 12% - là mức rất thấp so với nhiều vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số...

Ông Triệu Quý Đức, Chủ tịch UBND xã Quang Minh, huyện Văn Yên cho biết, toàn xã hiện có hơn 18.500 ha quế. Cây quế đã thực sự mang đến cho bà con những mùa xuân no ấm, tươi vui.

“Trước đây bà con trồng quế theo truyền thống nên hàm lượng tinh dầu cũng có phần hạn chế. Hiện xã đã phối hợp với doanh nghiệp tập huấn cho bà con về kiến thức trồng, chăm sóc cây quế theo hướng hữu cơ nên hàm lượng tinh dầu tăng lên, sản phẩm quế đã có giá trị cao hơn”, ông Đức lý giải.

Với trên 81.000ha, chiếm khoảng 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh Yên Bái; riêng huyện Văn Yên hiện có trên 55.000ha, những năm qua, cây quế đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu.

Tính riêng trong năm 2022, tại huyện Văn Yên đã cung ứng cho các địa phương trong và ngoài tỉnh 55 triệu cây quế giống; cho khai thác được 6.000 tấn vỏ quế khô, hơn 65.000 tấn lá, cành quế cho các cơ sở chưng cất tinh dầu… mang về giá trị hơn 800 tỷ đồng. Quế cũng mang đến việc làm ổn định cho hàng vạn lao động địa phương.

Ông Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, huyện đang có nhiều giải pháp để phát triển cây quế bền vững.

Ông Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, huyện đang có nhiều giải pháp để phát triển cây quế bền vững.

Về hướng phát triển cây quế bền vững, ông Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, huyện tiếp tục xác định cây quế là một trong những cây trồng mũi nhọn của huyện.

“Huyện xác định giữ được vùng quy hoạch quế, nhất là những xã được cấp chỉ dẫn địa lý; xây dựng vùng quế hữu cơ để tạo ra những sản phẩm quế tốt nhất, đáp ứng được thị trường cao cấp; tăng cường thu hút đầu tư thu mua, chế biến các sản phẩm quế thêm đa dạng, nhất là các sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu. Cùng với đó, huyện lựa chọn giống có chất lượng cao đưa vào nhân giống, cải tạo giống có giá trị kinh tế thấp sang giống có giá trị kinh tế cao hơn”, ông Hà Đức Anh định hướng.

Từ sự chủ động của bà con; sự quan tâm của cấp ủy Đảng và Chính quyền địa phương, cây quế đã trở thành cây trồng mũi nhọn của bà con người Dao nói riêng và nhiều địa phương ở Yên Bái nói chung. Quế đã và đang đem đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mang đến những mùa xuân sung túc cho người dân vùng cao Yên Bái./.

Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/mua-xuan-am-no-voi-nguoi-dao-vung-que-van-yen-post996509.vov