Muôn kiếp nhân sinh 3 - Để thay đổi chính mình và lan tỏa lòng nhân ái đến người khác

Farnum là tỉ phú chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp nhưng có cuộc sống kín đáo, không hề xuất hiện trước công chúng nên không mấy người biết về ông. Tuy nhiên, việc ông tự nguyện đến làm việc trong quán ăn bình dân khiến tôi rất thán phục.

Farnum mỉm cười, giải thích: “Karma Kitchen là quán ăn mà từ người nấu đến người phục vụ đều làm việc hoàn toàn tự nguyện, không công. Có người làm vài ngày, có người làm nhiều tuần hay lâu hơn. Đa số đều là sinh viên, học sinh hăng say với lý tưởng phụng sự, lan tỏa lòng vị tha, thân ái. Khi nghe nói về việc này, chính tôi đã tự nguyện đến rửa bát và đổ rác tại đây trong hai tuần lễ để xem cách thức họ làm việc ra sao.”

Hệ thống trao đổi mọi thứ bằng tình người

Farnum kể tiếp: “Sau khi ghi tên tự nguyện, chúng tôi sẽ ngồi quây lại thành một vòng tròn để tự giới thiệu mình với những người làm việc tại đó. Mọi người chỉ biết tên nhau, không ai biết tôi là ai và tôi cũng không biết họ là ai. Công việc này là phụng sự, hoàn toàn tự nguyện, không phân biệt tuổi tác, danh vọng, địa vị mà chỉ có một mục đích là hoàn tất công việc được giao. Dù ai đó có khiếm khuyết thì cũng không quan trọng. Nếu còn đề cao bản thân thì công việc phụng sự đối với người đó cũng chỉ là phương tiện để họ đạt mục đích khác thôi.”

Tôi gật đầu đồng tình, rồi hỏi thêm: “Vậy thì anh đã làm những gì ở đây? Mọi người ở đây làm việc ra sao? Tôi thật sự rất tò mò. Tôi thấy mọi người đều có vẻ rất nhiệt huyết và năng nổ, không giống như đang làm việc không công.”

Farnum cười: “Đúng vậy, mọi người ở đây đều ôm một bầu nhiệt huyết đối với sự tốt đẹp. Khi mới đến đây, vì chưa quen việc nên tôi được giao những việc đơn giản như quét dọn, lau chùi và đổ rác. Sau khi làm được vài hôm, có người tình nguyện mới đến, tôi được giao việc dọn bàn và đem các món ăn ra cho khách. Sau một tuần, vì đã có kinh nghiệm, tôi được phân công phụ giúp cho người nấu ăn.

Hằng ngày, khi quán đóng cửa, mọi người cùng nhau quét dọn, thu xếp bàn ghế rồi ngồi lại thành vòng tròn cùng chia sẻ với nhau về ngày làm việc hôm đó để rút tỉa kinh nghiệm. Đó là những mẩu chuyện tuy ngắn thôi nhưng chứa đầy ý nghĩa. Ví dụ, khi khách có nặng lời hay tỏ ra bất lịch sự thì họ làm sao để giữ thái độ hòa nhã. Nguyên tắc tự nguyện làm việc tại đây là phát triển lòng nhân ái để thay đổi chính mình và lan tỏa đến người khác. Đôi khi phản ứng và cách ứng xử của chúng ta cũng giúp khách hàng chuyển hóa thái độ của họ nữa.

Những chia sẻ của họ là những điều quý giá giúp tôi hiểu rõ tinh thần phục vụ bất vụ lợi là thế nào. Trong hai tuần tại đây, tôi đã học được nhiều điều: Cho đi, nói lời nhã nhặn, lan tỏa lòng thân ái và cùng làm việc trong tinh thần phụng sự. Hay nói như ngôn ngữ của Phật giáo là bố thí, ái ngữ lợi hành và đồng sự. Nhờ thế, tôi hiểu rõ hơn về nền kinh tế quà tặng hay hệ thống trao đổi mọi thứ bằng tình người. Điều này hoàn toàn trái ngược với nền kinh tế thị trường, nơi mọi thứ chỉ trao đổi bằng tiền bạc.

Cố gắng trở thành người tốt

Đúng lúc đó, một thanh niên đi ngang qua chào Farnum. Ông giới thiệu anh bạn trẻ này với tôi: “Đây là Roger, người đã làm việc tại đây lâu nhất. Hình như sáu tháng thì phải?”

Người thanh niên gật đầu cười: “Vâng, tôi làm việc mỗi tuần ba ngày, và đã làm thế hơn sáu tháng nay rồi.”

Tôi hỏi: “Anh hiện đang làm gì mà có thể dành thời gian đến đây làm tình nguyện được lâu như thế?”

Roger vui vẻ trả lời: “Tôi đang là sinh viên Đại học Chicago...”

Farnum nói ngay: “Này Roger, anh hãy kể cho bạn tôi nghe tại sao anh lại tình nguyện làm việc tại đây nhé.”

Roger gật đầu cười: “Tôi học về điện toán. Hầu hết các bạn của tôi trong trường đều ấp ủ giấc mộng khởi nghiệp để làm giàu. Ai cũng muốn trở thành Bill Gates hay Steve Jobs thứ hai. Gần như mọi câu chuyện, mọi chủ đề hằng ngày của họ đều liên quan đến tiền bạc chứ không để tâm đến vấn đề nào khác nữa. Dĩ nhiên, tiền bạc không xấu nhưng sự khao khát tiền bạc đến ám ảnh của họ đã làm cho tôi thất vọng. Tôi muốn có một đời sống cao cả, tốt đẹp hơn. Tôi có đọc sách về Phật giáo, điều hấp dẫn tôi nhất chính là khái niệm “nghiệp” (Karma), được hiểu là nếu làm việc tốt thì điều tốt lành sẽ đến với bạn. Tôi không mong nhận lại gì ngoài việc cố gắng trở thành người tốt. Do đó ngoài giờ học, tôi tình nguyện làm việc tại đây và cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết.”

Sau khi Roger rời đi, Farnum tiếp tục cuộc trò chuyện: “Anh thấy đó, chúng ta thường mời bạn bè đi ăn uống, nhưng dù có là bạn thân đi chăng nữa thì đôi khi vẫn có sự kỳ vọng đền đáp. Hôm nay tôi trả cho anh thì lần sau anh sẽ trả cho tôi. Đâu có mấy khi ta nghĩ đến việc trả tiền cho người không quen biết mà không mong đáp trả lại điều gì. Đa số mọi người sẽ nghĩ làm vậy là ngu xuẩn. Tuy nhiên trên đời này, không có ai là người xa lạ cả. Và mọi người chúng ta có duyên gặp gỡ trên đời đều có mối liên hệ với ta từ trước.

Trong thế giới hơn bảy tỷ người này, cả cuộc đời chúng ta ước lượng chỉ gặp được vài ngàn người là nhiều. Trong số đó, ta chỉ quen biết vài trăm người là cùng. Có bao giờ anh tự hỏi vì lý do gì chúng ta lại gặp nhau không? Tại sao chúng ta lại thân nhau mà không phải là ai khác? Phải chăng tất cả đều đã có liên hệ từ trước? Chúng ta đến với nhau là để học hỏi, giúp đỡ, cũng là để sẻ chia, lan tỏa yêu thương.”

Farnum nhấn mạnh: “Vấn đề là ít ai thật sự suy nghĩ về điều này. Trong vô vàn mối quan hệ, đa số mọi người chỉ thân cận với người nào đó khi thấy điều gì có lợi cho họ mà thôi. Đôi khi bạn bè cũng là đối tượng để lợi dụng chứ không hẳn là tình bạn chân chính. Những người giàu có, nổi danh thường có rất đông bạn bè xúm lại ca tụng, tâng bốc. Anh có thấy người nào nghèo khổ, đói rách mà có đông bạn như thế không?”

Kỳ tới: Đánh thức lương tri và tình yêu thương trong mỗi con người

Hạ Vĩ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/muon-kiep-nhan-sinh-3-de-thay-doi-chinh-minh-va-lan-toa-long-nhan-ai-den-nguoi-khac-202552.html