Mỹ: Dữ liệu lạm phát tháng 6/2025 củng cố khả năng Fed duy trì lập trường thận trọng
Chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) tăng 0,2% so với tháng trước. Mức tăng này thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế, nhưng cao hơn mức tăng 0,1% của tháng 5/2025.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Báo cáo Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 nhiều khả năng giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì lập trường thận trọng, trong bối cảnh chưa rõ các mức thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất sẽ tác động đến lạm phát như thế nào.
Chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) tăng 0,2% so với tháng trước. Mức tăng này thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế, nhưng cao hơn mức tăng 0,1% của tháng 5/2025.
Sau khi báo cáo được công bố, các nhà đầu tư đã kỳ vọng 97% khả năng Fed sẽ duy trì lãi suất ổn định tại cuộc họp tháng 7/2025, cao hơn so với mức 93% vào ngày 14/7, theo công cụ FedWatch của CME. Trong khi đó, khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2025 đã giảm mạnh, ban đầu xuống dưới 60% và sau đó dần về mức 50% khi thị trường phân tích thông tin này.
Theo chuyên gia Seema Shah của Principal Asset Management, khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có giảm lãi suất hay không sẽ phụ thuộc lớn vào số liệu lạm phát được công bố hôm nay. Bà nói rằng nếu lạm phát tiếp tục thấp hơn dự kiến trong tháng thứ năm liên tiếp, có thể thấy rằng những lo ngại trước đây của Fed về tác động của thuế quan lên lạm phát là chưa có cơ sở rõ ràng. Tuy nhiên, bà nhận định việc giá cả các mặt hàng như nội thất gia đình, giải trí và quần áo tăng cho thấy thuế nhập khẩu đang dần ảnh hưởng đến giá hàng hóa cơ bản.
Giá quần áo tăng 0,4% trong tháng 6/2025, trong khi giá giày dép tăng 0,7% sau nhiều tháng giảm liên tiếp. Giá đồ nội thất và bộ đồ giường tăng 0,4%, đảo ngược mức giảm 0,8% trong tháng 5/2025. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy áp lực chi phí liên quan đến thuế quan bắt đầu ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Chuyên gia Shah cho rằng tác động đầy đủ từ thuế quan sẽ cần thêm thời gian để thể hiện, nhất là khi nhiều hàng hóa đã được nhập khẩu sớm trước khi các mức thuế mới được triển khai. Bà khuyến nghị Fed nên duy trì lập trường thận trọng trong ít nhất vài tháng nữa trong bối cảnh các mức thuế mới tiếp tục được công bố.
Chuyên gia kinh tế trưởng Greg Daco tại EY cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng tác động thực sự của thuế quan vẫn chưa rõ ràng, đồng thời nhận định rằng mức tăng giá nếu có sẽ không kéo dài. Ông chia sẻ với Yahoo Finance rằng nhiều doanh nghiệp đang tính đến việc nhanh chóng chuyển phần chi phí tăng do thuế quan lên người tiêu dùng. Theo ông, quá trình này sẽ diễn ra khá nhanh. Tuy nhiên, nếu chính sách thuế được triển khai rải rác trong năm tới thì lạm phát có nguy cơ kéo dài hơn. Ông nhận định đây là rủi ro lớn đối với nền kinh tế Mỹ hiện nay.
Các ý kiến về thời điểm hạ lãi suất vẫn còn chia rẽ trong nội bộ Fed. Biên bản cuộc họp chính sách tháng 6/2025 cho thấy ủy ban có sự phân hóa: Đa số ủng hộ ít nhất một đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, trong khi một vài ý kiến để ngỏ khả năng hành động sớm ngay từ tháng 7/2025. Một số khác lại muốn giữ nguyên lãi suất đến hết năm. Trong khi đó, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục kêu gọi giảm mạnh lãi suất. Trên mạng xã hội Truth Social, ông viết rằng Fed nên cắt giảm lãi suất 3 điểm phần trăm vì lạm phát đang ở mức rất thấp và điều này sẽ giúp tiết kiệm 1.000 tỷ USD mỗi năm.
"Bài kiểm tra" lạm phát lớn tiếp theo đối với Fed sẽ diễn ra vào ngày 16/7, khi chỉ số giá sản xuất (PPI) được công bố. Đây là thước đo mức biến động của giá hàng hóa do doanh nghiệp bán ra. Cuối tháng này, giới đầu tư sẽ chuyển sự chú ý sang chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát của Fed.
Tuy nhiên, lập trường thận trọng của Fed không chỉ dựa trên dữ liệu lạm phát gần đây mà còn do sự bất ổn kéo dài xung quanh chính sách thuế quan đang thay đổi của Tổng thống Trump.
Chuyên gia kinh tế trưởng Ryan Sweet tại Oxford Economics cho biết, nếu thuế mới của ông Trump dự kiến áp dụng từ ngày 1/8 được thực thi thì tác động lên giá hàng hóa có thể mất vài tháng để thể hiện rõ. Ông Sweet, người đang dự báo lần cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 12/2025, và cho rằng điều này có thể khiến Fed tiếp tục duy trì lập trường hiện tại, trừ khi thị trường lao động suy yếu rõ rệt. Ông nhận định nếu các mức thuế mới được thực thi, rủi ro có thể nghiêng về kịch bản Fed cắt giảm lãi suất trễ hơn so với dự kiến cơ bản. Theo ông, Fed có thể sẵn sàng chờ đợi lâu hơn và sau đó sẽ cắt giảm lãi suất mạnh hơn để bù lại do những bất ổn xung quanh chính sách thuế quan.