Mục tiêu tăng trưởng 8%: Quyết tâm lớn và những thách thức không nhỏ
Mục tiêu tăng trưởng 8% là một quyết tâm lớn của Chính phủ và cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, từ việc hoàn thiện chính sách, tháo gỡ 'điểm nghẽn' cho doanh nghiệp.
![Với kịch bản tăng trưởng tham vọng, các chỉ tiêu tương ứng tăng trưởng khu vực công nghiệp-xây dựng khoảng 9,5% trở lên, dịch vụ tăng 8,1% trở lên và nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên. (Ảnh: Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_293_51462942/757830e800a6e9f8b0b7.jpg)
Với kịch bản tăng trưởng tham vọng, các chỉ tiêu tương ứng tăng trưởng khu vực công nghiệp-xây dựng khoảng 9,5% trở lên, dịch vụ tăng 8,1% trở lên và nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên. (Ảnh: Vietnam+)
Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua đã thảo luận về Đề án bổ sung mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với con số tăng trưởng đầy tham vọng 8% trở lên.
Mục tiêu này thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc tạo đà cho giai đoạn phát triển bứt phá tiếp theo, song cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và quyết liệt.
Quyết tâm bứt phá quyết liệt
Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình về Đề án với mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên. Mục đích nhằm góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài, bắt đầu từ năm 2026.
Điểm nhấn được vị Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh là tăng trưởng nhanh song phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn đồng thời phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng an ninh.
Với kịch bản tăng trưởng tham vọng này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các chỉ tiêu tương ứng tăng trưởng khu vực công nghiệp-xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên), dịch vụ tăng 8,1% trở lên và nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên. Cùng với đó, các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024.
Bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 12/2, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) hoan nghênh Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng thể hiện quyết tâm ngay từ đầu năm.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho hay trong các trình bày của Thủ tướng tại kỳ họp Quốc hội đã không dùng từ "phấn đấu" mà thay vào đó là "bứt phá quyết liệt."
![Ông Phan Đức Hiếu khẳng định mục tiêu tăng trưởng 8% là một thách thức lớn, tuy nhiên nếu đạt được, nó sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho đất nước. (Ảnh: Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_293_51462942/288a6f1a5f54b60aef45.jpg)
Ông Phan Đức Hiếu khẳng định mục tiêu tăng trưởng 8% là một thách thức lớn, tuy nhiên nếu đạt được, nó sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho đất nước. (Ảnh: Vietnam+)
Vì vậy, ông Hiếu cho rằng việc đặt mục tiêu tăng trưởng 8% thể hiện rõ nét hơn quyết tâm của Chính phủ và Trung ương.
"Việc đặt mục tiêu tăng trưởng được thể hiện rõ nét hơn bằng con số 8% một năm và rất là hoan nghênh," ông Hiếu chia sẻ.
Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu này không hề dễ dàng. Và, ông Hiếu nhấn mạnh lần nữa rằng khi đặt mục tiêu này cũng sẽ cần thiết phải sửa và điều chỉnh một số chỉ tiêu khác. Đặc biệt, các chỉ tiêu về trần nợ công, về tài khóa, tiền tệ hiện chưa có những thay đổi tương ứng thì mục tiêu này khó có thể thực hiện được.
Thách thức lớn và lợi ích kép
Khẳng định mục tiêu tăng trưởng 8% là một thách thức lớn. Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu cho rằng nếu đạt được, nó sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho đất nước.
"Nếu chỉ tiêu trên đạt được sẽ rất tốt. Vì, thứ nhất là sự đóng góp chung vào thành công của cả giai đoạn sắp tới. Thứ hai là tạo ra nền tảng vật chất và cả phi vật chất cho nền kinh tế,” ông Hiếu trao đổi.
Phân tích kỹ hơn, ông Phan Đức Hiếu cho biết nền tảng vật chất là mức tăng trưởng với những con số cụ thể về tài chính. Nền tảng phi vật chất là những yêu cầu cải cách cần thiết để đạt được mục tiêu này.
Dù không đưa ra giải pháp cụ thể, song ông Hiếu cho biết mong muốn Chính phủ thể hiện rõ hơn các giải pháp mới để đạt được mục tiêu tăng trưởng thêm 1%. Ông nhấn mạnh các giải pháp của Quốc hội và Chính phủ hiện tại vẫn còn nguyên hiệu lực, do đó cần có những giải pháp mới, sáng tạo để tạo thêm động lực tăng trưởng.
“Các giải pháp mới này cần phải thể hiện được những điểm khác biệt so với các Nghị quyết trước đây hoặc là những thay đổi trong chính sách hiện hành. Và, nội dung trong tờ trình của Chính phủ về những điểm mới này còn hơi mờ, cần được làm rõ hơn để tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong cả hệ thống,” ông Hiếu đề xuất.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng Chính phủ nên xây dựng một giải pháp tổng thể mang tính chất kích thích kinh tế. Vì, để tăng 1% GDP-các nước thường sẽ có các gói kích thích chính sách. Các gói kích thích này không nhất thiết phải được gọi tên một cách chính thức, có thể là một nhóm các chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất-kinh doanh và xuất khẩu.
"Giải pháp chính sách không có gì tốt hơn là về thuế. Nghĩa là tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp. Một là cải cách thuế thu nhập cá nhân để tăng thu nhập khả dụng cho người dân, từ đó thúc đẩy tiêu dùng. Hai là rà soát lại tất cả các chính sách thuế đối với doanh nghiệp. Nếu thực sự chưa cần thiết, chúng ta không nên tăng thuế,” ông Hiếu kiến nghị.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng cần nhanh chóng rà soát và chỉnh sửa ngay các quy định làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm cho đồng vốn đầu tư không hiệu quả. Ông lấy ví dụ về việc ký quỹ trong một số hoạt động xuất nhập khẩu, như phế liệu giấy. Theo ông, mức ký quỹ hiện tại là quá cao và không còn phù hợp với tình hình thực tế khi phế liệu giấy đã trở thành vật liệu quý hiếm.
"Bây giờ, doanh nghiệp cần nhất sự hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là về thời gian. Đây đã là một sự hỗ trợ rất lớn," ông Hiếu nói./.