Mỹ: Nhà Trắng bảo vệ quyết định cắt giảm nguồn tài trợ nghiên cứu y khoa
Ngày 8/2, Nhà Trắng đã lên tiếng bảo vệ quyết định của Viện Y tế quốc gia (NIH) cắt giảm mạnh nguồn tài trợ cho các trường đại học và trung tâm nghiên cứu y khoa.
![Nhà Trắng tại Washington, D.C., Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_293_51431750/24c8d3d7e99900c75988.jpg)
Nhà Trắng tại Washington, D.C., Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 8/2, Nhà Trắng đã lên tiếng bảo vệ quyết định của Viện Y tế quốc gia (NIH) cắt giảm mạnh nguồn tài trợ cho các trường đại học và trung tâm nghiên cứu y khoa.
NIH ngày 7/2 thông báo sẽ giới hạn mức tài trợ cho chi phí "gián tiếp" (hay còn gọi là chi phí chung) của các nghiên cứu ở mức 15%, giảm mạnh so với mức 60% mà một số tổ chức đang nhận.
Theo NIH, việc cắt giảm này có hiệu lực ngay lập tức và sẽ giúp tiết kiệm hơn 4 tỷ USD mỗi năm. Cơ quan này nhấn mạnh quyết định này nhằm đảm bảo rằng ngân sách chính phủ sẽ được dành cho chi phí trực tiếp của các công trình nghiên cứu khoa học.
Các chi phí bị cắt giảm bao gồm những khoản chi cho bảo trì, thiết bị và hoạt động hành chính tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu. NIH cho rằng việc này là cần thiết để tối ưu hóa nguồn lực cho nghiên cứu trực tiếp, như các công trình về ung thư và các bệnh thoái hóa thần kinh.
Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà khoa học và học giả. Ông Matt Owens, Chủ tịch COGR - hiệp hội đại diện các viện nghiên cứu và trung tâm y khoa của các trường đại học, cho rằng việc cắt giảm nguồn tài trợ "chắc chắn sẽ làm tê liệt hoạt động nghiên cứu và đổi mới giúp cứu sống con người."
Trong khi đó, ông Jeffrey Flier, cựu hiệu trưởng Trường Y Đại học Harvard, cho rằng chính sách này sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với nghiên cứu y sinh học và các nhà nghiên cứu.
Dù vậy, Nhà Trắng đã bảo vệ động thái này, cho rằng tỷ lệ chi phí gián tiếp hiện nay của NIH là quá cao so với mức chi phí gián tiếp mà các tổ chức nghiên cứu nhận được từ quỹ tư nhân.
Trước đó, ông Elon Musk, cố vấn của Tổng thống Donald Trump và là người dẫn đầu chiến dịch cắt giảm ngân sách liên bang, cũng bày tỏ hoan nghênh quyết định cắt giảm.
Một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa cũng tán thành việc cắt giảm, cho rằng biện pháp này sẽ giúp giảm kinh phí hoạt động cho các trường đại học nghiên cứu danh tiếng như Harvard, Yale và Johns Hopkins.
Trong khi đó, các tổ chức bị ảnh hưởng cho rằng các khoản chi gián tiếp này thực tế được sử dụng để duy trì các công cụ, cơ sở vật chất và nhân viên hỗ trợ thiết yếu cho nghiên cứu.
Đại học Johns Hopkins cho biết các khoản tiền này dùng để duy trì vận hành các phòng thí nghiệm, hỗ trợ thiết bị nghiên cứu như máy ly tâm và bảo vệ dữ liệu lâm sàng./.