Mùa Xuân là Tết trồng cây

Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, trong không khí rộn ràng, phấn khởi của những ngày đầu năm mới, chúng ta lại nhớ tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân'.

Đoàn thanh niên huyện Yên Khánh tham gia trồng cây tại lễ phát động trồng cây đầu xuân 2025. Ảnh: Đức Lam

Đoàn thanh niên huyện Yên Khánh tham gia trồng cây tại lễ phát động trồng cây đầu xuân 2025. Ảnh: Đức Lam

Thực hiện lời kêu gọi của Người, đến nay, Tết trồng cây đã trở thành truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu và sống gần gũi với thiên nhiên. Với Bác Hồ, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho Nhân dân; đặc biệt là giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; lối sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên của người Việt đã được trao truyền bao thế hệ.

Để định hướng về phong trào Tết Trồng cây, Bác Hồ đã có hàng chục bài viết, bài nói liên quan. Trong bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc vào ngày 14/9/1958, Bác đã xác định rõ việc trồng cây cũng giống như việc trồng người, là việc làm xuất phát từ lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài nhằm phục vụ cuộc sống: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Người cho rằng, đó là một nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất vẻ vang.

Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong 10 năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của Nhân dân ta.

Lời kêu gọi Tết trồng cây của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của Nhân dân, đã trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam.

Tết Canh Tý năm 1960, mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia trồng cây tại công viên hồ Bảy Mẫu (nay là công viên Thống Nhất). Sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng Bác vẫn đến chúc Tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi Vật Lại, Ba Vì...

Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, Bác vẫn không quên nhắc nhở Đảng bộ Nghệ An cần “có kế hoạch trồng cây bảo vệ rừng”. Trong bản Di chúc thiêng liêng mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở Nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng.

Người viết: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.

Thực hiện lời dạy và phong trào Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình luôn tích cực hưởng ứng Tết trồng cây và phát triển thành mùa Xuân trồng cây trong toàn tỉnh.

Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đều tham gia Tết trồng cây; vận động cán bộ, đảng viên, thanh niên, học sinh, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng bằng việc tham gia trồng cây tại gia đình, nơi công sở, trường học, đường làng, ngõ xóm, công viên, nhà văn hóa, khu dân cư… góp phần làm đẹp cảnh quan và tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ, tỉnh Ninh Bình xác định phương châm phát triển bền vững của tỉnh là “Xanh, bền vững và hài hòa”, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng và tham gia trồng cây mùa Xuân. 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng để trồng mới hàng triệu cây xanh, quan tâm đến công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, tạo cảnh quan, cải thiện môi trường sinh thái. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đi xa, đất trời đã bước vào nhiều mùa xuân mới, nhưng những lời căn dặn của Người về trồng cây gây rừng vẫn còn nguyên giá trị.

Phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động đã trải qua gần 70 mùa Xuân, trở thành một truyền thống tốt đẹp được Nhân dân trên mọi miền Tổ quốc hưởng ứng, tích cực thực hiện và ngày càng phát triển, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Những thế hệ cây xanh được trồng từ những năm đầu tiên của phong trào Tết trồng cây đến nay đã trở thành những cây cổ thụ sum suê, xanh mướt, có giá trị về cảnh quan cũng như môi trường tại các công trình văn hóa, nơi tưởng niệm, các tuyến đường phố, công viên, bảo tàng, tại các bản làng, đồng quê..., góp phần tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trong lành cho đất nước.

Những ngày đầu Xuân Ất Tỵ năm 2025, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta càng thấm nhuần hơn ý nghĩa to lớn từ phong trao Tết trồng cây do Bác Hồ phát động. Tết trồng cây đã và được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều việc làm và hành động cụ thể. Thực hiện phong trào Tết trồng cây của Người, ai cũng thấy hạnh phúc, tự hào khi đã góp phần gây dựng nên nhiều cây xanh cho quê hương, đất nước.

Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của các thế hệ hôm nay và mai sau, cùng hướng đến mục tiêu vì chất lượng cuộc sống của người dân, để Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững theo di nguyện thiêng liêng của Người.

Huy Hoàng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/mua-xuan-la-tet-trong-cay-700262.htm