Mưu sinh cùng cây cói

Từ bao đời nay, nghề trồng cói đã trở thành phần không thể thiếu trong đời sống của người dân xứ Thanh. Trên những cánh đồng bãi ven sông, ven biển, cây cói vẫn lặng lẽ vươn lên xanh mướt, như chính sự bền bỉ của người nông dân gắn bó với nghề cói truyền thống. Không chỉ là cây trồng thông thường, cói còn gắn liền với những làng nghề thủ công nổi tiếng.

Người dân làng cói ở xứ Thanh thu hoạch cói dưới nắng nóng. Ảnh: Hoàng Đông

Người dân làng cói ở xứ Thanh thu hoạch cói dưới nắng nóng. Ảnh: Hoàng Đông

Cói thu hoạch mỗi năm 2 lần vào tháng 5 và tháng 10 âm lịch. Mùa thu hoạch đầu tiên bắt đầu cũng là khi cái nắng gay gắt như đổ lửa trút xuống những cánh đồng cói xanh ngát trải dài ở các xã: Quảng Chính, Nga Sơn, Tân Tiến, Hồ Vương. Những người nông dân miệt mài cắt từng bó cói dưới nền trời như nung chảy.

Ông Nguyễn Hữu Hụi ở xã Quảng Chính cho biết: "Phải tranh thủ lúc sáng sớm để ra đồng cắt cói. Không tranh thủ cắt sớm, đến 9 giờ là chịu không nổi".

Cắt cói là công việc rất vất vả khi luôn phải cúi gập người, đi giật lùi theo từng luống, tay dùng dao bén để cắt sát gốc. Mỗi giờ, một người khỏe mạnh có thể cắt được khoảng 40 - 50 bó. Sau khi cắt, cói phải được phơi ngay trên ruộng hoặc sân bê tông trong 2- 3 ngày nắng liên tục mới đủ khô để bán hoặc chuyển sang dệt.

Nếu nắng thử thách sức bền, thì mưa lại là nỗi lo thường trực của người làm cói. Trời mưa kéo dài khiến cây cói không đứng thẳng mà mềm, thân nhỏ, sợi ngắn, làm giảm chất lượng. Gặp năm mưa nhiều, cây cói ngậm nước, thân xốp, khi phơi dễ bị thâm đen hoặc gãy vụn. Những trận mưa dầm kéo dài 3 - 4 ngày có thể khiến cả ruộng cói chờ thu hoạch trở nên không còn giá trị.

Bà Trương Thị Phượng ở xã Tân Tiến cho biết: "Mưa xuống là phải khẩn trương gom cói chưa khô về nhà che bạt, hong lại, nhưng cũng hiếm khi cứu được. Cói bị thâm là thợ dệt sẽ không nhận. Giờ nhiều gia đình có xưởng cói lớn phải tốn thêm tiền làm sân bê tông hoặc mái che để chủ động xử lý. Với hộ có diện tích trồng cói nhỏ, vốn liếng eo hẹp thì không làm được, mưa nhiều ngày thì cũng đành chịu".

Dù công việc cực nhọc nhưng thu nhập từ nghề trồng cói hiện nay không cao, mỗi sào chỉ thu được khoảng 600.000 - 1.000.000 đồng/lứa cói. Chính vì vậy, người trẻ dần rời xa đồng cói. Nghề này giờ chủ yếu do người trung niên và cao tuổi gắn bó. Để gia tăng giá trị cây cói cũng như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các công ty, HTX chế biến cói xuất khẩu đã sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm độc đáo từ cói như chổi, túi xách, thùng đựng đồ, thúng... xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

Tuy nhiên, con đường nâng tầm cây cói vẫn còn không ít trở ngại. Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu lao động tay nghề cao. Phần lớn người trẻ chọn làm công nhân tại các khu công nghiệp hoặc chuyển nghề khác có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm cói mỹ nghệ dù đã mở rộng nhưng vẫn chưa bền vững, phụ thuộc vào thương lái khiến người sản xuất dễ bị ép giá.

Trong dòng chảy toàn cầu hóa, những sản phẩm từ cói không chỉ đơn thuần là hàng tiêu dùng mà còn mang trong mình câu chuyện văn hóa. Mỗi chiếc túi, mỗi chiếc giỏ là một lát cắt của làng nghề, của bàn tay người thợ và tinh thần của người Việt gắn bó với thiên nhiên. Cây cói - loài “cỏ” mảnh mai từng gắn với đời sống lam lũ nơi vùng chiêm trũng, giờ đây, đang bước ra thế giới bằng chính vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi. Việc nâng tầm cây cói thông qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ là hướng đi kinh tế khả thi, mà còn là cách gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống trong bối cảnh mới. Từ đồng đất quê nhà đến những thị trường quốc tế xa xôi, hành trình của cây cói đang mở ra cánh cửa mới cho nông nghiệp và làng nghề truyền thống Việt Nam, miễn là có sự kiên trì và tình yêu với nghề cói. Chỉ khi người nông dân không chỉ trồng cói mà còn “thiết kế sản phẩm”, khi làng nghề không chỉ giữ nghề mà còn sáng tạo, làm mới từng ngày, thì lúc đó cây cói mới thật sự vươn mình, sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt mới thực sự có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Phương Đỗ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/muu-sinh-cung-cay-coi-254536.htm